Thực trạng đen tối nhân lực ngành công nghệ Trung Quốc: không ngủ, không tình dục, căng thẳng tới mức đột quỵ
Đã qua rồi thời kỳ start-up có thể hái ra tiền, giờ là lúc ai cũng có thể là đối thủ. Áp lực từ nhiều phía ép người trẻ Trung Quốc phải gạt bỏ cuộc sống riêng để giữ cho ước mơ làm giàu tiếp tục nhen nhóm.
- Gamer Trung Quốc chi gần 4,2 tỷ biến Audi S7 thành gaming PC xem thiên hạ có trầm trồ
- Một số điện thoại Nokia 7 Plus tại châu Âu đang ngầm gửi thông tin người dùng về Trung Quốc
- Chủ công ty tân trang xế hộp trẻ nhất thế giới: Buôn headphone Trung Quốc, rửa xe kiếm tiền từ năm 8 tuổi
- Trung Quốc ra mắt đoàn tàu trong suốt treo lơ lửng, chạy bằng pin lithium
- "Cơn sốt" kỳ lạ ở Trung Quốc: Chi tiền cho nhóm người lạ để nhận được những lời "tâng bốc" đến tận mây xanh
- Chuyên gia kêu gọi các nhà sản xuất Hàn Quốc nhanh chóng chuyển sang OLED trước áp lực từ Trung Quốc
Toàn bộ tâm trí chàng trai trẻ dồn vào việc giữ cho start-up mới thành lập sống sót qua thời kỳ khó khăn, anh không tìm nổi ra thời gian để ngủ. Nụ cười cô gái héo đi khi nghe tin nhà tuyển dụng yêu cầu cô phải hi sinh toàn bộ đời sống riêng tư, gạt bạn trai sang một bên để tập trung hoàn toàn vào công việc. Một đôi uyên ương khác muốn cùng dựng nên một gia đình êm ấm, thế nhưng còn chẳng có sức ân ái sau cả một ngày nai lưng làm việc.
Họ không phải những cá nhân duy nhất gặp phải vấn đề hóc búa: hàng trăm ngàn lao động trẻ bươn chải trong ngành công nghệ đều vậy. Ví dụ trực quan là Yu Haoran, anh chàng 26 tuổi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính mở một start-up có tên Jisuanke, dạy trẻ em lập trình từ 2014 tới nay.
Yu làm việc thâu đêm, kể cả ngày nghỉ, để đưa Jisuanke từ một công ty 10 lập trình viên thành start-up trị giá gần 30 triệu USD. Nhưng cái giá đắt nhất anh phải trả không liên quan gì tới tiền túi: Yu mất ngủ triền miên, vào những đêm may mắn, anh chợp mắt được khoảng 2 tiếng ngắn ngủi.
Năm 2018, cứ mỗi tuần, đất Trung Quốc lại sản sinh thêm 4 tỷ phú mới. Công nghệ là ngành nghề kiếm được nhất tại đất nước tỷ dân, rồi mới tới bất động sản. Giả thuyết Thiên vị sống sót lại một lần nữa tìm thấy chỗ đứng: với mỗi câu chuyện thành công là hàng ngàn con người dựng start-up thất bại, hàng ngàn giấc mơ trở thành Jack Ma tan biến.
Để có một cái nhìn gần gũi hơn với nỗi đau người trong ngành, trang tin SCMP của Trung Quốc xuống phỏng vấn những cá nhân đang làm việc tại Trung Quan Thôn, nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc và là nơi cư ngụ của những gã khổng lồ công nghệ như Baidu, Meituan và ByteDance.
Trong ngành công nghiệp công nghệ, người trẻ Trung Quốc liên tục đối mặt với tình trạng burn out – kiệt sức khi liên tục phải đối đầu với áp lực công việc văn phòng. Bên cạnh đó là những mối lo như không thể thăng tiến, cắt giảm nhân sự hay môi trường làm việc "độc hại" của lời ra tiếng vào.
Trung Quan Thôn đã đi một quãng đường dài cả ngàn năm để đến được ngày hôm nay. Dưới thời phong kiến, khu vực này là nghĩa địa cho quan hoạn, giờ nó là điểm nóng công nghệ, là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Ba thập kỷ vừa rồi, Trung Quan Thôn chứng kiến những thành công vang dội của các start-up công nghệ: từ hãng máy tính Lenovo, trang tin Sina cho tới app gọi xe Didi Chuxing.
Bắc Kinh ước tính mỗi ngày, có ít nhất 80 start-up công nghệ xuất hiện tại Thung lũng Silicon Trung Quốc. Đó là lý do khiến những năm gần đây, Trung Quan Thôn ngày càng chật hẹp và đắt đỏ hơn, những công ty lớn bắt đầu chuyển trụ sở về nơi ít dân cư. Nhưng việc "di cư" này lại khiến những điểm nóng công nghệ mới mọc lên.
Một trong số đó là Tây Nhị Kỳ, nơi những Baidu, Sina, NetEase và Didi xây dựng trụ sở. Một nơi khác là Vọng Kinh, nhà của công ty chuyển phát Meituan Dianping, ứng dụng hẹn hò Momo và trụ sở khu vực của Alibaba. Lại như mọi khu vực tập trung nhiều người khác, vấn đề nan giải từ quá tải xuất hiện: chặng đường đi làm hàng ngày của công nhân công nghệ chật kín người.
Netizen Trung Quốc thường xuyên đùa nhau là thứ duy nhất trì hoãn quá trình phát triển của công nghệ bản địa là tắc đường tại Đường Làng Hậu Am, con đường bốn làn dẫn vào và ra Trung Quan Thôn. Nơi đây, công nghệ phát triển vượt bậc nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu.
Mùa hè năm ngoái, mưa lớn tại Bắc Kinh khiến phố xá Tây Nhị Kỳ ngập như Sài Gòn mùa nước lên. Toàn bộ thảm cảnh "bơi đi làm" của người trẻ trong khu vực thể hiện rõ trong hình ảnh nực cười: anh chàng ngồi gọn ghẽ trên một cái thùng rác, tay cầm ô và tay cầm điện thoại.
Đa số người cắn răng chịu đựng cảnh chen chúc, như anh Yang, giám đốc sản phẩm của một công ty mạng phải dậy từ 6 giờ sáng, đi tổng cộng 2 tiếng rưỡi bằng cả tàu điện ngầm và xe bus mới tới được chỗ làm.
Một số khác thuê những căn hộ ọp ẹp nhưng đủ gần nơi làm việc để có thể đi bộ. Chị Bu, chuyên gia marketing năm nay mới 20 tuổi, phải xa rời những thú vui tuổi trẻ của hàng quán, cafe và các trung tâm mua sắm để đổi lấy lợi ích đi làm gần. "Tôi cảm thấy như mình bị đày đi khỏi Bắc Kinh vậy", chị Bu tỏ rõ sự nuối tiếc.
Còn về phần các công ty lớn tại Trung Quốc, họ thường ép nhân viên làm quá giờ, mong muốn sức trẻ chứng minh năng lực và tinh thần cống hiến cho tổ chức. Thông thường sẽ là lịch trình của 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, làm 6 ngày/tuần. Có thể lấy lịch làm việc của ByteDance, công ty điều hành ứng dụng TikTok làm ví dụ: họ có chính sách buộc xấp xỉ 6.000 nhân viên của mình cứ hai tuần thì sẽ phải có tuần làm việc 6 ngày.
Áp lực công việc, thời gian eo hẹp, cạn kiệt sức lực khiến những đôi vợ chồng trẻ và trung niên không dám mơ tới chuyện có con, dù họ có muốn tới đâu. Những người phụ nữ ngày một già đi, tiến dần tới thời kỳ khó có thể sinh nở, nhưng áp lực công việc không buông tha họ.
Ranh giới giữa đời sống và công việc bị chính các doanh nghiệp xóa mờ: những dịch vụ như bữa ăn miễn phí ngay tại công sở, phòng để ngủ, phòng gym, tiệm cắt tóc hay thậm chí các khu vui chơi giải trí cũng có ngay trong khuôn viên công sở. Những ông lớn của Thung lũng Silicon như Google hay Facebook cũng có các dịch vụ tương tự, nhưng không ít công nhân công nghệ Trung Quốc cảm thấy mình đang bị lợi dụng.
Nhưng đãi ngộ không khiến nhân viên đủ thoải mái để tiếp tục cống hiến. Thời gian làm việc trung bình tại Thung lũng Silicon của Mỹ là 3,65 năm, trong khi đó, ở Thung lũng công nghệ của xứ tỷ dân, thời gian gắn bó với công ty chỉ trung bình 2,6 năm. Số liệu do Maimai - "LinkedIn của Trung Quốc" cung cấp.
Cơ thể người không chịu đựng được áp lực liên tục. Đã có những trường hợp tử vong: cả ba người xấu số, ví dụ do SCMP đưa ra, đều qua đời do đột quỵ. Các công ty được hỏi đều từ chối trả lời SCMP về các vấn đề liên quan, một nơi hồi đáp theo kiểu "đây là vấn đề riêng tư, họ muốn giữ bí mật".
Cuộc đời đầy những đồ thị hình sin, lên sẽ phải xuống, ngành công nghệ Trung Quốc không khác mấy. Khi một loạt các nhà đầu tư đòi kết quả sau kh đưa vào các start-up cả núi tiền, những áp lực mới đè nặng lên các công ty công nghệ. Đến cuối năm 2018, nhiều nơi công bố kế hoạch giảm trợ cấp và lương thưởng, thậm chí cho nghỉ bớt những nhân sự không thiết yếu; quyết định đưa ra vào giữa lúc nền kinh tế chững lại, lần đầu tiên trong ba thập kỷ.
"Nhìn vào Trung Quốc, bạn sẽ thấy chính các nhà quản lý địa phương rót vốn cho dự án, hầu hết mọi thành phố đều có vườn ươm doanh nghiệp, nhưng không ai biết rõ bao nhiêu dự án khả thi", Jelte Wingender, quản lý cấp cao tại Innoway, một vườn ươm doanh nghiệp vốn nhà nước tại Trung Quan Thôn nói. Theo Wingender, trong tương lai, cần ít nhà đầu tư hơn và nhưng chất lượng phải cao hơn.
"Nếu như cố gắng tiếp tục kéo dài dự án 10 năm nữa, người ta sẽ mất đi toàn bộ cuộc sống đời tư, không gia đình không con cái, họ sẽ phát điên mất", Wingender nói.
Không thiếu những người như Wingender mô tả. Anh Yang đã có 10 năm kinh nghiệm, đang có chỗ đứng trong một công ty hàng đầu nhưng đã chạm tới giới hạn, không thể leo cao hơn được nữa. Anh ví mình như công nhân xây dựng, có thể kiếm ra nhiều tiền khi gánh vác khối lượng công việc lớn, nhưng có thể bị thay thế bởi một lao động trẻ và rẻ hơn. Anh đã tính tới việc mở cửa hàng kinh doanh, tìm lấy chút thời gian với gia đình để làm hậu phương cho vợ thăng tiến.
Anh Andy XU Kaiquiang, một lập trình viên lên đước chức giám đốc điều hành của start-up tự động hóa Vincross đang cố hoàn thiện bản thân, anh muốn làm một lãnh đạo tốt. Anh quyết định thay đổi vẻ bề ngoài bằng cách ăn kiêng, đăng ký khóa học Tango. Kết quả tới chỉ trong 6 tháng: chàng trai 24 tuổi giảm được 20 kg. "Tôi không thể làm công ty mất mặt được".
Từ đó có thể tưởng tượng ra nỗ lực của nữ giới mỏng manh phải gấp nhiều lần những người như anh Kaiquiang. Cô Ren, một lập trình viên 24 tuổi phải đối mặt với những câu hỏi khiếm nhã như "Với tư cách là nữ lập trình viên, cô có thấy thoải mái không?" hay "Cô sẵn sàng chia tay bạn trai chưa".
Không thích thú gì ngay từ bài phỏng vấn, Ren từ chối công việc 9 giờ sáng – 9 giờ tối – tuần 6 ngày để theo đuổi công việc khác. Các ví dụ đều chỉ ra những khó khăn phái nữ gặp phải khi dấn thân vào ngành công nghệ, dù họ có tài ba đến đâu.
Về phần anh Yu, nhân vật đã xuất hiện ở đầu bài viết, cũng thuộc bộ phận "cố bám trụ cho tới phút chót", anh cố gắng thay đổi lối sống của mình. Với tư cách là nhà sáng lập start-up, anh giữ thể diện và vẻ ngoài bằng những bài chạy bộ, tự làm bữa sáng tại nhà, mua lấy cho mình bộ đồ mới – chiếc áo mới đầu tiên trong suốt nhiều năm.
Anh đưa thêm vào giỏ mua sắm món hàng đang rất thời thượng tại Trung Quan Thôn, một cái xe điện tự cân bằng hoverboard. Nó sẽ giúp anh rút ngắn thời gian, tiết kiệm sức lực trên đường đi làm.
Ảnh từ SCMP và Jason Lee
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Định dùng Galaxy S24 Ultra trước mặt Tim Cook, YouTuber nổi tiếng MKBHD bị Apple "nhắc khéo"
MKBHD không phải người đầu tiên cố gắng làm điều này.
Màn hồi sinh đầy ngờ vực của Flappy Bird