Thung lũng Silicon không thể thoát khỏi nỗi 'ám ảnh' về loại robot có thể tự làm bánh pizza
Tiềm năng ngành công nghiệp nhà hàng khiến giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào các startup phát triển robot tự làm bánh pizza.
- Hôm nay là mùng 1 Tết nhưng ngày này năm xưa, một siêu phẩm công nghệ, đặt nền móng cho sự thay đổi vĩ đại, được ra đời
- Kho chia chọn triệu USD của GHN tại Hà Nội: Công nghệ tự cân đo khối lượng, kích thước và phân loại kiện hàng, xử lý tới 3,5 triệu đơn/ngày
- ‘Độc lạ’ Nhật Bản: Chợ trời trực tuyến bán cả ‘phép màu’, hứa hẹn đủ điều nhưng chỉ là chiêu móc túi kiểu mới thời công nghệ
Thời điểm bắt đầu cân nhắc chuyển nghề, Jaya Iyer đã có 2 bằng kỹ sư cơ khí và 8 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không vũ trụ. Iyer, khi đó đang làm việc cho một công ty con của Boeing, đã tham khảo ý kiến đồng nghiệp cũ tại SpaceX và quyết định gặp Benson Tsai - người đang nỗ lực khai thác các “bộ óc thông minh” từ rất nhiều công ty hàng không vũ trụ quanh Los Angeles để giải quyết một thách thức mới.
Thay vì phát triển công nghệ pin cho các vệ tinh và tàu vũ trụ, Benson Tsai bất ngờ chuyển hướng…làm pizza. Tầm nhìn của anh chính là một con robot có khả năng tự làm bánh, sau đó bán cho các khách hàng đặt trực tuyến tại khắp các văn phòng, trung tâm mua sắm hoặc khu dân cư. Được biết Tsai đã thuyết phục cơ số các nhà đầu tư rót vốn và tập hợp được một nhóm khoảng 40 nhà khoa học tên lửa cùng giải quyết “vấn đề pizza”.
“Vấn đề pizza” mà Tsai nhắc tới xuất phát từ cây nấm. Vào năm 2020, khi Iyer lần đầu tiên đến thăm trụ sở của Stella Pizza tại Hawthorne, California, nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách nhào bột, phết sốt cà chua, rải ớt xanh, song chưa khắc phục được vấn đề với nấm. Thiết kế con robot yêu cầu chúng phải được cắt sẵn trước khi nạp vào máy, tuy nhiên làm vậy sẽ khiến nấm bị dính vào nhau.
Stellar đã gây ấn tượng mạnh với Iyer. Cô quyết định từ bỏ sự nghiệp tại công ty hàng không vũ trụ, đầu quân cho Tsai và trở thành kỹ sư cơ khí giám sát việc định hình lớp nhân phủ trên bề mặt bánh pizza.
Gọi là robot nhưng nó không giống robot chút nào, theo Bloomberg. Chiếc máy giống xe bán đồ ăn với một dây chuyền lắp ráp thu nhỏ bên trong hơn.
“Nếu bạn nhìn đủ kỹ, nó không dễ hơn tên lửa đâu”, Tsai nói.
Tại SpaceX, nhiệm vụ cuối cùng là thuộc địa hóa sao Hỏa. Tại Stellar, mục tiêu là cạnh tranh với Domino's thay vì cố gắng tạo ra những chiếc bánh pizza Neapolitan ngon nhất thế giới. Domino’s Pizza hiện tạo ra doanh thu hơn 4 tỷ USD/năm. Tsai kỳ vọng Stellar có thể vượt qua con số này bằng cách tiết kiệm không gian và thuê ít nhân sự.
Hiện tại, hầu hết nhân sự đều đang trong phòng thí nghiệm. Iyer dành 1 năm đầu tiên để xây dựng các máng trượt nguyên mẫu, thử nghiệm cánh quạt cũng như nhiều loại rau củ. Trong khi đó, vấn đề đối với nấm vẫn chưa được khắc phục. Stellar không thể thay thế loại nguyên liệu khác bởi nấm được cho là thứ bắt buộc phải có. Theo công ty nghiên cứu NPD Group, nấm vượt xa hành tây, ớt xanh và ô liu đen với tư cách là loại rau củ được yêu cầu nhiều nhất.
Sau nhiều ngày thử nghiệm thất bại, Iyer cuối cùng cũng tìm ra giải pháp. Thay vì cho trực tiếp nấm tươi vào máy, Stellar bảo quản chúng trong tủ lạnh vài ngày, sau đó mới đem ra sử dụng. Điều này giúp nấm khô và dễ dàng được xử lý.
Người ta thường nói nhiều về cuộc chạy đua giữa SpaceX của Musk và Blue Origin của Jeff Bezos, song chẳng mấy ai nhắc đến những thứ như robot làm bánh pizza. Chúng không thực sự được đánh giá cao trong danh sách các vấn đề cấp bách. Dẫu vậy, ý tưởng về một chú robot làm bánh pizza trong nhiều năm vẫn có sức ảnh hưởng nhất định, đặc biệt với những người yêu công nghệ.
Nỗ lực tham vọng nhất thập kỷ có thể kể đến startup Zume Pizza. Alex Garden, cựu Chủ tịch một công ty trò chơi điện tử, thành lập Zume vào năm 2015 với mục tiêu chế tạo robot làm pizza. Masayoshi Son, người sáng lập tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank là một trong những nhà đầu tư lớn của Zume bởi cho rằng trong 25 năm nữa, người máy sẽ có chỉ số IQ là 10.000 và có thể sớm thay thế “toàn bộ dân số đang làm việc”. Được biết, SoftBank đã cam kết 375 triệu USD cho Zume vào năm 2018.
Zume mua cánh tay robot và lập trình chúng nướng bánh ngay trên đường để tiết kiệm thời gian. Đây là một sai lầm lớn bởi phô mai cuối cùng chảy khắp nơi và trở thành một mớ hỗn độn. Đến năm 2020, Zume chuyển sang thiết kế bao bì thực phẩm bền vững và sa thải hơn một nửa nhân viên. Các robot cũng mất việc sau khi Zume dừng bán pizza.
Tsai đi theo con đường gập ghềnh của Zume. Ban đầu, chàng trai này cân nhắc trà sữa trân châu, thức uống Đài Loan thời thượng, song cuối cùng từ bỏ vì người Mỹ không tiêu thụ đủ nhiều. Pizza trong khi đó lại là ứng cử viên sáng giá. Theo Bộ Nông nghiệp, khoảng 13% người Mỹ ăn pizza vào bất kỳ ngày nào. Tuy nhiên, phần lớn đều cảm thấy không thỏa mãn, bởi theo chỉ số hài lòng của khách hàng, 4 ông lớn là Domino's, Pizza Hut, Papa Johns và Little Caesars đều mất điểm.
Theo Bloomberg, Stellar tự thiết kế và chế tạo hầu hết các bộ phận cho nguyên mẫu của mình, giống như cách Tesla đã làm đối với xe điện và cách SpaceX đã làm với tên lửa. Đối với phiên bản đầu tiên, Tsai và các nhân viên đã phải thường xuyên đến Home Depot và Lowe's Home.
Vấn đề xuất hiện sau khi cánh tay robot làm nhiệm vụ di chuyển pizza gặp trục trặc. Josh Villbrandt, trưởng bộ phận phần mềm khi đó đã phải lập trình lại mọi thứ.
“Chúng tôi tạm dừng máy, sau đó khởi động lại. Đó là một sự giảm sút hiệu quả khá lớn”, Josh Villbrandt nói.
Avidan Ross là một trong những nhà đầu tư đầu tiên. Với vị thế là đối tác sáng lập tại công ty đầu tư mạo hiểm Root Ventures, Ross cho biết mình được truyền cảm hứng từ tham vọng lớn.
“Có một nhóm kỹ sư không những không ngại thử thách mà còn thích thú với việc bị gọi là ‘điên”, Avidan Ross nói, đồng thời hợp lý hóa khoản đầu tư trị giá 6 triệu USD của mình bằng việc dẫn chứng tình hình kinh tế hiện tại. Trong bối cảnh ngành công nghiệp thực phẩm đang trải qua tác động kép từ tình trạng thiếu lao động và lạm phát, Ross kỳ vọng robot có thể giải quyết mọi vấn đề.
Ngoài Stellar, công ty Picnic Works có trụ sở tại Seattle cũng bán dây chuyền lắp ráp tự động 100 chiếc bánh pizza trong một giờ. Ở Fremont, California, trước đây là trụ sở của Tesla, Middleby cũng sản xuất PizzaBot với khả năng tạo bánh trong vòng chưa đầy 1 phút. Trong khi đó, Pazzi Robotics tìm cách xây dựng nhà hàng pizza tự động ở Paris, song không may buộc phải thanh lý toàn bộ vào tháng 10. Philippe Goldman, Giám đốc điều hành, khi đó đã đổ lỗi cho dòng vốn “yếu ớt” cùng sự bi quan của dư luận đối với tiềm năng robot.
Ngành công nghiệp nhà hàng đang nhìn thấy cơ hội trong tự động hóa. Brittain Ladd, một nhà tư vấn chiến lược, cho biết: “Có quá nhiều sự tín nhiệm dành cho những người sáng lập Stellar Pizza vì họ từng là kỹ sư của SpaceX. Một con robot có thể thành công nếu thực sự mang lại những trải nghiệm tốt hơn”.
Dẫu vậy, tính nhất quán vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của Stellar. Dưới áp lực của quá trình nấu, bột liên tục bị phồng quá mức rồi vỡ tung. Từng mảnh nhỏ rải rác khắp tường và mặt trên của chiếc lò 900 độ F.
Các kỹ sư đã tiếp cận vấn đề giống như hồi còn ở SpaceX. Họ bắt đầu với một giả thuyết rằng các lớp bột không liên kết với nhau đủ tốt, vậy nên mới dễ nổ. Quy trình cán bột sau đó được điều chỉnh, tuy nhiên, vẫn không cho kết quả khả quan.
Để tăng cấu trúc và hương vị, bột bánh pizza của Stellar thường được để trong tủ lạnh 2 ngày trước khi cho vào lò nướng. Điều này được cho là có thể khiến bánh dễ nổ hơn. Sau nhiều ngày nghiên cứu, Stellar tìm ra hàm lượng men cũng như nhiệt độ chính xác giúp robot nướng bánh thật hoàn hảo. Vào khoảng đầu năm 2022, cuối cùng họ đã thành công.
“Cảm giác lúc đó thật là nhẹ nhõm”, Arik Jenkins, cựu kỹ sư tự động hóa tại SpaceX gia nhập Stellar vào năm 2020 cho biết.
Một phóng viên tờ Bloomberg đã có cơ hội ăn thử bánh pizza của Stellar. Anh nhận xét đây không phải chiếc bánh dành cho người sành ăn, song lại có vị ngon hơn nhiều so với Domino's.
Được biết Stellar đã bắt đầu hoạt động thử nghiệm căng thẳng vào tháng 9 quanh khuôn viên Đại học Nam California, nơi sinh viên sẵn sàng tải xuống một ứng dụng để đổi lấy chiếc bánh pizza. Những ngày đầu, việc 180 khách đã đặt hàng trong vòng 5 phút đã khiến công ty quá tải. Một chiếc bánh 12 inch sẽ có giá 8 USD.
Trong vài năm, Stellar tiêu thụ được rất nhiều pizza. Tsai cho biết anh rất vui vì đã vượt qua những thách thức về kỹ thuật, giành được cảm tình của các sinh viên và nhận được sự ủng hộ từ Jay-Z, công ty đầu tư mạo hiểm với khoản vốn 16,5 triệu USD vào tháng 10. Dẫu vậy, Stellar vẫn còn nhiều thách thức phía trước, trong đó có việc chứng minh tính kinh tế của doanh nghiệp và mở rộng quy mô ra ngoài Los Angeles.
Theo: Bloomberg Businessweek
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4