Tiếng Bloop - âm thanh bí ẩn dưới đáy đại dương làm điên đầu các nhà khoa học trong gần một thập kỷ
Gần 20 năm trước, các nhà khoa học vô tình ghi lại được một âm thanh vô cùng bí ẩn khi tìm kiếm dấu vết của núi lửa dưới đáy đại dương. Câu chuyện về âm thanh này đã kích thích trí tưởng tượng của rất nhiều người trên thế giới.
Vào năm 1997, khi tìm kiếm dấu vết của núi lửa dưới đáy đại dương Nam Mỹ, các nhà khoa học vô tình ghi lại được một âm thanh kỳ lạ mà họ không tài nào giải thích nổi. Vậy là họ gọi nó bằng cái tên "tiếng Bloop".
Tiếng Bloop là một trong những âm thanh lớn nhất dưới đáy đại dương từng được ghi lại: những chiếc Micro dưới đáy biển đặt cách nhau 3000 dặm đều ghi lại được âm thanh này. Các nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu đại dương và khí quyển quốc gia - nơi đầu tiên ghi lại tiếng Bloop - dù đã bỏ công nghiên cứu nhưng không cách nào tìm ra được nguyên nhân gây ra âm thanh kỳ lạ này. Họ chỉ biết một điều duy nhất: Đây là một âm thanh vô cùng đặc biệt.
"Thật kỳ lạ khi một âm thanh cùng xuất hiện ở mọi cảm biến mà chúng tôi mang xuống." - Bob Dziak, nhà quản lý dự án nghiên cứu chia sẻ. "Nếu nó là âm thanh của một con thuyền hay của cá voi, thì âm thanh đó không thể nào đủ lớn để vang vọng khắp cả Thái Bình Dương. Nhưng âm thanh này được tất cả mọi micro của chúng tôi ghi lại, vậy nên đích thị đó là một âm thanh hết sức đặc biệt."
Kể từ khi được công bố, tiếng Bloop đã thu hút trí tưởng tượng của rất nhiều người xung quanh thế giới. Rất nhiều giả thuyết được đặt ra, như đây là âm thanh của khủng long biển, của cá mập Megalodon, hay của một loài sinh vật bí ẩn dưới đáy đại dương. Những giả thuyết này ngày một nhiều hơn khi các nhà nghiên cứu công bố rằng: đây không phải là âm thanh do con người gây ra.
Và thế là, các giả thuyết đồng loạt hướng đến một loài quái vật dưới đáy đai dương.
"Tôi không muốn nói đến chuyện này, vì tôi không nghĩ nó có ích trong một cuộc tranh luận khoa học. Tuy nhiên chúng tôi ngờ rằng đó là âm thanh của một loài động vật dưới đáy đại dương, có thể là của một con mực không lồ," - Dziak chia sẻ.
Tiếng Bloop - âm thanh bí ẩn dưới đáy đại dương
Một số người khác lại tin rằng đây không phải là một con mực khổng lồ, mà là một con quái vật trông giống mực mang tên Cthulhu. Cthulhu là sinh vật huyền bí trong tác phẩm "Tiếng gọi Cthulhu" của nhà văn H.P. Lovecraft. Trùng hợp hơn, tiếng Bloop được ghi lại ở vị trí cách 1500 km so với nơi mà Cthulhu lần đầu tiên xuất hiện trong tiểu thuyết của Lovecraft. Chính điều này đã khiến giả thuyết về sự xuất hiện của Cthulhu được nhiều người ủng hộ hơn.
Phải đến tận năm 2005, tức gần 10 năm sau đó, các nhà khoa học mới có thể giải thích nguyên nhân tạo ra tiếng Bloop huyền bí ngày nào, một cách hết sức tình cờ. Hóa ra âm thanh này xuất hiện khi các lớp băng dưới đáy đại dương bị nứt vỡ do động đất. Âm thanh này khi được ghi lại ở tốc độ gấp 60 lần, sẽ trở thành "tiếng Bloop" đã từng khiến cộng đồng mạng dậy sóng ngày nào.
Sự thật về tiếng Bloop, khi được công bố đã khiến rất nhiều người, đặc biệt là fan của H.P. Lovecraft cảm thấy thất vọng. Nhưng có lẽ chúng ta nên vui nhiều hơn, ít ra thì một con quái vật khổng lồ dưới đáy đại dương sẽ không xuất hiện để hủy diệt toàn bộ nhân loại.
Tham khảo Motherboard
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4