Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình: Nút Dislike có tác dụng tẩy trừ kẻ "rảnh rỗi"

    PV,  

    Xã hội Việt Nam đang tồn tại những kẻ "rảnh rỗi" bàn luận từ vi mô đến vĩ mô của quốc gia dân tộc trên mạng xã hội, nút “Dislike” cũng có những tác động tẩy trừ các thành phần này nhưng cần xem xét cả khía cạch tích cực lẫn tiêu cực.

    Nút Dislike gây áp lực đối với xã hội

    Tháng 9/2015 Mark Zuckerberg bỏ ngỏ về khả năng, Facebook sẽ có thêm nút Dislike, như một cách để người dùng có thể bày tỏ thêm cảm xúc của mình, đối với những gì mà người dùng không đồng tình.

    Đầu tháng 10/2015, Facebook mới thử nghiệm nút Dislike theo cách giới thiệu một bộ 7 biểu tượng cảm xúc, bao gồm“Like”, “Love”, “Haha”, “Yay”, “Wow”, “Sad” và “Angry” với tên gọi là Reactions để người dùng có thể bày tỏ phản ứng khác nhau của mình. Tính năng này mới chỉ đang được thử nghiệm tại Tây Ban Nha và Ireland.

    Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội thuộc Viện Xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình nêu quan điểm thẳng thắn về nút Dislike dưới góc nhìn xã hội học, điều gì sẽ xảy ra khi Facebook đưa ra nút Dislike với biểu tượng bàn tay và ngón cái hướng xuống đất, chứ không phải là những cảm xúc thân thiện nói trên?

    Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình cho rằng, nút Dislike (nếu có) thì thay vì thích thì người ta sử dụng nút không thích, xét về bản chất thì nút này thể hiện sự phản đối, phản ứng, không chấp nhận. Nếu một người dùng đưa ra một sản phẩm, một thông điệp, hành động nào đó mà mình cảm thấy khó chịu, có thể bấm nút Dislike.

     Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình nhìn nhận nút Dislike sẽ có những tác động tiêu cực lẫn tính cực - ảnh: FB

    Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình nhìn nhận nút Dislike sẽ có những tác động tiêu cực lẫn tính cực - ảnh: FB

    Số lượng nhận nút “Dislike” nhiều thì thể hiện sự phẫn nộ, phản ứng một cách tiêu cực trở lại đối với việc chia sẻ truyền tải thông điệp, điều này đương nhiên là có tác động. Giữa cuộc sống thực và cuộc sống ảo đi kèm là giá trị thực và giá trị ảo.

    Việc nhận được sự “phản giá trị tích cực” với tần suất lớn có thể tạo thành xung lực. Tiến sĩ viện dẫn đến nạn tự tử trong các xã hội hiện đại, có khi đang yên lành người ta cũng tự tử, nhàm chán cũng tự tử. Nhiều người cảm thấy cuộc sống vô vị khi người ta muốn khai khác, đi đến hình thức, loại hình thể hiện độc đáo hơn nhưng không đạt tới, còn có hiện tượng tự sát bầy đàn phản ánh sự không thừa nhận của xã hội hiện tồn.

    Đối với nguy cơ gây áp lực lên người sử dụng Facebook và điểm vỡ là một cuộc tự sát và sự liên quan với xã hội Việt Nam thì ông Trịnh Hoà Bình cho hay. Đối với nước ta, người tự tử về cuộc sống nhàm chán thì rất ít, đa số những người không chịu được áp lực là đến từ một bình diện khác, tuy nhiên nếu nhận những nút Dislike với tần suất lớn trên Facebook, người dùng có thể hứng những xung lực lớn, phải đón nhận một cách miễn cưỡng hình thức phản ứng tiêu cực, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, sự tồn tại của một cá thể, thậm chí là cả một nhóm xã hội.

     Các biểu tượng cảm xúc mới của Facebook

    Các biểu tượng cảm xúc mới của Facebook

    “Tôi có thể nói thẳng xã hội Việt Nam là xã hội đến hiện đại từ truyền thống, theo nghĩa rằng là xã hội chưa phải xã hội hiện đại toàn diện, toàn mỹ, đang trên đường tới thôi. Nói xô bồ nặng nề quá, nhưng đây là một xã hội chuyển đổi, vấn đề về tâm lý xã hội, tồn tại hay không tồn tại, tương tự mô hình bệnh tật của chúng ta, có bệnh tật của xã hội mọi rợ dã man, rất đa dạng, phong phú. Nói cho nó đẹp thì kỳ thực xã hội Việt Nam là xô bồ hỗn tạp, trong bối cảnh này có nút không thích thì cũng có tính hai mặt”, Tiến sĩ thẳng thắn nêu quan điểm.

    “Nút Dislike có thể phản ứng lại những cái rác rưởi, những thông tin xô bồ, những kẻ vô công rồi nghề bàn luận từ vi mô đến vĩ mô của cộng đồng quốc gia dân tộc (dựa trên trình độ kiến thức rất giới hạn - PV), phản ứng tẩy trừ, có ý nghĩa tích cực nhất định. Nhưng xã hội chúng ta là xã hội phức hợp, cả giá trị đang cộng sinh, chia sẻ, thành thử ra nếu như mà cộng đồng mạng cũng ầm ầm chán Like và chuyển sang Dislike nó cũng gây nên những cái phức hợp, những cái công phạt nó cũng đánh vào tâm lý của cư dân mạng, cộng đồng xã hội”.

    Tiến sĩ Bình nói, mạng xã hội với những tiện ích kèm theo, đó là cơ may cho con người trong xã hội hiện đại sử dụng nó song những cái hay ho thì có thể đi kèm với những thứ rác rưởi trong xã hội hậu công nghiệp và chúng ta phải trang bị “vỏ cứng” để chống điều đó.

    Theo ông, để “chống lại nút dislike” thì người dùng phải chia sẻ thông tin có trách nhiệm và xã hội hiện thực phải minh bạch, trong sạch, sẽ có sự tương tác và truyền tải đến một xã hội ảo lành mạnh.

    Thế giới quan ngại "Dislike"

    Nút Dislike đã được nhiều người dùng trên thế giới bàn luận với nhiều thái độ khác nhau. Trên Yahoo News Japan, người dùng Nhật ý kiến rằng: “Đối với những vấn đề mà người khác chia sẻ, tôi chỉ bấm nút Like hoặc không bày tỏ gì, còn nếu tôi lỡ bấm nút Like rồi mà tôi không thích nó nữa thì tôi Unlike, nghĩa là không thích nữa, còn nút Dislike là tôi không thích (tôi ghét nó luôn), như vậy là một cảm xúc tiêu cực đối với người khác”.

     Fanpage bình luận: Facebook sắp sửa có nút Dislike, điều này có thể phá huỷ thế giới và những mối quan hệ của bạn

    Fanpage bình luận: "Facebook sắp sửa có nút Dislike, điều này có thể phá huỷ thế giới và những mối quan hệ của bạn"

    Nhật Bản không có nhiều người dùng Facebook, nhưng nổi tiếng với nạn Ijime (bắt nạt) người khác và có quá nhiều áp lực trong cuộc sống, chuyện lao đầu vào tàu hay tự tử bằng khí trong ô tô là điều chẳng có gì lạ ở đất nước này. Tại Nhật, câu nói mang tính miệt thị và xúc phạm nhất lại đơn giản và... nhẹ nhàng như một câu nói đùa, là “Shinde” có nghĩa là “chết đi”, như một cách không thừa nhận người bị mắng tồn tại trong cộng đồng. Một lời mắng mỏ có thể dẫn đến một vụ tự sát, thật dễ hiểu, khi người dân nước này không có nhiều sự ủng hộ đối với nút Dislike, một nút mà có thể dùng cả cộng đồng để tấn công một cá nhân nào đó.

     Một người dùng tên Brittany bày tỏ nút Dislike có thể làm người khác tổn thương

    Một người dùng tên Brittany bày tỏ nút Dislike có thể làm người khác tổn thương

    Đối với những người phương tây, nút Dislike cũng có thể là một mối nguy cơ, chúng ta có thể sử dụng Hashgtag #Dislike ngay trên chính Facebook để tìm phản biện của người dùng với nút này và nhiều người quan ngại: “Nút Dislike có thể phá huỷ thế giới và những mối quan hệ của bạn”.

    Người Việt Nam cũng có những quan điểm khác nhau về nút này, ví dụ như cộng đồng mạng cho rằng, nút Dislike sẽ được sử dụng rất nhiều trên mỗi trạng thái của Kenny Sang hay... Lệ Rơi chẳng hạn.

    Tuy nhiên, dù ở xã hội nào thì những nguy cơ nặng nề từ mạng xã hội đều có thật. Năm 2013, một nữ sinh tại một trường THPT thuộc Thạch Thất (Hà Nội) đã tự sát, chỉ vì bị một cậu bạn nam cùng lớp chế ảnh trên Facebook và cộng đồng lao vào chế nhạo.

    Mới đây, nam học sinh giỏi của một trong những ngôi trường cấp 3 danh tiếng nhất Hà Nội cũng tự vẫn, một trong những lý do là gặp áp lực tâm lý, bị bạn bè cùng lớp huỷ kết bạn trên Facebook.

    Theo ictnews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày