Tìm hiểu về công nghệ truyền dẫn nhạc qua Bluetooth: Codec, Lossy hay Lossless là gì?
Những công nghệ ảnh hưởng trực tiếp tới tai nghe và loa không dây, những mảng sẽ chiếm lĩnh thị trường âm thanh trong những năm tới.
- Đây ra Razer Turret, bộ phím chuột đầu tiên dành cho Xbox, giá gần 6 triệu, hỗ trợ 16 game, dùng được cả cho máy tính
- Microsoft đang phát triển một chiếc webcam Surface 4K cho các thiết bị Windows 10
- Tưởng chỉ là món đồ chơi bình thường nhưng chiếc xe "cute" này của Honda lại có thể dỗ trẻ nín khóc giỏi hơn cả chuyên gia
Muốn hay không muốn, thì thị trường âm thanh cũng đang 'không dây hóa'. Apple đã đi đầu với việc bỏ cổng nghe nhạc 3.5mm trên các sản phẩm của mình, và rồi các hãng smartphone Android cũng dần dần 'học hỏi'. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về công nghệ truyền dẫn âm thanh từ smartphone tới các tai nghe hay loa không dây, nhất là các Codec khác nhau - một yếu tố lớn ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh của các sản phẩm này trong tương lai.
Công nghệ nén nhạc (Compression)
Công nghệ nén là các thuật toán khác nhau, nhằm cắt bớt các thông tin (dải tần) để giảm dung lượng của một file nhạc. Các thuật toán mới được phát triển đều đủ thông minh để cắt đi những dải tần mà tai người không nghe được, từ đó không làm giảm chất lượng âm thanh cuối cùng quá nhiều.
Có 2 dạng nén nhạc, đó là Lossy (mất nhiều thông tin từ file nhạc) và Lossless (không mất, hoặc mất ít thông tin). Hiện nay đa phần các dịch vụ stream nhạc đều dùng dạng Lossy để tiết kiệm băng thông. Loại nén nhạc này thường có Bitrate (độ nặng của file nhạc trên một giây) vào khoảng 256Kbps tới 320Kbps, với các đuôi nhạc dạng OGG, MP3, M4A. Ví dụ, Spotify dùng chuẩn OGG 320Kbps, còn Apple Music sử dụng chuẩn 256Kbps M4A.
Dạng nén Lossless được định nghĩa là có Bitrate từ 500Kbps, với các định dạng thông dụng là FLAC, WAV, và ALAC. Một file nhạc chỉ được gọi là 'Lossless' khi giữ nguyên được cả các lỗi bản nhạc, những chi tiết nhỏ nhất từ bản gốc. Nhạc Lossless không phải đâu cũng có, thường chỉ xuất hiện nếu lấy trực tiếp từ đĩa, hoặc qua các dịch vụ chuyên dụng, với mức phí trả thêm cao như TIDAL.
Liệu rằng chất lượng của 2 dạng nén này có khác nhau hay không? Đây là một câu hỏi rất khó, vì có những audiophile (người chơi nhạc) kì cựu cho rằng họ có thể nghe thấy sự khác biệt, nhưng ý kiến chung của đa số người chơi thì sự khác biệt là quá nhỏ, nên sử dụng nhạc Lossy sẽ đỡ tốn diện tích lưu trữ hơn nhiều.
Hiểu được sự khác biệt giữa các loại nén nhạc rất quan trọng, vì chúng sử dụng các Codec khác nhau. Nhiều người cho rằng chất lượng của tai nghe Bluetooth sẽ không giờ bằng được với các sản phẩm tương đương có dây do phải nén nhạc để truyền không dây, nhưng điều này không đúng vì có nhiều Codec có thể truyền dẫn được cả nhạc Lossless chất lượng cao.
Các loại Codec
Tất cả các tai nghe và loa Bluetooth trên thị trường đều được trang bị Codec SBC (Low-complexity subband codec). SBC không có giới hạn về Bitrate, nên trên lý thuyết có thể truyền tải được nhạc chất lượng cao, song các nhà sản xuất sản phẩm thường giới hạn mức Bitrate xuống còn khoảng 345 Kbps. SBC có ưu điểm là miễn phí, là chuẩn không bản quyền nên bất cứ ai cũng có thể sử dụng được. Hiện nay có nhiều Codec hiệu quả hơn, song các hãng vẫn trang bị SBC để 'dự phòng'.
Chuẩn cao cấp hơn là AAC (Advanced audio coding), được phát triển bởi Apple và đã được các nhà sản xuất Android sử dụng. Codec này có cả mặt lợi và hại. Mặt lợi đó là Codec này hỗ trợ truyền tải các file MP3, M4A, và ALAC từ smartphone tới thiết bị nhạc mà không qua bất cứ một bước nén thêm nào. Trên lí thuyết, thì định dạng này cho chất lượng âm thanh không dây không khác gì có dây, nếu sử dụng cùng một cặp tai nghe. Nhưng AAC lại là một công nghệ độc quyền bởi Apple, nên những ai muốn sử dụng sẽ phải 'xì tiền' cho hãng này.
Chuẩn mới được phát triển gần đây nhất là Qualcomm apt-X, được tích hợp sẵn trên các smartphone Android có vi xử lý từ hãng này. Hiện trong các sản phẩm Apple thì chỉ có máy tính Mac hỗ trợ apt-X, nên iPhone và iPad khi sử dụng với tai nghe, loa có apt-X thì vẫn sẽ chuyển lại 2 chuẩn cũ là AAC và SBC. Chuẩn apt-X đời đầu vẫn sẽ nén nhạc trước khi truyền không dây giống với SBC.
Codec thú vị hơn là apt-X HD (High Definition), sử dụng Bitrate cao hơn là 576 kbps. aptX-HD có thể truyền được nhạc 'chất lượng cao' dạng 24bits, lấy mẫu 48.000 lần trên giây. Đây là một chuẩn được nhiều người tin dùng, vì vẫn nén nhạc nhưng gần với chất lượng bản gốc nhất, dù là sử dụng nhạc 24bits hạng nặng.
Thành viên cuối cùng của gia đình apt-X đó là apt-X LL (Low Latency - ít trễ). Apt-LL có chất lượng tương tương với apt-X đời đầu, nhưng tìm cách để giảm độ trễ tín hiệu giữa smartphone và tai nghe/loa tới mức tối thiểu. Đây là chuẩn phù hợp với việc xem phim, xem video và chơi game, giúp tránh hiện tượng 'hình đi một nơi, tiếng đi một nẻo'. Độ trễ trung bình của apt-X LL rơi vào khoảng 32ms, thấp hơn các Codec khác - 80 đến 140ms.
Có một chuẩn Codec nữa ít người biết tới là LDAC của Sony, có khả năng truyền tín hiệu tốt nhất trong các Codec Bluetooth. LDAC có thể truyền nhạc 24 bits/96 KHz, với Bitrate lên tới 990 Kbps. LDAC hiện mới chỉ được áp dụng trên một vài smartphone và tai nghe của Sony, bắt đầu từ Android 8.0 thì chuẩn này mới được mở cho các OEM khác sử dụng.
Lời kết
Các sản phẩm không dây khá phức tạp, vì liên quan tới việc nén, đóng gói và truyền dẫn tín hiệu. Nhưng để tóm gọn, thì ngoài việc tìm hiểu chất âm của tai nghe qua những bài đánh giá, bạn hãy cố gắng tìm những sản phẩm hỗ trợ chuẩn apt-X, apt-X HD hay apt-X LL (Low Latency) vì chúng không giới hạn tai nghe về mặt kĩ thuật; hay ít nhất thì cũng tìm tới những sản phẩm hỗ trợ chuẩn AAC của Apple.
Tìm những nguồn nhạc chất lượng cao, hoặc lựa chọn Bitrate cao nhất mà ứng dụng stream nhạc của bạn cho phép. Nếu có điều kiện, hãy thử qua TIDAL để trải nghiệm dạng nhạc Losssless, nhưng nếu không thấy có sự khác biệt thì hoàn toàn có thể chuyển qua Spotify hay Apple Music cho...đỡ tốn tiền.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"