Không phải lo về địa bàn, chỉ cần có xe máy, smartphone Android tích hợp 3G và GPS, nhiều người lựa chọn trở thành tài xế "xe ôm công nghệ cao" bởi cơ hội kiếm được bạc triệu nhờ những cuốc xe thông qua ứng dụng.
Thay vì tiếp tục làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng, Nhật Đăng, sinh viên năm thứ 3, Đại học Bách Khoa Hà Nội, lại lựa chọn trở thành đối tác của Grabbike để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Thủ tục đăng ký đơn giản, thời gian làm việc linh hoạt với thu nhập ổn định khiến nhiều sinh viên như Nhật Đăng gắn bó với nghề xe ôm công nghệ.
"Tôi cùng bạn bè đăng ký trở thành tài xế Grabbike vì sẵn có xe máy của gia đình và điện thoại thông minh. Những nghề khác phải theo khung thời gian làm việc cố định, trong khi chạy xe ôm quyền chủ động hoàn toàn thuộc về mình, cân bằng được lịch học và lịch làm việc", chàng sinh viên thường chạy địa bàn quận Hai Bà Trưng chia sẻ.
Trung bình mỗi tháng tôi kiếm được 5- 6 triệu đồng.", vừa có kinh nghiệm 4 tháng chạy xe ôm công nghệ chia sẻ.
Để trở thành đối tác của Grabbike, Nhật Đăng cũng như các ứng viên chỉ cần nộp một số giấy tờ như chứng minh thư nhân dân, thẻ sinh viên, bản sao hộ khẩu có công chứng, bản sao bằng lái xe, giấy đăng ký xe máy… Công ty này sẽ hỗ trợ thêm mũ bảo hiểm, đồng phục, áo mưa và dịch vụ 3G trong tháng hành nghề đầu tiên.
Theo quảng cáo của GrabTaxi Việt Nam, thu nhập của cánh lái xe ôm công nghệ khá hấp dẫn. Thu nhập dựa vào doanh số từng cuốc xe thực hiện, sau khi đã trừ tự động 15% phí trả cho công ty vào ví tài khoản điện tử.
Cụ thể, các đối tác chạy toàn thời gian cho Grabbike, trung bình 8 tiếng/ ngày, 6 ngày/ tuần, có thu nhập trung bình từ 8- 10 triệu đồng. Các đối tác chạy bán thời gian, khoảng 4 tiếng/ ngày, có thu nhập trung bình 4 triệu đồng/ tháng. Thậm chí, nhiều tài xế làm việc năng suất cao, được nhận thêm các khoản thưởng tuần, thưởng tháng có thể đạt doanh thu 15-17 triệu đồng.
Với Nhật Đăng, dù mới làm quen với công việc 4 tháng và vướng nhiều lịch học, nhưng mỗi tháng, chàng sinh viên Bách Khoa vẫn thu 5-6 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí như xăng xe, sửa xe, ăn uống khi chạy tìm khách, phí nộp cho công ty, thu nhập của Nhật Đăng còn khoảng 3- 4 triệu đồng
Có thâm niên trong nghề xe ôm 20 năm, anh Quang ngụ tại Đan Phượng, Hà Tây, sớm chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, bởi sự linh hoạt trong cách tính giá cước, tài xế không cần tìm khách và không bị hạn chế về địa bàn.
"Mỗi ngày tôi chạy 10 - 11 tiếng, khoảng 20 - 30 cuốc xe, mỗi tháng được 500- 600 cuốc xe. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được 500.000- 600.000 đồng, mỗi tháng 15 triệu đồng. Có tháng doanh thu lên đến 17 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, thu nhập trung bình từ 10- 13 triệu đồng/ tháng".
Người đàn ông này cho biết thêm, mỗi tháng anh phải chi trả từ 3- 4 triệu đồng cho việc phục vụ cả người lẫn xe. "Phí trả cho công ty là mức cố định, chiếm 15% doanh thu mỗi cuốc xe. Hàng tháng tôi nộp vào tài khoản 1- 2 triệu đồng, để công ty chủ động trừ trong những cuốc xe đầu tiên.
Xe tôi không được tốt nên rất tốn xăng. Mỗi tháng con ngựa sắt "đòi" chi 800.000 - 900.000 đồng cho khoản này. Ngoài ra, tiền bảo dưỡng, dầu nhớt và trường hợp không may vi phạm luật giao thông, bị công an phạt có đợt phải chi đến 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tôi chi thêm 1,5 - 2 triệu đồng/tháng cho tiền ăn và 200.000 đồng tiền điện thoại. Không may, xe bị hỏng, tiền sửa mỗi lần cũng phải lên đến 200.000- 300.000 đồng", anh Quang chia sẻ.
So với ngày còn chạy xe ôm truyền thống, thu nhập của anh ổn định hơn. Nhưng để cao vượt trội, anh Quang cho biết, ngoài việc phải chạy toàn thời gian, còn phụ thuộc nhiều vào đánh giá của khách hàng và khả năng đáp ứng yêu cầu của khách trong mọi khung thời gian.
Từ ngày chạy xe ôm công nghệ, thời gian dành cho gia đình của anh Quang cũng hạn chế dần. Anh rời nhà ngay từ sáng sớm và trở về khi các con đã say giấc, còn những bữa cơm gia đình trở thành điều xa xỉ.
"Vì tận dụng tối đa thời gian để chạy, tôi thường tranh thủ những lúc chờ khách ăn tạm cái bánh mỳ. Khổ nhất là những giờ cao điểm, kẹt xe. Có tháng, không may gặp phải trận ốm, chỉ chạy được 100 - 200 cuốc xe, sau khi trừ đi các chi phí, thu nhập chỉ được 1- 2 triệu đồng. Những tháng sau, tôi cố gắng chạy để bù lại".
Mới trở thành đối tác của Grabbike được 3 tháng, Hưng, sinh viên năm 2, Đại học kinh tế quốc dân, cho biết nhiều tài xế còn phải tự bỏ tiền túi của mình để chi trả những cuốc xe "miễn phí" cho khách. Đó là khi cánh xe ôm sinh viên gặp phải những thành phần như nghiện hút, giang hồ, trộm cắp.
"Những người mới vào nghề như tôi rất khó để có được mức thu nhập 10- 15 triệu/ tháng. Người đạt được mức thu nhập ấy phải là những người dày dặn kinh nghiệm, chăm chỉ và có cách vượt qua được những khó khăn trong nghề", Hưng nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?