Thị trường công nghệ vẫn còn vướng mắc một vấn đề mà Steve Jobs đã giải được cho iPhone từ 10 năm trước

    Lê Hoàng,  

    Bạn khó có thể phủ nhận được rằng thành công của smartphone là do sở hữu nhiều tính năng và giao diện dễ sử dụng. Nhưng xét về mặt kinh doanh, chiếc iPhone đầu tiên còn mang đến một thay đổi rất căn bản mà cả PC lẫn các loại thiết bị thông minh khác cần học hỏi.

    Tại thời điểm iPhone ra mắt vào năm 2007, chiếc smartphone của Steve Jobs khiến cả thế giới ngỡ ngàng bằng cách tái định nghĩa lại khái niệm "điện thoại di động": không cần pin, không cần bền bỉ, chỉ cần giao diện thông minh, trải nghiệm dễ dàng, trình duyệt web và sức mạnh xử lý vượt trội so với các thiết bị di động cùng thời. Rất nhanh chóng, loài người từ bỏ những chú dế Nokia và BlackBerry vốn đã trở thành tiêu chuẩn để bước sang thời đại cảm ứng điện dung.

    Bên cạnh sự khác biệt về ý tưởng và cách sử dụng, chiếc điện thoại đầu tiên của Apple còn mang đến một thay đổi không mấy ai nghĩ đến cho làng di động: trong khi mỗi hãng điện thoại truyền thống như Nokia, BlackBerry và Samsung đều sở hữu một danh mục sản phẩm đông đảo, Apple chỉ ra mắt một sản phẩm duy nhất làm chủ lực. Trong những năm sau đó, Apple sẽ không giới hạn số lượng sản phẩm mới mỗi năm ở con số 1 (ví dụ, năm ngoái Apple có iPhone SE, iPhone 7 và iPhone 7 Plus), nhưng rõ ràng người hâm mộ vẫn có thể điểm danh cả danh mục iPhone một cách dễ dàng.

    Đây là một quyết định thiên tài của Steve Jobs.

    Trước nay vẫn vậy, đơn giản và dễ nhớ.
    Trước nay vẫn vậy, đơn giản và dễ nhớ.

    Tại sao ư? Hãy thử nhìn vào một số ví dụ sau đây:

    - Hiện tại, LG đang có một số mẫu TV 55 inch mang tên gọi 55LH5750, 55UH7700, 55UH6150, 55UF6450. Trên lĩnh vực màn hình vi tính, hãng này có một số sản phẩm 23 inch như: 23MP47HQ-P, 23MP68VQ, 23MP57HQ-P...

    - Trong giai đoạn đầu bán smartphone, Samsung sử dụng rất nhiều thương hiệu cho phân khúc giá thấp: Core Duos, Young, Chat, Star...

    - Chỉ tính riêng trong nhóm sản phẩm Core i7, Intel đã có một loạt các sản phẩm như i7-7500U, i7600K, i7-7820HQ...

    - Các mẫu Walkman của Sony bao gồm: NMWZ1, NW-WS625, NW-ZX100...

    - Trong thế giới âm thanh cao cấp, rất nhiều sản phẩm tai nghe, loa dàn vẫn còn mang những cái tên vô nghĩa với người dùng như A9010, R-14S, 768973-1110, SR325e, HD650, SP-FS52... Và trớ trêu là các sản phẩm này đều đến từ các tên tuổi nhiều người biết như Bose, JBL, Klipsch, Senneheiser v...v...

    So với những cái tên như iPod Touch hay Pono thì đây thực sự là một thảm họa về mặt thương hiệu.
    So với những cái tên như "iPod Touch" hay "Pono" thì đây thực sự là một thảm họa về mặt thương hiệu.

    Vấn đề của tất cả các tên gọi này? Chúng đều là các dãy số lằng nhằng và phần lớn là vô nghĩa với người dùng phổ thông. Dĩ nhiên, từng chữ số trong tên gọi của các sản phẩm này đều sẽ có ý nghĩa nào đó, từng dòng sản phẩm của Samsung thời kỳ đầu cũng có - nhưng ở vị trí nhà sản xuất, tại sao bạn lại muốn ném một "đống" mã hiệu về phía khách hàng thay vì sử dụng những cái tên thật kêu, thật đơn giản để cuốn hút người dùng ngay từ lần gọi đầu tiên?

    Bên cạnh vấn đề gây rối cho người tiêu dùng, việc tạo ra quá nhiều sản phẩm còn gây ra một vấn đề khác: trong cả danh mục, đâu mới là sản phẩm đáng mua nhất? Trong khi Apple luôn luôn có thể truyền tải thông điệp rằng "Chiếc iPhone mới nhất cũng là chiếc iPhone tập trung toàn bộ thế mạnh của Apple" thì sự chênh lệch nhìn từ tên gọi giữa i7-7820HQ và i7-7820K, NW-WS625 và NW-WS623 hoặc 55LH5750 và 55UF6450 là không thực sự rõ ràng với thị trường phổ thông màu mỡ.

    Một lần nữa, những người dùng thực sự quan tâm vẫn có thể tìm hiểu thật kỹ về các sản phẩm này, nhưng đứng từ góc độ nhận diện sản phẩm, rõ ràng cách đặt tên này sẽ gây ra nhiều bất lợi. Những câu nói dạng như "Cái này là Walkman à? NWZ gì gì đấy phải không" sẽ chẳng bao giờ xảy ra với iPhone, iPad hay iPod.

     Cách đặt tên của Intel không chỉ lằng nhằng mà còn dễ gây hiểu nhầm. Nếu laptop của bạn có chip Core i7 thì đó có thể là một con chip 2 nhân yếu đuối hoặc một con chip 4 nhân 8 luồng cực khủng.

    Cách đặt tên của Intel không chỉ lằng nhằng mà còn dễ gây hiểu nhầm. Nếu laptop của bạn có chip "Core i7" thì đó có thể là một con chip 2 nhân yếu đuối hoặc một con chip 4 nhân 8 luồng cực "khủng".

    Về phía nhà sản xuất, việc tạo ra càng nhiều tùy chọn có nghĩa rằng khâu tổ chức trong nội bộ rất dễ trùng lặp hoặc rối loạn. Thực tế, tình trạng "loạn" danh mục của Sony vào thời điểm cuối thế kỷ 20 là do các nhóm kỹ sư quá tự kiêu và không ai chịu nhường ai, độc lập phát triển ra các sản phẩm tương tự.

    Cần phải chỉ ra rằng, thị trường phần cứng hi-tech đã bắt đầu dịch chuyển theo hướng đặt tên mới. Minh chứng rõ rệt nhất là các hãng PC gần đây đã bắt đầu sử dụng những tên gọi ngắn và "kêu" như Omen (HP), Legion (Lenovo) hay Blade (Razer) cho laptop game của mình. Samsung, Sony và LG đã tiến hành tinh giản lực lượng, ví dụ như Samsung tầm thấp và tầm trung chủ yếu chỉ còn 2 dòng sản phẩm Galaxy J (thấp, trung) và Galaxy A (trung), phân biệt thấp cao trong từng dòng bằng một chữ số và năm phát hành.

    Tuy vậy, sẽ phải mất rất lâu - có thể là đến vĩnh viễn, vấn đề thương hiệu của ngành phần cứng hi-tech mới được giải quyết triệt để theo cách của Apple. Dù sao, xét cho cùng thì đó cũng là hướng đi nên theo đuổi: trong khi công nghệ càng ngày càng phức tạp, trải nghiệm của người dùng càng ngày càng đơn giản hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ