Thời kỳ Phục hưng của thiết kế smartphone là đây chứ đâu

    Tấn Minh,  

    Các hãng sản xuất điện thoại muốn giết chết tai thỏ, và động lực này đã tạo cảm hứng cho nhiều thiết kế smartphone lạ mắt ra đời.

    Khi Apple tung ra iPhone X vào năm 2017, hãng đã xem chiếc "tai thỏ" đặc trưng - nơi chứa các cảm biến và camera selfie - như một phần trong bản sắc thiết kế của mình. Jony Ive đã miêu tả chiếc điện thoại này như một sản phẩm của một mục tiêu dài cả thập kỷ nhằm tạo nên một "chiếc iPhone có màn hình toàn mặt trước", ám chỉ rằng chiếc "tai thỏ" kia là không thể tránh khỏi. Thiết kế tai thỏ của Google Pixel 3 và một loạt các điện thoại Android khác dường như là một lời khẳng định thiết kế "tai thỏ" sẽ tiếp tục tồn tại và hiện diện xuyên suốt ngành công nghiệp di động.

    Thế nhưng trong năm qua, các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc và Hàn Quốc đã phá vỡ mọi nguyên tắc trong thiết kế smartphone trong một nỗ lực nhằm đạt được cột mốc "màn hình trọn mặt trước". Một số các thiết kế không tai thỏ mà họ đưa ra chính là những thí nghiệm mới mẻ, trong khi số khác lại vay mượn ý tưởng từ các điện thoại nắp trượt từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường. Tương lai của thiết kế smartphone vẫn rất mơ hồ, và dưới đây hãy cùng điểm lại chúng.

    Lò xo, nam châm, và mô-tơ

    Nhiều điện thoại mới hiện nay bỏ qua "tai thỏ" bằng cách giấu các camera và cảm biến theo những cách bất thường.

    Ví dụ, hãng điện thoại Trung Quốc Vivo tung ra một chiếc điện thoại với tên gọi Nex S có tỉ lệ màn hình/thân máy ấn tượng 91,24% (iPhone X chỉ đạt 82,9%). Hãng này đạt được con số đó bằng một thủ thuật: đưa camera selfie vào một mô-đun trồi lên, thụt xuống ở trên đỉnh điện thoại. Đồng thời, Nex S còn có một hệ thống nhận diện vân tay dưới màn hình, chiếm gần nửa dưới màn hình.

    Thời kỳ Phục hưng của thiết kế smartphone là đây chứ đâu - Ảnh 1.

    Vivo Nex S

    Với Oppo, họ cũng tung ra một chiếc điện thoại với tên gọi Find X, đạt tỉ lệ màn hình/thân máy 93,8% bằng một cách còn thú vị hơn: giấu camera trước trong một cơ chế trượt cơ học trồi lên từ đỉnh máy khi người dùng chạm vào một nút bấm.

    Thời kỳ Phục hưng của thiết kế smartphone là đây chứ đâu - Ảnh 2.

    Oppo Find X

    Một chiếc điện thoại khác mới được công bố gần đây bởi Xiaomi - Mi Mix 3 - có giải pháp thiết kế tương tự, ngoại trừ việc nó lấy cảm hứng từ những chiếc điện thoại nắp trượt Nokia ngày xưa. Nhờ vào các nam châm neodym tích hợp, bạn có thể trượt camera ẩn lên để chụp ảnh, và khi trượt sẽ có một tiếng "click" đầy thoả mãn làm gợi lại thời kỳ analog trước đây. Mi Mix 3 có giá 475 USD tại Trung Quốc.

    Thời kỳ Phục hưng của thiết kế smartphone là đây chứ đâu - Ảnh 3.

    Xiaomi Mi Mix 3

    Chưa hết, chúng ta còn có Honor Magic 2, sử dụng cơ chế trượt mở bằng hai lẫy hình kéo bên trong thân máy:

    Thời kỳ Phục hưng của thiết kế smartphone là đây chứ đâu - Ảnh 4.

    Honor Magic 2

    Cuối cùng, công ty Trung Quốc Nubia, một công ty con của ZTE, chọn một hướng đi hoàn toàn khác biệt với chiếc Nubia X. Chiếc điện thoại này loại bỏ hẳn camera trước, gắn thêm một màn hình OLED thứ hai vào lưng máy. Khi bạn muốn chụp ảnh selfie, màn hình sau của nó sẽ sáng lên để chụp ảnh với camera kép đằng sau.

    Thời kỳ Phục hưng của thiết kế smartphone là đây chứ đâu - Ảnh 5.

    Nubia X

    Thiết kế của Nubia X còn mang lại nhiều tính năng thú vị, ví dụ, bạn có thể thiết lập màn hình thứ hai (ở mặt sau máy) hiển thị đồng hồ, thông báo, hay các nội dung do bạn tự đặt ra khi điện thoại được đặt úp mặt xuống.

    Thời kỳ Phục hưng của thiết kế smartphone là đây chứ đâu - Ảnh 6.

    Hơn nữa, loại bỏ camera trước và thêm vào màn hình OLED thứ 2 quả thực giúp đơn giản hoá chiếc điện thoại, giúp nó nhẹ hơn iPhone XS Max (181 gram so với 208 gram), và có viên pin lớn hơn (3800mAh so với 3174mAh). Giá của nó thì sao? Chỉ 473 USD ở Trung Quốc thôi!

    Một giải pháp đơn giản hơn

    Liệu mọi smartphone tương lai sẽ được trang bị lò xo và mô-tơ? Có vẻ là không. Xét cho cùng, những giải pháp này không hoàn hảo. Lý tưởng nhất là chiếc điện thoại không có bất kỳ bộ phận nào chuyển động, bởi chúng là những bộ phận dễ hư hỏng nhất.

    Samsung có lẽ sẽ là hãng đầu tiên giải quyết triệt để chiếc "tai thỏ". Theo nhiều tin đồn, chiếc Galaxy S10 sắp ra mắt của hãng sẽ sử dụng một loại màn hình mới với công nghệ cảm biến tích hợp (Sensor Integrated Technology). Bộ phận màn hình của Samsung đã trình diễn màn hình này với 20 khách hàng doanh nghiệp vào tháng trước tại Shenzen, Trung Quốc. Theo một bức ảnh từ buổi giới thiệu, bộ phận màn hình của Samsung đã phát triển được một tấm nền màn hình OLED có các camera đặt bên dưới.

    Chúng ta chưa biết liệu công nghệ này có hoạt động hiệu quả không, nhưng màn hình mới của Samsung sẽ cho phép các camera và cảm biến - như cảm biến sóng siêu âm dùng để tạo bản đồ 3D của vân tay - hoạt động từ bên dưới màn hình. Trong khi đó, công nghệ âm thanh trên màn hình sẽ giúp tạo ra âm thanh mà không cần lỗ loa.

    Thiết bị màn hình gập sẽ là tương lai?

    Nếu Samsung thực hiện những lời hứa hẹn đó, chiếc điện thoại không tai thỏ của hãng sẽ xuất hiện vào năm 2019 - nhưng công ty có thể sẽ giới thiệu một công nghệ màn hình đầy hứa hẹn khác có khả năng biến đổi thiết kế smartphone thậm chí còn sớm hơn.

    Nhờ các tấm nền OLED gập được và cơ chế bản lề, một thế hệ mới của các điện thoại gập có thể mở ra để trở thành một chiếc tablet mini. Trong năm sau, chúng ta sẽ thấy ít nhất 5 chiếc điện thoại màn hình gập mới từ các hãng sản xuất khác nhau, bao gồm LG, Huawei và Samsung. Apple cũng được đồn là đang phát triển một chiếc điện thoại uốn dẻo - những bằng sáng chế mới đây đã cho thấy điều đó. Trong khi đó, Google và Samsung đang cùng làm việc để hình thành nên một phiên bản Android đặc biệt tương thích với các điện thoại gập nói trên.

    Thời kỳ Phục hưng của thiết kế smartphone là đây chứ đâu - Ảnh 7.

    Những chiếc điện thoại này sẽ mở ra những cách thiết kế camera và cảm biến hoàn toàn mới vào bên trong màn hình, nhưng chúng ta vẫn chưa biết đủ nhiều để nói chính xác những thách thức có thể xảy ra. Một số điện thoại có thể gập lại như cuốn sách, với các màn hình hướng vào trong. Một số khác sẽ có màn hình hướng ra ngoài. Và một số, như chiếc Galaxy F được đồn đoán của Samsung, sẽ có một màn hình nhỏ hơn bên ngoài thân máy, dùng để thực hiện nhanh hầu hết các thao tác. Bên trong, một màn hình lớn hơn sẽ được sử dụng cho các ứng dụng đa phương tiện, như xem phim, chơi game, hay làm việc trên các văn bản hay bài thuyết trình.

    Kiểu dáng smartphone như thế nào trong tương lai, và liệu nó có giấu các cảm biến bằng mô-tơ, nam châm, màn hình gập, hay công nghệ đưa mọi thứ xuống dưới màn hình hay không, thì cũng có thể nói rằng chúng ta đang tiến đến một viễn cảnh đậm chất khoa học viễn tưởng với các màn hình "toàn màn hình" đúng nghĩa. Thậm chí cả Apple còn đang tìm cách để giết "tai thỏ" cơ mà. Và một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhìn lại "tai thỏ" như một trào lưu thiết kế yểu mệnh.

    Tham khảo: FastCompany

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ