Thị trường khởi nghiệp châu Á hấp hối, kể cả các startup ưu tú nhất cũng sắp không có tiền trả lương cho nhân viên nữa
Nếu như một vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã đổ bộ vào châu Á – nơi có số lượng người dùng di động lớn nhất thế giới trong bối cảnh thị trường khởi nghiệp của khu vực này đang bùng nổ. Thì hiện tại, tình thế đã đảo ngược hoàn toàn.
Đầu tháng 2 năm nay, Yin Sang – một doanh nhân Trung Quốc đã gửi email tới cho toàn thể 600 nhân viên tại công ty khởi nghiệp đặt phòng karaoke của anh với nội dung: Công ty sắp hết tiền sau khi thất bại trong vòng huy động vốn mới nhất và sẽ không thể trả lương cho nhân viên nữa.
“Dòng tiền của chúng ta đang ở con số 0”, vị CEO 23 tuổi viết trong email. “Công ty đang rơi vào tình trạng khủng hoảng”.
Yin Sang - CEO 23 tuổi của công ty Yiqi Chang
Một năm trước đó, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải của Yin được định giá tới hơn 100 triệu USD và trong năm 2014, bản thân anh lọt top 30 doanh nhân dưới 30 tuổi thành công nhất do Forbes Trung Quốc bình chọn.
Điều đáng buồn là tình thế đảo ngược theo chiều hướng xấu của Yin như kể trên là thực tế mà rất nhiều nhà sáng lập các công ty khởi nghiệp châu Á đang phải trải qua: Các nhà đầu tư mạo hiểm đang ngày càng rót ít vốn hơn.
Nếu như một vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã đổ bộ vào châu Á – nơi có số lượng người dùng di động lớn nhất thế giới trong bối cảnh thị trường khởi nghiệp của khu vực này đang bùng nổ.
Thì hiện tại, tình thế đã đảo ngược hoàn toàn khi nền kinh tế toàn cầu chứng kiến tình trạng ảm đảm, thị trường chứng khoán Trung Quốc bất ổn và nỗi ám ảnh về bong bóng công nghệ.
Kết quả là các nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng hơn, các cuộc thảo luận về vấn đề huy động vốn kéo dài hơn so với thông thường và mức định giá của các công ty khởi nghiệp cũng thấp hơn so với trước.
Một vài công ty khởi nghiệp đã buộc phải đóng cửa trong khi số khác lại sa thải nhân viên, cắt giảm chi phí và chuyển từ nhiệm vụ chính là kinh doanh sang việc “đốt tiền” để thu hút người dùng.
Đầu tư mạo hiểm vốn chứa nhiều rủi ro và thành công cho các công ty khởi nghiệp, thậm chí trong giai đoạn mọi thứ đều tốt đẹp đều không có gì đảm bảo. Việc này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thị trường toàn cầu giảm tốc.
Sự sụt giảm này đặc biệt nghiêm trọng tại Trung Quốc và Ấn Độ. Các khoản đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc đã giảm 28% xuống còn 1,8 tỉ USD trong quý đầu tiên từ mức 2,5 tỉ USD vào đầu năm theo dữ liệu của công ty nghiên cứu AVC có trụ sở tại Hồng Kông.
Tại Ấn Độ, các nhà đầu tư mạo hiểm trong quý đầu tiên của năm 2015 đã rót 891 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ. Con số này đã giảm 17% xuống còn 736 triệu USD trong quý đầu tiên của năm nay.
Tại Hàn Quốc, các khoản đầu tư mạo hiểm cũng giảm 37% xuống còn 45,8 triệu USD trong quý đầu tiên từ mức 72,2 triệu USD vào đầu năm.
Năm nay, các nhà đầu tư cũng sẽ thân trọng hơn trong việc đánh giá tiềm năng của các kỳ lân công nghệ - tức là các công ty khởi nghiệp được định giá 1 tỉ USD hoặc hơn. Theo đó, họ sẽ loại bỏ những startup được cho là thiếu mô hình kinh doanh bền vững, theo Tom Tsao – quản lý tại công ty quỹ đầu tư có trụ sở tại Thượng Hải Gobi Partners.
“Chỉ những nhà sáng lập có nguồn lực dồi dào nhất, tài xoay sở tốt nhất mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Tsao nhấn mạnh.
Đối với Pei Qiao – đồng sáng lập của Weichaishi – công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải đang điều hành nền tảng huy động vốn từ cộng đồng cho các khách hàng doanh nghiệp, môi trường cạnh tranh và khó khăn hơn có nghĩa là bạn buộc phải cắt giảm cả những chi phí nhỏ nhất.
Đồ ăn, thức uống cho nhân viên cũng sẽ không còn và thậm chí những chiến dịch quảng bá thương hiệu đắt đỏ cũng sẽ không được thực hiện nữa.
Số lượng vốn đầu tư rót vào một số thị trường lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và Hàn Quốc đều đang giảm mạnh
Sau khi huy động được 3 triệu USD vào tháng 9/2014, Weichaishi đã thưởng cho toàn bộ nhân viên của mình một chuyến du lịch tới Thái Lan – nơi họ được nghỉ trong khách sạn 5 sao và cưỡi voi thư giãn.
Tuy nhiên hiện tại, công ty này thậm chí còn cắt giảm cả việc tổ chức buổi tiệc sinh nhật hàng tháng cho nhân viên dù là mua một chiếc bánh sinh nhật nhỏ cũng không có.
“Chúng tôi đang trở nên thực tế hơn và hướng đến những kết quả hữu hình”, Pei nói.
Tại Ấn Độ, cổng đặt phòng khách sạn trực tuyến Oyo Rooms gần đây đã buộc phải giảm việc nhận tiền vốn rót từ các nhà đầu tư mới để tránh những cuộc thương thảo kéo dài về việc định giá công ty.
Theo một nguồn tin thân cận, để tránh rơi vào tình trạng "rỗng túi" vào cuối năm, startup này đang cắt giảm chi phí và không còn thua lỗ đối với mỗi phòng khách sạn mà nó đặt.
Oyo Rooms – công ty từng được xem là ứng cử viên sáng giá trở thành công ty khởi nghiệp trị giá tỉ đô hiện đang tiếp cận với những nhà đầu tư như Softbank Group của Nhật Bản hay quỹ Sequoia Capital của Mỹ và sẽ nhận ít hơn 100 triệu USD và được định giá ở mức bằng hoặc lớn hơn một chút so với giá trị 400 triệu USD ở thời điểm hiện tại của công ty.
“Chúng tôi nhận thấy mối quan tâm rõ ràng từ các nhà đầu tư nhưng so với đợt gọi vốn trước đó, mức định giá này đúng với thực tế hơn”, Oyo Rooms – nhà sáng lập của Ritesh Agarwal nói.
Theo một nguồn tin thân cận, dịch vụ vận chuyện rau củ có trụ sở tại Singapore là RedMart cũng đang đối mặt với thử thách về vốn trong nhiều tháng nay, buộc họ phải trì hoãn kế hoạch mở rộng ra nước ngoài.
CEO công ty là Roger Egan đã từ chối trả lời câu hỏi liệu RedMart có phải đang gặp khó khăn về vấn đề huy động vốn hay không và chỉ khẳng định họ vẫn đang trong quá trình huy động vốn.
Tại Indonesia, các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử về thời trang như Paraplou Group và Pink Emma đã phải đóng cửa trong vài tháng gần đây với lý do môi trường huy động vốn ngày một khó khăn.
Trước tình trạng đó, những gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và Tencent đang đóng vai trò quan trọng làm giảm áp lực cho các startup với tư cách là nhà đầu tư chiến lược cho nhiều công ty khởi nghiệp tại châu Á.
Ví dụ điển hình là công ty dịch vụ taxi Didi Kuaidi của Trung Quốc được chống lưng bởi Alibaba và Tencent hiện đã huy động được hơn 1,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư.
Tháng trước, Alibaba cũng đầu tư 1 tỉ USD vào công ty khởi nghiệp thương mại điện tử thời trang ở Đông Nam Á là Lazada. Softbank cũng đang thực hiện kế hoạch đầu tư 10 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ trong vòng 1 thập kỷ tới, theo chia sẻ của CEO Masayoshi Son.
Về phía các công ty khởi nghiệp, để tồn tại trong bối cảnh thị trường ngày một khốc liệt, họ buộc phải tiến hành những thay đổi quyết liệt.
Trở lại với câu chuyện của Yin – nhà sáng lập của công ty khởi nghiệp đặt phòng karaoke được nhắc tới ở đầu bài. Công ty này đã phải cắt giảm số lượng nhân viên từ 600 xuống còn 200 trong 3 tháng qua.
Công ty Yiqi Chang - từ có nghĩa là “hát cùng nhau” đang cố gắng duy trì hoạt động tại chỉ 6 thay vì 20 thành phố như trong tháng 1. Công ty cũng phải dùng tới một vài khoản vay để đảm bảo hoạt động kinh doanh.
“Một năm trước, chúng tôi nghĩ mình lúc nào cũng có thể huy động được vốn. Nhưng hiện tại, chúng tôi phải tự sống sót bằng nỗ lực của chính bản thân”.
Theo CafeBiz/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập