Một số tài xế công nghệ cho biết thu nhập giảm vì nhiều lý do, do đó nhiều người chọn cách tắt ứng dụng vào giờ cao điểm khiến khách hàng gọi xe khó khăn hơn.
Trong lúc chở khách, anh Huỳnh Chánh Tr., tài xế GrabBike, cho hay ngày trước đổ đầy bình xăng xe chỉ mất khoảng 50-60 ngàn, hiện nay đã lên hơn 100 ngàn đồng, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập.
Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày anh thu về chỉ khoảng 300-350 ngàn đồng, thấp hơn so với mức 400-500 ngàn trước đây.
Khi xăng tăng giá, nhiều tài xế chọn cách tắt ứng dụng vào những giờ cao điểm kẹt xe để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu.
“Anh xem một số tuyến đường trung tâm Sài Gòn vào giờ cao điểm sẽ có khá nhiều tài xế dừng lại không chạy, tắt app”, anh Tr. nói.
Khi giao thông ùn ứ, tài xế chạy được ít cuốc hơn, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn nhưng giá cước lại không tăng, dẫn đến việc một số người chọn cách tắt ứng dụng.
Nhóm tài xế 4 bánh càng chịu ảnh hưởng hơn bởi giá nhiên liệu. Anh Ng., tài xế đối tác của be, cho hay trước đây để đổ đầy bình xăng, anh chi khoảng 1,2 triệu đồng, trong khi hiện nay phải trả 1,5-1,6 triệu. Điều này khiến anh phải tính toán rất kỹ khi nhận cuốc xe.
Giá xăng tăng không phải là nguyên nhân chủ yếu, song góp phần khiến nguồn cung tài xế không dồi dào như trước.
Chị Vân, nhân viên một công ty công nghệ tại Quận 7 (TP.HCM), cho biết việc đặt xe công nghệ, nhất là xe 4 bánh, ngày càng khó. Từ khu vực đường Phạm Văn Nghị, chị hầu như rất khó gọi xe đi sân bay hay ra trung tâm thành phố.
Không riêng xe ô tô, việc đặt cuốc xe hai bánh cũng không hề suôn sẻ. Chị Uyên, nhân viên văn phòng ở Quận 1 (TP.HCM), thường xuyên gặp tình trạng tài xế huỷ cuốc gọi đồ ăn vào giờ trưa. Do đó, chị phải chuyển từ việc đặt trên một ứng dụng phổ biến sang một nền tảng khác chuyên biệt về đồ ăn.
Tài xế Tr. cho biết, việc chạy xe ở các khung giờ cao điểm vừa mệt mỏi, mất thời gian, lại không được thưởng thêm khiến anh ít nhận cuốc hơn. Theo anh, hiện nay chỉ khi chạy vào khu vực trung tâm như Quận 1 và Quận 3 vào giờ cao điểm, ứng dụng mới tăng giá hành khách.
Dĩ nhiên việc cân đối giá cả không hề dễ dàng đối với các nền tảng gọi xe. Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek Việt Nam, cho hay tâm lý chung của tài xế vẫn muốn thu nhập tăng, song nếu tăng giá vô tội vạ sẽ khiến khách hàng e dè hơn khi gọi xe. Khi khách hàng rời ứng dụng, chắc chắn cả tài xế lẫn nền tảng vận hành đều bị ảnh hưởng.
Do đó, để thu hút tài xế, các nền tảng thường chọn cách thưởng thêm cho những người hoạt động tích cực, vì vậy những lái xe càng hiệu quả càng có thu nhập cao.
Ông Tuấn Đức thừa nhận trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, việc cân đối giá cước để bảo đảm quyền lợi 3 bên chính là bài toán không hề dễ dàng.
CEO Gojek Việt Nam cho biết tài xế trên nền tảng này vẫn duy trì ở mức ổn định. Riêng với nhóm đối tác xe 4 bánh, có một số nguyên nhân khiến họ rời ứng dụng như: nhiều người đã trả xong chi phí trả góp xe nên bắt đầu làm công việc khác, việc phải đăng ký kinh doanh bằng xe biển vàng cũng khiến nhiều người e dè.
Dù thu nhập giảm so với trước, song anh Tr. cho hay vẫn tiếp tục hành nghề. Anh đã bỏ công việc vận hành máy ở xưởng sản xuất bao bì để chọn nghề tự do thời gian và ít ảnh hưởng sức khoẻ hơn. Đến nay, thu nhập chính của gia đình vẫn từ tiệm bánh của vợ anh, để vợ chồng cùng nhau nuôi hai con đang tuổi ăn học.
“Nghề này tự do nên tôi có thể giúp gia đình việc này việc kia bất kỳ lúc nào, khi có thời gian thì có thể “cày” nhiều hơn để kiếm thêm”, anh tâm sự.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương