Tiến độ thần tốc của Tesla tại Trung Quốc được nhà phân tích ví như binh pháp Tôn Tử

    Nguyễn Hải,  

    Áp dụng binh pháp Tôn Tử, Tesla đang tăng tốc giao xe và mở rộng thị trường tại Trung Quốc, để các đối thủ của họ tại đây không kịp tìm ra cách thức chống trả.

    Thay vì dựa vào nhập khẩu, Tesla đã chọn cách xây nhà máy xe điện ngay tại Trung Quốc. Chính vì vậy, chiến lược của ông Elon Musk với Tesla đã được nhà đầu tư mạo hiểm Paul Holland so sánh như những điều đã được đề cập trong cuốn Binh pháp Tôn Tử nổi tiếng của Trung Quốc.

    Trả lời trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Holland cho biết: "Tiến sâu vào lãnh thổ của đối thủ cạnh tranh và kiên quyết phải trở thành người thống trị ở đó. Ông ấy không tiến đến Detroit. Ông ấy lại chọn đến Thượng Hải."

    Tiến độ thần tốc của Tesla tại Trung Quốc được nhà phân tích ví như binh pháp Tôn Tử - Ảnh 1.

    Nhà máy Tesla Gigafactory tại Thượng Hải Trung Quốc.

    Đó cũng chính là điều Tôn Tử từng đề cập trong cuốn sách của mình: Một khi đã tiến sâu vào lãnh thổ của đối phương, phải phát huy ưu thế tấn công, nhất quyết không được án binh bất động, không để cho đối thủ kịp nghĩ ra cách phòng thủ. Đó cũng là những gì Tesla đang làm tại Trung Quốc.

    Họ hoàn thành nhà máy tại Thượng Hải chỉ trong 357 ngày, một kỷ lục đối với các nhà sản xuất xe ô tô. Bàn giao xe đúng thời hạn trong năm 2019 – một cột mốc quan trọng so với việc thường xuyên giao chậm của Tesla. Quan trọng hơn, Tesla còn thông báo trên website của mình, giảm giá khởi điểm của Model 3 lắp ráp tại Trung Quốc xuống còn 42.919 USD (do có trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc) - nó cho thấy Tesla đang muốn xâm chiếm thị trường hơn là kiếm lợi nhuận từ đây.

    Không những thế, Tesla còn cam kết sẽ xây dựng một mạng lưới trung tâm dịch vụ cũng như trạm sạc trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho vị thế của Tesla tại thị trường này.

    Tiến độ thần tốc của Tesla tại Trung Quốc được nhà phân tích ví như binh pháp Tôn Tử - Ảnh 2.

    Ông Elon Musk không giấu nổi sự vui mừng trong sự kiện ra mắt chiếc Model 3 sản xuất tại Trung Quốc

    Theo ông Holland, chọn xây nhà máy tại Trung Quốc là một chiến lược thông minh của ông Musk. Điều này không chỉ vì đây là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, mà còn vì nhà phân tích này tin rằng đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Tesla trong lĩnh vực xe điện sẽ đến từ các công ty Trung Quốc.

    Ông nêu tên Byton, hãng có trụ sở tại Nam Kinh, Trung Quốc, công ty được nhà đầu tư này xem như đối thủ hàng đầu của Tesla. Ông cho biết, Byton có "hàng trăm nhà phát triển" đang làm việc tại Santa Clara, California khi công ty này tìm cách phát triển các loại phương tiện có thể đối đầu với Tesla. Ngoài ra Byton cũng có một nhà máy "rất lớn" tại Trung Quốc.

    Một đối thủ khác của Tesla mà ông Holland nhắc đến là tập đoàn ô tô BAIC (Beijing Auto Industy Corporation) tại Bắc Kinh. Công ty nhà nước này có Beijing Electric Vehicle, chuyên dành cho xe điện và đã xây dựng được 75.000 trạm sạc dành riêng cho khách hàng của mình tại Trung Quốc.

    Quyết định của Tesla khi xây nhà máy và xuất xưởng xe điện tại Trung Quốc cũng đến vào một thời điểm quan trọng. Từ đầu năm 2019, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cắt giảm và tiến tới năm 2020 sẽ chấm dứt trợ cấp cho xe điện – điều sẽ thúc đẩy người dùng tìm tới các dòng xe điện cao cấp hơn, nơi Tesla đang có ưu thế về thương hiệu và công nghệ.

    Tham khảo CNBC


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ