Có vẻ như, máu rồng ngoài đời thực cũng chứa đựng rất nhiều điều kỳ bí.
Những con rồng trong truyền thuyết lúc nào cũng là biểu tượng của quyền năng và phép thuật. Nhưng ít người biết, ngoài đời thực, máu của chúng cũng ẩn chứa những điều kì diệu không kém.
Mới đây, trong một nghiên cứu trên tạp chí Proteome Research, các nhà khoa học từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ phát hiện: Một số hợp chất được tìm thấy trong máu của những con rồng Komodo có thể được sử dụng để bào chế thuốc kháng sinh mới.
Chúng có khả năng chống lại 2 loài vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm đầu bảng, trong danh sách mới được công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Những loại kháng sinh mới có thể đến từ máu rồng Komodo
Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất trên hành tinh còn tồn tại. Chúng có nguồn gốc và còn sinh sống ở một số đảo của Indonesia. Những cá thể Rồng Komodo lớn nhất có thể dài tới 3 mét và nặng 70 kg. Chúng săn trâu và hươu, với những đòn cắn chí mạng vào cổ họng.
Nếu con mồi không chết ngay lập tức, rồng Komodo cũng hiếm khi phải thực hiện đợt tấn công tiếp theo. Thay vào đó, chúng chỉ việc chờ đợi cho tới khi con mồi gục ngã. Nọc độc và hàng chục loại vi khuẩn trong nước bọt những con rồng đã được truyền vào máu con vật qua vết cắn.
Tuy nhiên, điều đặc biệt mà các nhà khoa học đã để ý. Trong những cuộc đụng độ giữa rồng Komodo và rồng Komodo, tại sao chẳng con nào bị nhiễm bệnh từ một vết cắn của cá thể cùng loài?
Một vài manh mối có thể được sử dụng để suy luận. Chúng ta biết rằng, hầu hết các loài động vật, không chỉ rồng Komodo, mang trong mình những peptide (chuỗi axit amin là phân đoạn của protein) có tính chất kháng khuẩn (AntiMicrobial Peptides - AMP). Đó là những vũ khí được sử dụng để chống lại nhiễm trùng tự nhiên.
Nhưng khi nhìn vào cách mà những con mồi bị giết chết từ vết cắn của rồng Komodo, các nhà khoa học nghi ngờ rằng AMP của chúng phải cực kỳ mạnh, mạnh đủ để bảo vệ bản thân khỏi những vết cắn từ đồng loại. Nếu vậy, đó sẽ là một nguồn chứa những hợp chất đầy hứa hẹn cho con người phát triển kháng sinh mới.
Với ý tưởng này, tiến sĩ Barney Bishop và Monique van Hoek đã làm việc với một sở thú ở Florida để thu thập những mẫu máu tươi của rồng Komodo. Ông săn lùng những peptide có trong đó và phát hiện ra tới 48 loại AMP chưa từng được phát hiện trước đây. Tất cả chúng đều có tiềm năng được sử dụng để điều chế thuốc.
Những thử nghiệm ban đầu rất hứa hẹn. Tiến sĩ Hoek đã lựa chọn 8 loại AMP hứa hẹn nhất và cho hai loại vi khuẩn kháng kháng sinh rất nguy hiểm hiện tại tiếp xúc với chúng. 7 trong số 8 loại AMP đã ức chế đước sự phát triển của trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) và tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Một trong số đó chỉ chống lại được trực khuẩn mủ xanh.
Máu rồng Komodo có những chất ức chế trực khuẩn mủ xanh
Phát hiện mới nhận được khá nhiều sự quan tâm trong bối cảnh vi khuẩn kháng kháng sinh đang trở thành một vấn đề toàn cầu. Những con vật nhỏ bé ấy đang giết chết hơn 700.000 người mỗi năm trên toàn thế giới.
Trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu vàng đều là những chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm nhất. Cuối tháng trước, cả hai vừa được liệt kê đầu bảng trong danh sách của Tổ chức Y tế thế giới, bao gồm những loài vi khuẩn mà con người cần thuốc kháng sinh mới để điều trị.
Bây giờ, phát hiện của các nhà khoa học Đại học George Mason đã giúp chúng ta có thêm nhiều hi vọng mới. Có vẻ như, máu rồng ngoài đời thực cũng chứa đựng rất nhiều điều kỳ bí.
Tham khảo Economist
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4