Threads - Bản đạo nhái’ mới nhất trong 1 thập kỷ sao chép của Mark Zuckerberg: Ra mắt rầm rộ nhưng nhạt, 100 triệu người dùng có được chỉ do 'ăn may'
Threads chỉ là một sản phẩm nhái Twitter, được ra đời nhằm củng cố thương hiệu truyền thông xã hội của Meta.
- Threads xô đổ kỷ lục của ChatGPT, đạt 100 triệu người dùng chỉ trong 5 ngày, TikTok hay Instagram cũng kém xa
- Vượt mặt ChatGPT, Threads của Meta lập được kỳ tích "vô tiền khoáng hậu"
- Threads lập kỷ lục không tưởng, đạt 70 triệu người dùng sau 2 ngày ra mắt
- Lộ hạn chế đầu tiên của mạng xã hội Threads
- Vận may trời cho của Mark Zuckerberg: Threads hút 70 triệu người dùng sau 2 ngày, có người từng tẩy chay Facebook, chưa từng dùng Instagram cũng buộc phải đăng ký chỉ vì muốn rời khỏi Twitter
Mark Zuckerberg gần đây rất thích khoe khoang về thành công của Threads - ứng dụng được phát hành vào tối ngày 5/7. Hai giờ sau, vị CEO cho biết Threads có 2 triệu lượt người đăng ký và đến sáng hôm sau là 10 triệu. Tính đến ngày 9/7, lượng người dùng của Threads đã đạt 100 triệu, theo Bloomberg.
Các số liệu nghe có vẻ ấn tượng cho đến khi bạn thực sự hiểu về Threads - một sản phẩm nhái Twitter được ra đời nhằm củng cố thương hiệu truyền thông xã hội của Meta. Thực tế, Mark Zuckerberg đã thực hiện những kiểu sao chép này trong suốt một thập kỷ, từ Snapchat, TikTok, Pinterest, Siri, Nextdoor, Flipboard, Cameo… ; song thất bại thì không thiếu. Các ứng dụng ‘chết yểu’ có thể kể đến như Facebook Lifestage, Lasso, Hobbi, M, Neighborhoods, Paper và Super.
Giống như Twitter, bản copy mới nhất khuyến khích người dùng viết các dạng tin nhắn ngắn. Khác biệt lớn nhất là bạn phải đăng ký qua Instagram, ứng dụng chia sẻ ảnh thuộc sở hữu của Meta. Người dùng cho biết họ nhận về rất nhiều các thông báo đẩy về lượt follower mới trên Threads. Ứng dụng cũng gợi ý danh sách bạn bè từ Instagram ngay cả khi họ chưa đăng tải một bài tweet nào.
Một số thấy phiền vì có quá nhiều thông báo gửi đến, song việc xóa vĩnh viễn Threads không hề dễ. Trừ khi tài khoản Instagram cũng bị xóa, nếu không, bạn sẽ luôn bị làm phiền bởi những tiếng ‘tinh tinh’ từ Threads.
Vẫn có người nghi ngờ sự thành công của Threads bởi ứng dụng này sao chép ý tưởng của một nền tảng đang bên bờ vực điêu đứng. Twitter rơi vào hỗn loạn ngay sau khi Elon Musk ngỏ ý muốn mua lại, để rồi giờ đây doanh thu ‘bốc hơi’ 50%. Các nhà quảng cáo cũng tháo chạy.
Threads không phải sản phẩm đạo nhái Twitter duy nhất. Trước nó còn rất nhiều các ứng dụng khác, chẳng hạn như Mastodon, Post News, Discord, Bluesky, Substack Notes… Trong 9 tháng qua, rất nhiều người hào hứng dùng thử các sản phẩm đạo nhái này, song đa số đều đồng tình rằng, chẳng nền tảng nào có thể thay thế Twitter.
Threads khác biệt vì được cơ sở người dùng Instagram hậu thuẫn, dù cho bối cảnh hiện tại không thực sự thuận lợi. Suy thoái kinh tế khiến động lực cho các gã khổng lồ tại Thung lũng Silicon thuyên giảm dần.
Quay ngược trở lại những năm 2000 - thời điểm Internet chưa phổ biến và người ta chỉ dành một tiếng rưỡi online mỗi ngày. Sự phát triển của điện thoại di động sau đó khiến mọi thứ thay đổi, đồng thời biến truyền thông xã hội trở thành trung tâm cuộc sống hiện đại. Vào năm 2013, công ty nghiên cứu thị trường GWI cho biết người dùng Internet trung bình dành tới hơn 6 giờ/ngày cho các thiết bị.
Facebook, dựa trên một lý thuyết rằng mọi người sẽ chia sẻ gấp đôi thông tin mỗi năm, thậm chí còn chế tạo những chiếc máy bay không người lái khổng lồ được kỳ vọng có thể đưa mạng xã hội Facebook lên không trung. Google đã có một chương trình tương tự.
Không ai dừng lại để nhìn nhận những phi lý trên, trong khi Facebook điên cuồng tìm cách cung cấp quyền truy cập Internet cho các nước đang phát triển, một phần vì hoạt động kinh doanh cốt lõi khi đó bị đình trệ. Vào đầu năm 2018, Bloomberg thông báo mức độ tương tác Facebook đã giảm đáng kể ở Mỹ.
Mọi thứ thay đổi vào năm 2019 - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và người ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ôm điện thoại cả ngày. Các giám đốc điều hành cho rằng đây chính là trạng thái bình thường mới chứ không phải khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Meta sau đó ra sức thúc đẩy tuyển dụng trong nhiều năm. Nhiều nhân viên được chiêu mộ chỉ để ngồi không, thậm chí là đi họp cho có. “Đây là thước đo phù phiếm đối với việc tuyển dụng”, ông Keith Rabois, Giám đốc điều hành OpenStore, công ty chuyên hỗ trợ tài chính cho các thương nhân bán hàng bằng Shopify, nói. “Những người này không có việc gì để làm. Tất cả chỉ là những công việc giả. Bây giờ điều đó đang được phơi bày. Những người này thực sự làm gì ư, họ chỉ đi họp thôi”.
Meta cuối cùng phải thông báo cắt giảm hơn 11.000 người, tương đương khoảng 13% nhân sự. Mark Zuckerberg khi đó thừa nhận mình là người chịu trách nhiệm trong đợt sa thải lớn đầu tiên trong lịch sử phát triển 18 năm của gã khổng lồ truyền thông xã hội.
Vào năm 2022, báo cáo mới nhất của GWI cho thấy thời gian sử dụng hàng ngày của một người đã giảm 13 phút. Nhiều người còn cho rằng chúng ta đã đạt đến điểm bão hòa của Internet. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là mạng xã hội sẽ biến mất. Nó chỉ là đang biến đổi để ngăn người dùng dành nhiều thời gian hơn trong thế giới thực.
TikTok có lẽ là startup thành công nhất của ngành công nghệ. Ứng dụng do Trung Quốc sở hữu, khác với Facebook, LinkedIn và Twitter, không hề tập trung vào bạn bè của bạn và những thứ họ chia sẻ. Nền tảng này chủ yếu cung cấp một loạt các video ổn định, được điều chỉnh tỉ mỉ theo sở thích bằng thuật toán trí tuệ nhân tạo đan xen quảng cáo.
Sự phổ biến quá mức lại một lần nữa thôi thúc Facebook và Instagram ‘ăn theo’ TikTok. Reels vì thế mà ra đời.
“Chúng tôi đang thấy những tiềm năng tốt trong việc triển khai Reels, tính năng này được chấp nhận tốt”, Giám đốc điều hành Instagram Justin Osofsky cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Tuy nhiên, Reels lại không mang lại được nhiều doanh thu. Chỉ riêng điều này đã tiêu tốn của Meta 500 triệu USD trong quý II/2022 và được cho là sẽ tiếp tục là lực cản trong 12-18 tháng tới.
Có lẽ do đó mà Meta chuyển sang sao chép Twitter nhờ Threads. Kỷ lục về lượng người dùng đăng ký mới đã giúp ứng dụng này vượt qua chatbot ChatGPT - ứng dụng đạt 100 triệu người dùng sau tận 2 tháng, theo công ty phân tích Similarweb.
Theo các chuyên gia, điều Twitter thiếu, Mark Zuckerberg lại có rất nhiều: người dùng. Hiện các ứng dụng của vị CEO này, bao gồm Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger, thu hút khoảng 3 tỷ người dùng thường xuyên truy cập. Ngoài ra, Mark Zuckerberg cũng có kinh nghiệm trong việc thúc đẩy hàng triệu người dùng sử dụng một ứng dụng mới. Đơn cử như hồi năm 2014, Zuckerberg xóa dịch vụ nhắn tin riêng tư của Facebook và buộc mọi người phải tải xuống một ứng dụng khác có tên là Messenger.
Trên tài khoản Threads của mình, Mark Zuckerberg nhận định số tài khoản đăng ký sử dụng ứng dụng mới này trong thời gian tới có thể lên tới hơn 1 tỷ người. Điều này chắc chắn sẽ biến Threads trở thành đối thủ “nặng ký nhất” từ trước đến nay đối với Twitter, trong bối cảnh mạng xã hội có quy mô lớn nhất thế giới đang phải nỗ lực vực dậy hoạt động kinh doanh.
Theo Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm Connor Hayes của Meta, người dùng Threads sau này có thể tương tác với các ứng dụng khác ngoài Instagram nhưng chưa có khung thời gian cụ thể cho việc này.
Tuy nhiên, Threads hiện không có quảng cáo và chỉ nhắm mục tiêu lôi kéo thêm càng nhiều người dùng càng tốt nên bị nhiều người cho là tẻ nhạt. Đó có thể lý do vì sao giá cổ phiếu Meta gần như không thay đổi sau khi Threads được phát hành.
“Có rất nhiều tính năng mà Threads không ra mắt để giảm thiểu tranh cãi ngay từ đầu. Không biết điều này có ảnh hưởng đến tính thú vị của nó hay không?”, Anil Dash, cây viết trong ngành công nghệ cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, Threads không phải là một mạng xã hội mới. Đúng hơn, đây chỉ là “một lớp sơn mới” cho Instagram với hy vọng nó có thể khiến mạng xã hội được yêu thích trở lại.
“Threads là nơi các bạn có thể cùng nhau thảo luận về mọi thứ, từ những chủ đề bạn quan tâm hôm nay cho đến chủ đề sẽ thịnh hành vào ngày mai”, phần mô tả về Threads trên Apple App Store viết.
Theo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"