Thua kiện công ty vô danh, Apple có thể phải bồi thường 302 triệu USD

    Neo,  

    Một bồi thẩm đoàn tại bang Texas, Mỹ, vừa lệnh cho Apple phải trả hơn 302 triệu USD bồi thường thiệt hại vì đã sử dụng trái phép các công nghệ bảo mật internet của hãng VirnetX Holding Corp trong các ứng dụng bao gồm cả gọi video FaceTime.

    Đây là một bản án mới được thẩm phán Robert Schroeder tuyên lại. Tháng 8 năm ngoái chính vị thẩm phán này đã bác bỏ bản án cho rằng Apple phải bồi thường cho VirnetX 625 triệu USD. Schroeder chia sẻ rằng trong phiên xử năm ngoái bồi thẩm đoàn đã có một số nhầm lẫn.

    VirnetX và Apple đã tranh chấp bằng sáng chế trong nhiều năm nay. Vụ án này được bắt đầu vào năm 2010 khi VirnetX đệ đơn kiện Apple vi phạm bốn bằng sáng chế bảo mật mạng, hay còn được gọi là mạng riêng ảo và các liên kết truyền thông an toàn, của hãng này. VirnetX là một hãng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cấp phép sử dụng bằng sáng chế.

    Trong năm 2012, bồi thẩm đoàn đã quyết định rằng Apple phải bồi thường thiệt hại bằng số tiền 368,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó tòa phúc thẩm Liên bang tuyên bố rằng bản án này không có hiệu lực bởi cách tính thiệt hại của bồi thẩm đoàn có vấn đề.

    Tiếp theo, hai vụ kiện Apple của VirnetX được kết hơp làm một và bồi thẩm đoàn thậm chí còn kết luận mức bồi thường cao hơn. Họ cho rằng Apple phải bồi thường cho VirnetX 625,6 triệu USD, số tiền bồi thường cao nhất trong số các vụ án tranh chấp bản quyền tại Mỹ.

    Nhưng sau đó Schroeder đã hủy bỏ kết luận này, ông cho rằng việc lặp đi lặp lại các cáo buộc trước đó có thể khiến bồi thẩm đoàn bị bối rối và xét xử không công bằng với Apple.

    Trong phiên tòa vừa diễn ra, các bồi thẩm viên đã xác định thiệt hại của hai bằng sáng chế của VirnetX mà có bằng chứng cho rằng Apple đã xâm phạm cũng như xác định sự xâm phạm và thiệt hại cho hai bằng sáng chế khác. Mức bồi thường 302,4 triệu USD cũng phù hợp với những gì VirnetX yêu cầu.

    Rachel Tulley, phát ngôn viên của Apple, không đưa ra bất cứ bình luận gì về vụ việc này. Luật sư của VirnetX cũng im lặng, không thể chia sẻ gì trong lúc này. Theo hồ sơ của tòa án, mức phạt sẽ được tăng lên nếu tòa phát hiện ra Apple cố tình vi phạm bằng sáng chế của VirnetX.

    Apple cũng đang phải đối mặt với một vụ kiện khác do VirnetX khởi xướng. Trong vụ kiện này, VirnetX cho rằng Apple vi phạm bản quyền sáng chế của VirnetX trong các tính năng bảo mật mới của Apple cũng như trong ứng dụng iMessage.

    VirnetX luôn nhận được những phán quyết có lợi trong các vụ kiện diễn ra ở tòa án bang Texas. Giấy tờ của tòa cho thấy VirnetX đã được Science Application International Corp giao quyền quản lý bốn bằng sáng chế trên vào năm 2006.

    Theo Reuters

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ