Thiên thạch có khả năng hủy diệt Trái Đất và sứ mệnh lịch sử của NASA

    NPQM,  

    Tiếp tục là những diễn biến mới nhất về động thái nghiên cứu khoa học phục vụ mục đích của toàn nhân loại đến từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ.

    Một nhiệm vụ lịch sử của NASA sẽ được tiến hành vào tháng tới đây, nhằm mục đích thu thập những mẫu vật chất từ một thiên thạch, từ đó có thêm nhiều bằng chứng và cơ sở khoa học để nghiên cứu về kết cấu cũng như quá trình phát triển của hệ Mặt Trời.

    Cụ thể, tàu vũ trụ OSIRIS-REx sẽ khởi hành vào ngày 8/9/2016, sau đó sẽ dành 2 năm liên tục để “hội ngộ” với mảnh thiên thạch 101955 Bennu - đường kính trung bình 500m, được cho là một mối nguy hiểm có thể đụng độ Trái Đất vào khoảng những năm 2100. Bennu bay sát qua Trái Đất theo chu kỳ 6 năm/lần, và đến 2135 khoảng cách giữa nó với chúng ta còn gần hơn cả Mặt Trăng.

    “Thời điểm vào năm 2135, quỹ đạo của Bennu sẽ dần thay đổi, đặt nó vào lộ trình trùng với Trái Đất trong khoảng cuối thế kỷ,” giám đốc phân tích của OSIRIS-REx, Dante Lauretta chia sẻ với Sunday Times.

    Dù vậy, không cần phải quá lo lắng mà mất ăn mất ngủ cho thế hệ sau của chúng ta. Tỷ lệ Bennu đâm trúng Trái Đất sớm hơn dự tính là rất nhỏ. NASA đã tính toán con số ước lượng để Bennu va chạm vào Trái Đất trong khoảng thời gian năm 2175-2196 là 1/2700. Tuy nhiên, nếu xảy ra, tác động của nó sẽ lớn gấp 60 lần vũ khí hạt nhân kinh khủng nhất từng phát nổ, gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng không thể lường trước trên quy mô toàn cầu.

    Bên cạnh những viễn cảnh ảm đạm trên thì Bennu lại có giá trị khai thác và nghiên cứu khoa học rất cao. Kết cấu của nó vẫn được giữ nguyên kể từ khi Hệ Mặt Trời được hình thành và phát triển, do đó lời giải đáp cho câu hỏi “Sự sống bắt nguồn từ đâu?” có thể sẽ dần được hé lộ.

    “Bennu là một thiên thạch carbon, một di tích cổ đại thuộc về lịch sử hàng tỉ năm trước, đi kèm với những phân tử hữu cơ,” Lauretta phát biểu thêm. “Những thiên thạch như vậy có thể là nguồn gốc tạo nên sự sống trên Trái Đất từ chính cấu tạo vật chất của mình.”

    OSIRIS-REx dự kiến sẽ tiếp cận Bennu vào năm 2018, sau đó sẽ tiến hành rà soát và thăm dò địa hình trong 505 ngày tiếp theo, tạo ra một bản đồ sơ lược. Bản đồ này sẽ được sử dụng để lựa chọn ra khu vực lấy mẫu vật chất, sau đó mọi việc tiếp theo sẽ được tiến hành nhờ sự trợ giúp của một cánh tay robot tích hợp, mang về khoảng 0,6-2kg khối lượng thu thập.

    Số bằng chứng đó sẽ trở về Trái Đất vào năm 2023 để phân tích và nghiên cứu. Nếu mọi việc diễn ra đúng như những gì đã được lên kế hoạch từ trước, đó sẽ là một dấu mốc lớn nhất trong lịch sử khoa học vũ trụ, sau sự kiện Apollo trước đó.

    Không chỉ lấy mẫu vật, OSIRIS-REx còn được cử đi để nghiên cứu ảnh hưởng của hiệu ứng Yarkovsky - một lực tác động lên những chủ thể quay theo quỹ đạo mà không tỏa ra nhiệt độ đồng đều. Kể từ thời điểm Bennu được phát hiện ra vào năm 1999, chính hiệu ứng trên đã khiến quỹ đạo của Bennu thay đổi với chênh lệch lên đến 160 km. Nghe thì có vẻ không đáng kể, nhưng “sai một li, đi một dặm”, chỉ cần như vậy thôi cũng có thể dẫn đến hậu quả quá giới hạn an toàn, gây nên thảm họa va chạm với Trái Đất.

    Tham khảo: Iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ