Thiếu hụt nhân lực về trí tuệ nhân tạo, Microsoft thành lập "Đại học AI" nhằm nâng cao trình độ cho nhân viên
Với quỹ lương lên đến 1 triệu USD/năm cùng những nỗ lực bồi dưỡng nhân tài, có thể thấy Microsoft đang cực kỳ nghiêm túc trong việc chinh phục lĩnh vực tương lai này.
Trí tuệ nhân tạo (AI) và Machine Learning (ML) đang là một trong những chủ đề nóng nhất trong ngành công nghiệp công nghệ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, cũng chính vì tốc độ phát triển bùng nổ của chúng đã dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực, gồm các lập trình viên, nhà phát triển chuyên nghiệp cũng như những sinh viên xuất sắc mới tốt nghiệp trong lĩnh vực này.
Để khắc phục tình trạng trên, một số công ty đã tập trung khai thác các trường đại học và cử nhân viên của mình tham gia đội ngũ đào tạo AI cho họ. Thế nhưng thay vì đi theo xu hướng này, Microsoft lại quyết định thành lập một “học viện” ngay bên trong nội bộ công ty với mục tiêu nâng cao trình độ AI cũng như ML cho đội ngũ nhân viên và phát triển tối đa tiềm năng của họ.
Microsoft muốn nâng cao hơn nữa trình độ AI và ML cho nội bộ nhân viên của họ.
Chris Bishop, trưởng phòng nghiên cứu Microsoft Research tại Cambridge cho biết: “Đúng là chúng tôi sở hữu một trường "Đại học AI", hay hiểu đơn giản hơn là một chương trình giáo dục nội bộ. Chương trình này nhằm đào tạo về AI và ML cho những chuyên gia, nhân viên hàng đầu ở các lĩnh vực khác. Ngoài những kiến thức cơ bản, họ còn được đích thân thực hành, ứng dụng hai công nghệ trên trong môi trường thực tế”.
Có thể thấy, Microsoft đang cố gắng tạo dựng mối quan hệ cũng như thành lập các liên kết với những trường đại học khác bằng cách tài trợ cho sinh viên thông qua nhiều chương trình học bổng và chiêu mộ tiềm năng qua các hội nghị.
Ông Bishop chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng hợp tác với các trường đại học để tận dụng tối đa nguồn nhân tài. Hiện tại chúng tôi cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho các chương trình học bổng thạc sĩ tại Đại học Cambridge”.
Bên cạnh đó, công ty này cũng đã hỗ trợ tài chính cho khoảng 200 suất học bổng tiến sĩ tại Đại học Cambridge, nhiều hơn đáng kể so với các đối thủ khác như Google.
“Một trong những điều tối kỵ mà chúng tôi luôn tránh đó là thu hút các giáo sư hàng đầu tại nhiều đại học danh tiếng và để họ xử lý công việc cho chúng tôi”, ông Bishop giải thích. “Đối với một số công ty thì phương pháp này đúng là sẽ mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng xét trên phạm vi rộng hơn như toàn bộ lĩnh vực khoa học hay cả một quốc gia thì nó không phải là tối ưu nhất”.
Microsoft đã tham gia tài trợ cho rất nhiều chương trình học bổng tại Đại học Cambridge danh giá.
Mặt khác, hai đối thủ không đội trời chung của Microsoft là Apple và Google cũng đã thành lập nhiều phòng nghiên cứu tại Cambridge. Trong đó, đội ngũ nghiên cứu AI của Deepmind (thuộc Google) được hưởng mức lương lên đến 345.000 USD/năm vào năm 2016. Đa số họ đều đã từng công tác, giảng dạy tại Đại học Cambridge. Ngoài ra, họ cũng thường xuyên đứng lớp và chia sẻ kinh nghiệm về AI cũng như ML cho sinh viên tại đây, một số người thậm chí còn tham gia hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh.
Với việc AI đã và đang trở nên phổ biến trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta hiện nay, rõ ràng đây là một lĩnh vực mà Microsoft hay bất cứ “ông lớn” nào cũng không thể bỏ qua. Với quỹ lương đã cán mốc 1 triệu USD/năm và chỉ còn thiếu hụt về nguồn nhân lực chuyên nghiệp, hãy cùng chờ xem liệu những chiến lược của Microsoft có thể thành công hay không. Và công nghệ AI của họ có đủ sức hút đối với các nhân tài so với Google hay Apple hay không.
Theo MSpoweruser
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời