Năm 1963, có 2 cậu thiếu niên quyết định bắt tay vào làm một dự án khoa học, và cuối cùng chẳng ngờ ghi danh vào Kỷ lục Guinness thế giới.
*Lưu ý: Tuyệt đối không bắt chước
Năm 1963, Randy Gardner và Bruce McAllister quyết định thực hiện một dự án khoa học: Cố gắng thức lâu nhất có thể và xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Ban đầu, 2 cậu thiếu niên 16 tuổi muốn tìm hiểu ảnh hưởng của giấc ngủ đến "các khả năng tâm linh bất thường" (paranormal ability), nhưng phải từ bỏ ý tưởng này vì nhiều lý do - có thể nói ngắn gọn là quá phi lý để thực hiện. Thay vào đó, họ quyết định tìm hiểu ảnh hưởng của việc thiếu ngủ đến khả năng nhận thức tâm lý và hoạt động thể chất.
Ý tưởng đã có, việc còn lại là... tung đồng xu xem ai là người "được" ngồi nghiên cứu, và ai phải hy sinh giấc ngủ của mình. Randy thua, có chơi có chịu, cậu chuẩn bị tinh thần để thức trắng nhiều đêm liên tục.
Randy Gardner - cậu thiếu niên thức trắng 11 đêm để "phục vụ khoa học"
Thí nghiệm của họ đáng lẽ đã kết thúc một cách vô nghĩa, nếu không có một tờ báo địa phương đứng ra đăng tải và thu hút được sự chú ý của Tiến sĩ nghiên cứu giấc ngủ William C. Dement từ ĐH Stanford.
"Tôi có lẽ là người duy nhất trên Trái đất lúc đó từng làm một nghiên cứu về giấc ngủ" - Tiến sĩ Dement cho biết. "Bố mẹ của Randy đã rất lo lắng, sợ rằng nó có hại cho sức khỏe của cậu ta, bởi khi đó chẳng ai biết liệu việc thiếu ngủ có khiến chúng ta chết hay không".
Nhìn chung, rủi ro chết không phải là không có. Những nghiên cứu trước kia về giấc ngủ cho thấy việc thiếu ngủ có thể gây ảo giác, hoang tưởng và nảy sinh nghi kỵ. Thậm chí, thí nghiệm trên mèo còn dẫn đến cái chết của một chú mèo nhà, sau khi bị ép thức suốt 15 ngày liên tục.
Bởi vậy, bố mẹ của Randy đã xin tiến sĩ Dement giám sát thí nghiệm của con mình, cùng với Trung sĩ John J. Ross từ Đơn vị Nghiên cứu Tâm lý học thần kinh Hải quân tại San Diego.
Chuyện gì đã xảy ra
Để giữ cho Randy thức, nhóm nghiên cứu để cậu ta phải vận động nhiều - từ chơi bóng rổ cho đến bắn bóng. Họ không cho cậu ta nằm xuống, bắt phải nói chuyện khi đi toilet hoặc vào phòng ngủ, đề phòng cậu lén chợp mắt.
Giai đoạn đầu, thí nghiệm diễn ra khá suôn sẻ. 1 ngày không ngủ - chưa ảnh hưởng lắm. Ngày thứ 2, Randy gặp khó khăn trong việc xác định vật thể chỉ bằng xúc giác. Ngày thứ 3, tâm trạng cậu ủ dột hơn, gặp khó khi phải uốn lưỡi.
Đến ngày thứ 4, cậu bắt đầu lẫn lộn ký ức, và ảo giác bắt đầu xuất hiện. "Tôi đã tưởng rằng mình là một cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng Paul Lowe" - Randy trả lời một bài phỏng vấn sau thí nghiệm 1 năm.
Ảo giác tiếp tục xuất hiện trong những ngày sau đó. Randy nhìn thấy khu rừng chạy qua trước mặt, thay vì hình ảnh trong ngôi nhà của cậu.
"Vào lúc này, mọi thứ tôi làm chỉ đơn giản là vào toilet. Không còn hưng phấn nữa, mọi thứ cứ trầm lắng dần, giống như có ai đó chà phẳng não tôi vậy. Cơ thể tôi cứ lê lết, trong khi thần trí rất đứt đoạn".
Những ngày kế tiếp, tốc độ nói chuyện của Randy chậm dần và nội dung bắt đầu... lung tung. Trí nhớ của cậu cũng tệ hẳn đi. Cậu có thể nói 1 câu nhưng dừng lại nửa chừng, hoặc vì quên mất mình định nói gì, hoặc do mạch nói bị nghẽn vì một suy nghĩ mới. Dẫu vậy, cậu vẫn có thể chơi bóng bàn.
Giống như bất kỳ ai thiếu ngủ, Randy bắt đầu mắc chứng hoang tưởng. Trước cậu có Tom Rounds, người nắm giữ kỷ lục Guinness thời điểm đó khi không ngủ tới 260h. Một người khác là DJ Peter Tripp - thức trắng 200h, và đã gặp ảo giác rằng các bác sĩ sẽ chôn sống anh ta. Ảo giác ấy lớn đến mức anh bỏ chạy giữa thí nghiệm, trên người mặc rất ít quần áo.
Từ trái sang: Bruce McAllister, Randy Gardner, Tiến sĩ William Dement và Joe Marciano
Ngày thứ 11 - cũng là ngày cuối cùng, Randy gần như vô cảm và phải cần nhắc liên tục mới có thể trả lời. Các bài kiểm tra tâm lý kết thúc rất nhanh, vì cậu gần như quên sạch mình đang làm gì.
May mắn là Randy không gặp các hiệu ứng quá nghiêm trọng từ việc thiếu ngủ. Cậu thậm chí còn phá kỷ lục của Tom Rounds, trở thành người thức lâu nhất thế giới. Kết thúc thí nghiệm, cậu được giám sát rất chặt chẽ, và sức khỏe dần khôi phục về trạng thái bình thường.
Báo cáo thí nghiệm kết luận rằng khi thiếu ngủ, một phần của não bộ đã bị "bắt cóc", gần như không hoạt động. Hiện tượng này sau đó được xác nhận có xảy ra ở thí nghiệm trên chuột, với việc khu vực thần kinh vỏ não bị "tắt" hẳn khi chúng thiếu ngủ.
"Brandy không phải là nhân loại đầu tiên buộc phải thức nhiều hơn 1 đêm. Có lẽ đây là cơ chế tiến hóa của não bộ, để có thể tự tắt đi và bảo vệ nó khỏi những tổn hại. Một phần não bộ tắt đi rồi phục hồi, trong khi phần khác vẫn thức. Nó lặp đi lặp lại, qua đó khiến những hiện tượng tồi tệ hơn không xảy ra".
Sau Randy, có một số người đã vượt qua cậu về thời gian thức trắng, nhưng kỷ lục Guinness đã ngưng cập nhật hạng mục này để tránh cổ xuý. Xét cho cùng, việc ép cơ thể thức trắng là một việc rất nguy hiểm, không nên bắt chước nha.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời