Tin chính thức: Chúng ta không thể làm gì để ngăn nhiệt độ Bắc Cực tăng

    Dink,  

    Ngay cả khi nội trong ngày hôm nay, chúng ta dừng việc xả thải carbon, hậu quả cũng vẫn sẽ đến với Bắc Cực.

    Dù chúng ta có cố gắng mấy đi nữa, Bắc Cực sẽ không bao giờ lành lặn được như xưa.

    Nghiên cứu mới do chính Liên Hợp Quốc thực hiện cho thấy thậm chí ta dừng việc thải khí carbon bắt đầu từ ngày hôm nay, nhiệt độ Bắc Cực vẫn sẽ tăng thêm 5 độ C vào cuối thế kỷ 21. Đối diện với thực tế mà nói, ta đã và vẫn đang thải ra quá nhiều khí nhà kính, mọi thứ đã quá muộn. Mục tiêu hiện tại của loài người là giảm thiểu khí thải hết mức có thể, không để mọi chuyện diễn biến xấu hơn.

    Tin chính thức: Chúng ta không thể làm gì để ngăn nhiệt độ Bắc Cực tăng - Ảnh 1.

    Ngay cả khi Hiệp định Khí hậu Paris đã có hiệu lực, các nghiên cứu vẫn chỉ ra tương lại ảm đạm: nhiệt độ mùa đông Bắc Cực sẽ tăng ít nhất 3 độ C vào năm 2050, từ 5 tới 9 độ C vào năm 2080, khi so với mức đo được trước thời kỳ bùng nổ Cách mạng Công nghiệp.

    Bắc Cực là nơi chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu, nhưng không có nghĩa các vùng khác thoát được cảnh trớ trêu. Khi băng phương Bắc tan ra, hậu quả sẽ tràn xuống phần còn lại của Trái Đất. Chẳng cần nghiên cứu sâu xa để hiểu nước biển dâng là hậu quả tất yếu của băng tan, các vùng bờ biển sẽ úng ngập, nước mặn ăn sâu vào đất liền, xói mòn diễn ra dọc các bờ biển, nước sẽ tràn vào và ảnh hưởng nặng nề tới tất cả những vùng ven bể mặn.

    Hệ sinh thái toàn cầu sẽ đứng trước nguy cơ thay đổi vĩnh viễn, nước ngọt nhiễm mặn sẽ khiến một lượng lớn dân cư phải bỏ quê hương để tìm tới nơi thích hợp hơn để sinh sống.

    "Những gì xảy ra với Bắc Cực sẽ không chỉ nằm lại tại Bắc Cực", Joyce Msuya, giám đốc Ban Môi trường thuộc Liên Hợp Quốc cho hay. "Chúng ta có khoa học hậu thuẫn, hơn lúc nào hết, giờ là thời điểm hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu để tránh hoàn cảnh cực đoan, một thảm cảnh có thể tệ hơn nhiều so với dự kiến".

    Tin chính thức: Chúng ta không thể làm gì để ngăn nhiệt độ Bắc Cực tăng - Ảnh 2.

    Các khu vực Bắc Cực đã bị ảnh hưởng sẽ trở nên tệ hơn. Nghiên cứu từ năm 1979 liên tục chỉ ra rằng Bắc Cực mất đi khoảng 40% biển băng, lớp băng mỏng còn lại dễ vỡ hơn bao giờ hết. Một số chương trình giả lập khí hậu dự đoán băng Bắc Cực sẽ biến mất hoàn toàn vào mùa hè của 11 năm nữa, khí hậu toàn cầu sẽ trở nên khó dự đoán. Ngay cả khi các nước Hiệp ước Khí hậu có thể đảm bảo được lời hứa, băng vĩnh cửu tại Bắc Cực vẫn sẽ giảm 45%, thải ra bầ không khí thêm cả tỷ tấn khí carbon và methane.

    Khí hậu sẽ càng ấm hơn, băng sẽ tiếp tục tan, tạo thành một vòng luẩn quẩn vây lấy nhân loại. Ta sẽ đứng trước nhiều bão hơn, nhiều vụ cháy rừng diện rộng, môi trường sống bị hủy hoại và cơ sở hạ tầng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Theo một nghiên cứu mới, vào năm 2050, khoảng 4 triệu người và 70% cơ sở hạ tầng khu vực Bắc Cực sẽ bị đe dọa bởi băng vĩnh cửu tan. Bi kịch chưa dừng lại, khi viên đá nhỏ lăn xuống đồi tuyết, rất có thể một cơn sạt lở hoặc một quả cầu tuyết lớn sẽ đi theo nó.

    Tin chính thức: Chúng ta không thể làm gì để ngăn nhiệt độ Bắc Cực tăng - Ảnh 3.

    "Khi băng vĩnh cửu tan, lượng nước ngọt chảy xuống biển sẽ rất lớn, sinh ra acid hóa", bài báo cáo khoa học giải thích. "Khí methane thải ra từ băng vĩnh cửu vùng gần biển cũng sẽ đẩy nhanh quá trình acid hóa". Tương tự với việc biến đổi khí hậu, băng Bắc Cực tan sẽ khiến độ acid biển mất cân bằng. Động vật biển đứng trước nguy hại lớn, khi làn nước lạnh chúng sống sẽ càng nhận thêm nhiều CO2 hòa tan, tính acid của nước lại càng tăng.

    Ngày nay, tính acid của lớp nước bề mặt đã tăng thêm 30% kể từ giai đoạn tiền Cách mạng Công nghiệp, chuỗi thức ăn biển bị ảnh hưởng khiến san hô, động vật thân mềm, nhím biển và phù du khó phát triển hơn.

    Những gì đang và chắc chắn sẽ diễn ra tại Bắc Cực phải là hồi chuông cảnh tỉnh, không để Trái Đất ấm hơn nữa. Nếu ta không sớm hành động, nghiên cứu mới cảnh báo Trái Đất sẽ rơi vào ngõ cụt, nhân loại sẽ không còn chỗ thoát thân.

    Nếu ta thành công, đây sẽ là một câu chuyện tuyệt vời để kể với con cháu: con người đã gây ra thảm họa khí hậu, nhưng đã làm hết sức mình để cứu lấy ngôi nhà chung của toàn nhân loại. Từng hành động nhỏ đều cống hiến cho mục đích chung, phải cùng tồn tại để có cơ hội kể lại lịch sử, kể lại cách ta cứu được cả một hành tinh.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ