Tìm ra lý do Google, LG, Samsung, Huawei... đua nhau làm cử chỉ không chạm cho smartphone: là để ăn cua

    Tấn Minh,  

    Google, LG và Samsung đều ra mắt những chiếc điện thoại với hệ thống điều khiển cử chỉ... nhưng tại sao họ lại trang bị tính năng đó?

    Hệ thống điều khiển cử chỉ không chạm dành cho smartphone đã trải qua một quá trình thử nghiệm dài. Nhưng những phiên bản đầu tiên của nó gặp khá nhiều lỗi, và người dùng thì không biết phải làm gì với nó. Nếu bạn cảm thấy nuối tiếc vì đã bỏ lỡ một trào lưu, thì đừng lo: hệ thống điều khiển cử chỉ đã trở lại mạnh mẽ trong năm 2019.

    Huawei đã và đang tích cực quảng bá cho hệ thống này trên mẫu flagship Mate 30 của hãng. Nhưng hãy quay lại câu hỏi ở trên: chính xác thì bạn có thể làm gì với nó? Câu trả lời của Huawei là: để ăn...cua!

    Tất nhiên, ăn cua chỉ là một ví dụ thôi, vì bạn có thể ăn bất kỳ thứ gì bạn thích. Nhưng đây lại là một cách tận dụng hệ thống điều khiển cử chỉ khá thú vị, đã gây bão mạng kể từ khi Huawei trình diễn trong một quảng cáo trong dịp lễ Trung Thu vừa qua - tình cờ cũng là mùa cua lông, một trong những đặc sản được yêu thích của Trung Quốc.

    Tìm ra lý do Google, LG, Samsung, Huawei... đua nhau làm cử chỉ không chạm cho smartphone: là để ăn cua - Ảnh 1.

    Kể từ khi đoạn quảng cáo xuất hiện, một số thanh niên mạng Trung Quốc đã bắt đầu tung các đoạn video trình diễn việc sử dụng điều khiển cử chỉ để vừa ăn cua, thịt nướng, hay bất kỳ thứ gì học thích, vừa vẫy tay trong không khí để lướt video trên Douyin, phiên bản Tiktok tại Trung Quốc.

    Ăn chỉ là một trong những cách sử dụng điều khiển cử chỉ phổ biến được biểu diễn trên mạng xã hội. Hệ thống Gesture Sensor của Huawei, được trang bị cho các điện thoại Mate 30, cho phép người dùng chụp ảnh màn hình, lướt xem ảnh và điều khiển nhạc. Nó còn có tính năng tự động xoay dựa vào AI để xoay màn hình theo hướng khuôn mặt bạn, và một tính năng bảo mật để tự động ẩn đi những chi tiết trên màn hình nếu có ai đó đang nhìn lén điện thoại bạn.

    Nhưng vẫn còn rất nhiều hình thức sáng tạo khác để tận dụng công nghệ này. Câu hỏi lúc này là liệu điều khiển cử chỉ có hoạt động đủ tốt để được triển khai rộng rãi, hay liệu người ta có sử dụng nó vào việc gì khác ngoài mục đích giữ cho điện thoại không bị bẩn khi đang bận ăn uống (hoặc sử dụng điện thoại trong khi đang tắm) hay không.

    Tìm ra lý do Google, LG, Samsung, Huawei... đua nhau làm cử chỉ không chạm cho smartphone: là để ăn cua - Ảnh 2.

    Quảng cáo của Huawei cho thấy một người phụ nữ vừa nhai cua vừa vuốt trong không khí, chẳng hề lo lắng xốt cua sẽ dính đầy lên màn hình điện thoại

    Công nghệ bị lãng quên này từng gây bất ngờ khi xuất hiện trên chiếc Samsung Galaxy S4 vào năm 2013. Nhưng lúc bấy giờ, người ta đã dội cho Samsung một gáo nước lạnh khi nói rằng hệ thống điều khiển cử chỉ là một thứ vô nghĩa.

    Nó còn bị chỉ trích vì độ chính xác không cao, và hoạt động khá chậm chạp, khiến người dùng phải vẫy tay một cách điên cuồng trước chiếc smartphone của họ, hi vọng có điều gì đó kì diệu xảy ra. Cũng phải thôi, sử dụng cử chỉ trước điện thoại để làm gì, khi mà cũng những cử chỉ đó lại hoạt động chính xác hơn nhiều khi bạn chạm thẳng vào màn hình?

    Dù sao đi nữa, các công ty vẫn kiên trì với hệ thống điều khiển cử chỉ. Google đã công bố rằng chiếc Pixel 4 - dự kiến ra mắt trong tháng này - sẽ được trang bị tính năng điều khiển cử chỉ mang tên MotionSense. Tính năng này là một sản phẩm thuộc dự án Soli của chính Google, và nó được cho là công nghệ điều khiển cử chỉ không chạm tiên tiến bậc nhất của Google cho đến thời điểm này.

    Các điện thoại khác ra mắt năm nay cũng có các phiên bản điều khiển cử chỉ không chạm của riêng mình là LG G8 ThinQ, và Samsung Galaxy Note 10 - chỉ có điều trên Note 10, thay vì dùng tay, bạn sẽ dùng bút S-Pen để vung vẩy trước màn hình.

    Tìm ra lý do Google, LG, Samsung, Huawei... đua nhau làm cử chỉ không chạm cho smartphone: là để ăn cua - Ảnh 3.

    "Trong một số ví dụ mà chúng ta hiện thấy trên các điện thoại của Samsung, LG, Huawei... chúng rất mới lạ" - nhà phân tích Jason Low nói.

    Giao diện người dùng (UI) đã tiến hóa từ giao diện nút bấm, sang màn hình cảm ứng tự nhiên hơn, và nay mọi thứ dần chuyển sang điều khiển giọng nói. Bàn tay của chúng ta là một phương thức nhập liệu quan trọng, và các nhà sản xuất điện thoại muốn sáng tạo ra những tính năng và cách thức sử dụng mới tận dụng "công cụ trỏ tự nhiên nhất thế giới" này.

    Dù một vài phương thức sử dụng mới có thể được trang bị cho smartphone, có thể sẽ hữu dụng hơn nếu chúng được mang lên các thiết bị khác, trong đó một lĩnh vực đầy hứa hẹn đối với điều khiển cử chỉ là thực tại tăng cường (AR). Một lĩnh vực khác là các thiết bị với màn hình nhỏ, khiến ngón tay chúng ta khó có thể thực hiện các thao tác cảm ứng được, như smartwatch chẳng hạn.

    Cảm nhận chung về các hệ thống điều khiển cử chỉ thế hệ mới cho đến nay vẫn khá lẫn lộn. Một số reviewer khi nói về LG G8 ThinQ cho biết họ chưa nghĩ ra nhiều lý do để sử dụng hệ thống điều khiển cử chỉ trên thiết bị này. Về phần Huawei, một reviewer chuyên công nghệ nổi tiếng ở Trung Quốc nói rằng điều khiển cử chỉ vẫn có thể dẫn đến một số lỗi, như một cú vuốt đôi lúc lại khiến máy chụp ảnh màn hình thay vì cuộn trang.

    Tìm ra lý do Google, LG, Samsung, Huawei... đua nhau làm cử chỉ không chạm cho smartphone: là để ăn cua - Ảnh 4.

    Vậy nên, vấn đề lớn nhất mà hệ thống điều khiển cử chỉ đã phải đối mặt ngay từ khi ra đời dường như vẫn còn đó. Ngay cả Google cũng nêu ra rằng MotionSense trên Pixel 4 sẽ tiếp tục tiến hóa dần trong tương lai.

    Nhưng ít nhất với những người thực sự muốn dùng điện thoại trong khi đang ăn hay nấu ăn, họ có một lựa chọn thú vị. Vấn đề này trên thực tế lại là một công việc làm ăn tốt cho vài công ty.

    Nhà sản xuất smartphone Trung Quốc là Transsion đã tạo ra một cảm biến vân tay kháng dầu mỡ, giúp hãng trở thành công ty smartphone hàng đầu Ấn Độ. Bởi ở quốc gia này, khá nhiều người vẫn ăn bốc bằng tay, nên khả năng có thể mở khóa điện thoại với ngón tay dính đầy cà-ri rõ ràng là thứ ai cũng muốn.

    Khá hay. Nhưng nếu công nghệ của Transsion cho phép người ta vừa ăn vừa chạm điện thoại thoải mái, thì lợi ích lớn nhất của cử chỉ không chạm là gì?

    Có lẽ Huawei đã tìm ra lý do hoàn hảo nhất cho riêng họ: vừa ăn vừa lướt video trên Douyin. Ứng dụng này cực kỳ nổi tiếng tại Trung Quốc, với khoảng 300 triệu người dùng mỗi tháng trong năm 2018. Và trong bối cảnh TikTok đang bùng nổ ở phần còn lại của thế giới, có lẽ đây chính là "chất xúc tác" khiến hệ thống điều khiển cử chỉ thực sự hữu ích.

    Người dùng quốc tế muốn thử nghiệm điều khiển cử chỉ trên TikTok có lẽ sẽ phải tìm một chiếc điện thoại khác ngoài Huawei. Công ty này đã trì hoãn bán Mate 30 tại châu Âu bởi không thể tích hợp Google Play Services vào điện thoại sau lệnh cấm giao thương của Mỹ.

    Nhưng đừng lo. Có lẽ bạn sẽ được dùng đùi gà để điều khiển Pixel 4 trong thời gian tới đấy!

    Tìm ra lý do Google, LG, Samsung, Huawei... đua nhau làm cử chỉ không chạm cho smartphone: là để ăn cua - Ảnh 5.

    Tham khảo: AbacusNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ