Tìm ra bí mật của những người 'ăn bao nhiêu cũng không béo'

    Bảo Nam, Trí Thức Trẻ 

    Hóa ra có 1% dân số thế giới thuộc nhóm người đặc biệt này.

    Trong khi rất nhiều người luôn lo lắng về việc làm sao để giảm cân, thì có một nhóm người có thể khiến họ ghen tị. Đó là những người có thể ăn bao nhiêu, ăn bất cứ thứ gì tùy thích mà không lo ngại việc tăng cân. Đôi khi họ thường tự nhận mình sở hữu "gen giảm béo" trong cơ thể.

    Hóa ra, quan niệm này cũng đúng một phần. Nhưng không phải họ thừa, mà là thiếu gen.

     Tìm ra bí mật của những người ăn bao nhiêu cũng không béo - Ảnh 1.

    Người thiếu gen ALK thì ăn bao nhiêu cũng khó béo.

    Các nhà khoa học mới đây đã phân tích bản đồ di truyền của hàng ngàn người thử nghiệm và nhận thấy rằng khoảng 1% trong số này thiếu một gen gọi là "ALK". Kết quả nghiên cứu cho thấy những người này gầy hơn một cách tự nhiên so với những người trưởng thành khỏe mạnh khác. Các nhà khoa học suy đoán rằng gen ALK có thể liên quan đến hình dạng cơ thể gầy của họ.

    "Những người thuộc dạng này chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Họ có thể ăn bất cứ thứ gì mà vẫn được chuyển hóa khỏe mạnh. Họ ăn rất nhiều, không phải tập squat, nhưng họ không tăng cân", Giáo sư, Tiến sĩ Josef Penninger từ Đại học British Columbia, tác giả của nghiên cứu, cho biết.

    Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm trên chuột và ruồi, với hy vọng xác minh suy đoán này. Kết quả cho thấy việc "tắt" gen ALK sẽ giữ cho chuột và ruồi gầy hơn, ngay cả khi chúng được ăn thực phẩm giàu đường và chất béo. Theo đó, việc "tắt" gen ALK có thể sẽ trở thành một liệu pháp cơ bản chữa bệnh béo phì ở người trong tương lai. Theo kỳ vọng, những người được "tắt" gen ALK trong cơ thể không cần kiểm soát sự thèm ăn để duy trì sự trao đổi chất. Họ có thể ăn nhiều thức ăn hơn, nhưng cân nặng sẽ không tăng.

    Trên thực tế, trong nhiều năm, các nhà khoa học đã quan tâm đến gen ALK này và hiện đã có các loại thuốc liên quan đến gen này, vì đây là loại gen thường bị đột biến ở một số bệnh ung thư. Nhưng cho đến nay, vai trò của gen ALK trong điều trị ung thư vẫn chưa rõ ràng. Và những phát hiện mới nhất cho thấy nó có vai trò quyết định đối với việc giảm cân của cơ thể. Tuy nhiên, trước khi tìm ra các loại thuốc ức chế có thể ảnh hưởng đến cơ thể con người, các nhà khoa học cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn.

    Giai đoạn nghiên cứu tiếp theo sẽ là việc so sánh khám phá này với hồ sơ sức khỏe, mức độ hoạt động và hồ sơ ngân hàng sinh học DNA của các cư dân ở các quốc gia khác nhau. Kết hợp với việc phân tích cả bộ gen.

    Hiện tại, báo cáo nghiên cứu mới nhất này đã được công bố trên tạp chí Cell (Tế bào), được xuất bản gần đây.

    Tiêu chuẩn cho bệnh béo phì là gì? Những rủi ro sức khỏe mà nó có thể gây ra?

     Tìm ra bí mật của những người ăn bao nhiêu cũng không béo - Ảnh 2.

    Một cơ thể người trưởng thành bị béo phì sẽ có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Thông thường, một người khỏe mạnh có chỉ số BMI là 18,5-24,9. Chỉ số khối cơ thể được tính theo công thức: BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)]x2]

    Tác động trực tiếp nhất của béo phì là ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Nó có thể gây ra bệnh tiểu đường, bệnh thận, mù lòa... Các dấu hiệu nguy hiểm của béo phì cũng liên quan đến 12 loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư vú. Trung bình 12,5% phụ nữ béo phì có vấn đề về sức khỏe tuyến vú.

    Ngoài ra, béo phì cũng có thể dẫn đến huyết áp cao hoặc cholesterol cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Trẻ béo phì có nhiều khả năng trở thành người lớn có dấu hiệu béo phì ở tuổi trưởng thành.

    Tham khảo Sina

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày