Hai đối thủ truyền kiếp cuối cùng cũng chấp nhận kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài 7 năm ròng rã.
Cuộc chiến bằng sáng chế smartphone kéo dài 7 năm giữa Apple và Samsung cuối cùng cũng đi đến hồi kết. Chẳng có nghi thức nào diễn ra, chỉ có một thỏa thuận tuyệt mật được ký kết trong một văn phòng luật sư hết sức bình thường - giống như tính chất của cuộc chiến pháp lý gần cả thập kỷ của hai kẻ khởi đầu ngành công nghiệp smartphone vậy. Nguyên nhân nào đã khiến cuộc chiến này kết thúc chóng vánh như vậy? Bởi smartphone ngày nay đã trở thành một sản phẩm hàng hóa phổ biến, và có rất nhiều cách để thiết kế một "miếng bánh sandwich" bằng kính và kim loại với những biểu tượng có thể chạm được bên trong nó. Cả công nghệ tiêu dùng lẫn bản thân người tiêu dùng đều đã tiến về phía trước.
Tóm tắt lại vụ việc:
- Năm 2010, Steve Jobs khởi đầu một cuộc chiến tranh nhiệt hạch trên quy mô toàn cầu chống lại Google và đạo quân Android của hãng. Apple kiện HTC - một đại diện của Google - vì sao chép trắng trợn sản phẩm sáng tạo của Jobs, chiếc iPhone.
- Tháng 4/2011, Apple kiện Samsung, khẳng định công ty Hàn Quốc đã sao chép mọi thứ mình tạo nên, từ thiết kế công nghiệp cho đến thiết kế giao diện như thanh slide-to-unlock chẳng hạn.
- Tháng 8/2012, Apple thắng 1 tỷ USD từ Samsung, một phán quyết được cho là đã khiến HTC phải "dàn hòa" với Apple vào tháng 11/2012, đồng ý với một thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế của Apple. Thế nhưng, Samsung lúc này quyết tâm kháng cáo lên Tòa án Tối cao, khiến vụ kiện được chuyển xuống một tòa án cấp thấp hơn để tái xét xử.
- Tháng 5/2018, một phán quyết được đưa ra - đứng về phía Apple - khi yêu cầu Samsung phải trả cho Táo khuyết 539 triệu USD, và ngay lập tức lại bị Samsung kháng cáo. Và rồi trong tuần cuối tháng 6/2018, cả hai bên đột nhiên công bố họ đã đạt được một thỏa thuận với "các điều khoản không được tiết lộ".
Phản ứng của mọi người nói chung với cái kết này là..."ai mà quan tâm chứ?". Bởi thực sự, Samsung, Google và các hãng sản xuất smartphone khác có lẽ đã sao chép trắng trợn hàng tá thành quả về kỹ thuật và thiết kế của Apple - người đã tạo ra chiếc smartphone đầu tiên làm thay đổi cả ngành công nghiệp di động và cả thế giới. Phần cứng, cách đóng gói, trải nghiệm người dùng, và rất nhiều công nghệ mà Apple đã giới thiệu trên chiếc iPhone đầu tiên đã được cả ngành công nghiệp "tái sản xuất". Trong quá khứ, Apple tranh cãi rằng cuộc chiến pháp lý này là nhằm bảo vệ niềm tự hào và buộc mọi người phải công nhận sự sáng tạo của mình, chứ tiền bạc không hề quan trọng (dù sao thì khoản tiền 539 triệu USD cũng chẳng khác gì "muối đổ bể" so với 61 tỷ USD mà Apple kiếm được trong quý vừa qua). Xét việc thế giới đã tiến về trước trong nhiều năm qua kể từ bình minh của thời đại smartphone, cũng hợp lý khi công ty cuối cùng cũng nhận ra rằng một phán quyết với phần thắng về phía mình rốt cuộc cũng chẳng đáng những rắc rối mà họ đã phải trải qua.
Sự thật là nguồn gốc của thiết kế smartphone từ rất lâu đã không còn là một vấn đề để bàn cãi nữa. Chiếc iPone 4 là một bước nhảy vọt lớn từ chiếc iPhone đời đầu. Kể từ đó, chúng ta đã chứng kiến các hãng sản xuất phần cứng sao đi chép lại thiết kế đó trong hàng năm trời. Lúc này, phần mềm chính là nơi cho thấy sự sáng tạo trong thiết kế, đặc biệt là cách mà các công ty công nghệ nhúng AI vào các sản phẩm của mình (ngay cả khi hiện tại, phần lớn là thông qua các trợ lý giọng nói có vẻ không được thông minh cho lắm). Trong khi đó, công nghệ nền tảng của mọi smartphone sẽ tiếp tục tiến hóa theo hình thức lặp đi lặp lại, với vi xử lý nhanh hơn, camera dần dần tốt hơn các mẫu máy trước. Tủ lạnh, xe hơi, hay bất kỳ sáng tạo nào từng thay đổi thế giới cũng vậy.
Câu chuyện về sáng tạo thiết kế, và quá trình thông dụng hóa các sản phẩm giữa các đối thủ cạnh tranh, đã - đang - và sẽ liên tục lặp lại qua các thời kỳ lịch sử, và không một vụ kiện nào có thể ngừng nó lại.
Tham khảo: FastCompany
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI