Thu hút được nhân tài hồi hương, Trung Quốc sắp trở thành một cường quốc công nghệ sinh học

    zknight,  

    Không có gì đảm bảo Mỹ sẽ mãi mãi đứng được trên đỉnh cao của công nghệ sinh học.

    Nới lỏng chính sách và những khoản đầu tư khổng lồ đang trên đường đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ sinh học. Theo nhận định của giới doanh nhân và các nhà đầu tư, một ngày không xa họ sẽ cạnh tranh được với các nước phương Tây, thậm chí đe dọa vị trí dẫn đầu của Boston và San Francisco tại Hoa Kỳ.

    Một thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đang đón nhận một dòng chảy bất tận những tài năng du học từ nước ngoài trở về. Nguồn nhân lực đã nâng cánh một thế hệ các công ty công nghệ sinh học mới. Trong những sứ mệnh lớn lao, họ tuyên bố muốn chữa bệnh cho cả thế giới bằng các loại thuốc được phát minh ra ở Trung Quốc.

     Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc công nghệ sinh học mới nổi

    Trung Quốc đang trên đường trở thành một cường quốc công nghệ sinh học mới nổi

    Mong muốn trỗi dậy của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng trong sự kiện hồi đầu tháng, Hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ. Sự kiện vẫn được coi là trận đấu lớn của các công ty công nghệ sinh học.

    Tại đây, họ sẽ trình diễn và cho ra mắt những dữ liệu mới nhất về dự án nghiên cứu thuốc của mình. Đồng thời, những gã khổng lồ trong ngành dược phẩm gửi người đến đó. Nhiệm vụ của những người này là lê la khắp các khán phòng thuyết trình, tìm cho ra mọi nghiên cứu hứa hẹn, những thứ sẽ giúp công ty hái ra tiền trong tương lai.

    Năm nay, hội nghị đã trở thành một cơ hội quảng bá tốt cho Nanjing Legend Biotech, một công ty công nghệ sinh học lớn của Trung Quốc nhưng ít người từng biết đến. Họ đã chiếm được một vị trí mà nhiều đơn vị khác thèm muốn, phiên thuyết trình về những thành tựu cập nhật nhất trước ngày hội nghị diễn ra.

    Nanjing Legend Biotech tiết lộ kết quả ban đầu đầy nhưng hứa hẹn của một nghiên cứu nóng hổi. Họ có một cách tiếp cận mới, trong sử dụng liệu pháp miễn dịch CAR-T để điều trị ung thư.

    Cái tên Nanjing Legend Biotech xuất hiện trong phiên thuyết trình quan trọng này, hẳn đã khiến cho nhiều người ngạc nhiên. “Tôi nghĩ một số người phải nhìn lại lần nữa xem chuyện này có đúng là đã xảy ra hay không”, Brad Loncar, nhà đầu tư độc lập đang điều hành một quỹ về ung thư cho biết.

    Nhưng rồi Nanjing Legend Biotech đã trình bày những dữ liệu rất hấp dẫn và tuyệt vời. Liệu pháp miễn dịch của họ thực sự chuyên môn hóa. Công ty đang chứng minh rằng họ xứng đáng được xếp hạng hàng đầu trong lĩnh vực điều trị ung thư đang rất hứa hẹn này.

     Liệu pháp miễn dịch CAR-T bây giờ đã được thử nghiệm tại Trung Quốc nhiều hơn cả ở Mỹ - ảnh chụp thuyết trình nghiên cứu của Nanjing Legend Biotech tại Hội nghị thường niên 2017 của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ

    Liệu pháp miễn dịch CAR-T bây giờ đã được thử nghiệm tại Trung Quốc nhiều hơn cả ở Mỹ - ảnh chụp thuyết trình nghiên cứu của Nanjing Legend Biotech tại Hội nghị thường niên 2017 của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ

    Trong tương lai, những câu chuyện kiểu như Nanjing Legend sẽ chỉ có thể phổ biến hơn. Ngành công nghệ sinh học mới nổi của Trung Quốc đang quy tụ được nguồn tiền, những tài năng và cả bí quyết khoa học để làm phẳng thế giới dược phẩm sinh học.

    Trung Quốc sẽ là lời nhắc nhở cho Hoa Kỳ, rằng họ sẽ khó mà đảm bảo được vị trí độc tôn của mình, trong ngành công nghiệp này. Chính những nhà sản xuất dược phẩm Mỹ bây giờ cũng phải tán dương và đổ vốn vào những “người bạn” ở Trung Quốc.

    Trong 2 năm trở lại đây, Merck, Eli Lilly, Tesaro và Incyte đã ký nhiều hợp đồng trị giá hàng triệu USD với phía công ty Trung Quốc, nhằm phát triển các loại thuốc mới ở quốc gia này. Nhiều công ty Trung Quốc cũng đổ tiền vào các nghiên cứu nội địa, tạo ra một sợi dây gắn bó khăng khít với các trung tâm học thuật, viện nghiên cứu và trường đại học.

    Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu”, Christian Hogg, CEO của Hutchison China MediTech, một công ty công nghệ y sinh có trụ sở tại HongKong cho biết. “Một vài năm nữa, bạn sẽ còn thấy nhiều công ty [Trung Quốc] hơn nữa gặt hái được những thành tựu để tiến vào cuộc chơi toàn cầu”.

    Sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Trung Quốc chắc chắn không diễn ra chỉ sau một đêm. Nhiều năm về trước, các công ty dược lớn trên toàn cầu đã xem đất nước này là nơi có thể kiếm lời, dựa trên chênh lệch chi phí sản xuất.

    Các công ty Trung Quốc cũng đã kiếm tiền từ hợp đồng dịch vụ cho Mercks và Pfizers.

    Trung Quốc bán ra những loại thuốc tự sản xuất, từ những công nghệ đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền và sáng chế. Còn các nước phương Tây, trong mọi thời điểm sẽ phát triển những liệu pháp điều trị sinh học tân tiến, con đường được cho là đốt tiền và đánh bạc với may rủi.

     Trong những sứ mệnh lớn lao, các công ty tuyên bố muốn chữa bệnh cho cả thế giới bằng các loại thuốc được phát minh ra ở Trung Quốc

    Trong những sứ mệnh lớn lao, các công ty tuyên bố muốn chữa bệnh cho cả thế giới bằng các loại thuốc được phát minh ra ở Trung Quốc

    Chỉ cho đến 1 thập kỷ trở lại đây, mọi thứ mới thay đổi nhanh chóng. Jonathan Wang, giám đốc đầu tư khoa học của OrbiMed tại Châu Á cho biết, đó là kết quả của chương trình “1.000 tài năng” được chính phủ Trung Quốc triển khai từ năm 2008. Họ muốn thuyết phục các học giả, và cả công nhân được đào tạo tại nước ngoài trở về quê hương, với chính sách trợ cấp và chế độ hưu trí hấp dẫn.

    Wang cũng là một trong số những người trở về Trung Quốc theo chương trình 1.000 tài năng, sau khi nhận một bằng tiến sĩ tại Đại học Columbia và một bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Stanford. Ông nói 1.000 tài năng đã thực sự đem lợi ích về cho nền công nghệ sinh học nước nhà.

    Chương trình làm giàu và phong phú cộng đồng học thuật, hỗ trợ các doanh nhân, công ty. Nhiều phòng họp đã được lấp đầy bởi những chuyên gia, những người đã trau dồi nghề nghiệp của họ tại những công ty có tiếng trên thế giới.

    Tất cả những người trở về Trung Quốc từ nước ngoài như vậy được gọi chung là: “rùa biển”. Họ đã tạo nên cả một thế hệ các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở Trung Quốc.

    Qinwei Zhou cũng là một trong số những "rùa biển". Ông trở thành giám đốc điều hành của China's Innovent Biologics vào năm ngoái, sau 20 năm làm việc tại công ty dược phẩm Eli Lilly, Hoa Kỳ. “Công nghệ sinh học là con người, con người và con người”, ông nói. “Và khi mà chúng tôi có ngày càng nhiều người trở về, một biển tài năng thực sự bắt đầu được tích lũy”.

    Quy trình cho điều đó, đến thời điểm này đã được thiết lập xong, Hogg nói. Trong đó, “các viện nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc chỉ việc cho ra lò những sinh viên tài năng có trình độ cao. Và rồi, họ lại được tiếp tục đào tạo, hướng dẫn bởi đội ngũ quản lý trung và cao cấp, nằm trong số những người đã hồi hương”.

    Cùng thời điểm, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc cũng cải cách các quy trình đưa thuốc từ nghiên cứu ra thị trường, sao cho chúng đều nhanh chóng, tinh gọn và dễ dàng hơn. Làn sóng cải cách này là thứ mà Wang dự đoán, sẽ khiến nghiên cứu công nghệ sinh học ở Trung Quốc bùng nổ.

    Một điều đặc biệt nữa, chính phủ Trung Quốc đang hé lộ nhiều dự án xây dựng đặc khu khoa học bên trong các đô thị lớn và nằm rải rác khắp đất nước. Đó sẽ là những địa điểm cung cấp không gian phòng thí nghiệm có chi phí thấp, với hi vọng làm khởi sắc lĩnh vực start-up trong công nghệ sinh học.

     Trung Quốc đang hé lộ nhiều dự án xây dựng đặc khu khoa học bên trong các đô thị lớn và nằm rải rác khắp đất nước

    Trung Quốc đang hé lộ nhiều dự án xây dựng đặc khu khoa học bên trong các đô thị lớn và nằm rải rác khắp đất nước

    Tuy nhiên, vẫn phải nói về một số trở ngại cho sự phát triển công nghệ sinh học tại Trung Quốc. Các nhà sản xuất thuốc nước này vẫn thường xuyên bị đánh trượt trong bài kiểm tra của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

    Về mặt tài chính, Trung Quốc quy định các công ty phải có lợi nhuận mới được bán cổ phần của họ. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, các start-up công nghệ sinh học sẽ không thể kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán.

    Hơn nữa, trong khi đầu tư mạo hiểm vào Trung Quốc đã bùng nổ trong những năm gần đây, nó vẫn xếp sau các trung tâm công nghệ sinh học lớn như Boston và San Francisco.

    Khoảng cách đang được kéo gần lại. Và với chương trình 1.000 tài năng, sự gia tăng đầu tư vào nghiên cứu chưa từng có của Trung Quốc, không còn gì có thể đảm bảo Mỹ sẽ mãi mãi đứng được trên đỉnh cao của công nghệ sinh học.

    Ankit Mahadevia, Giám đốc điều hành của Spero Therapeutics, có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts, cho biết: "Hoa Kỳ với Boston và San Francisco vẫn dẫn đầu, nhưng chúng ta không thể tự mãn về những khoản đầu tư nghèo nàn hiện nay cho nghiên cứu cơ bản, đào tạo các bác sĩ lâm sàng và các nhà khoa học sẽ tiếp tục đưa chúng ta tiến về phía trước”.

    Trong khoảng thời gian đó, ngành công nghệ sinh học của Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm một dấu mốc quan trọng: Sự phê duyệt của các nước phương Tây về một loại thuốc được phát triển tại Trung Quốc.

    Công ty của Hogg, Chi-Med, có thể sẽ trở thành đơn vị đầu tiên làm được việc này. Tuần trước, Chi-Med vừa gửi đơn xin cấp phép tại Trung Quốc cho một loại thuốc ung thư trực tràng. Dự án được phát triển với sự cộng tác của Lilly, và bởi vậy, họ có kế hoạch xin cả sự phê duyệt của FDA ở Hoa Kỳ.

    Vậy cuối cùng, Trung Quốc có thể trở thành một cường quốc công nghệ sinh học hay không? Với tầm nhìn của mình tại Innovative, Quin Zhou nói: "Sẽ là 5 năm, 10 năm? Hay 15 năm nữa? Tôi không biết. Nhưng sớm hay muộn, điều đó cũng sẽ xảy ra mà chẳng ai ngăn cản được".

    Tham khảo Statnews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ