Tin đồn cấm iPhone khiến nhân viên văn phòng tại Trung Quốc lo lắng, phải đổi sang smartphone khác vì sợ bị sếp kỷ luật
Một số nhân viên văn phòng các công ty tư nhân tại Trung Quốc đã buộc phải mua smartphone khác do lo ngại công ty mình làm việc sẽ đưa ra lệnh cấm sử dụng iPhone.
Một số cơ quan và công ty nhà nước tại Trung Quốc được cho là đang yêu cầu nhân viên ngừng mang các thiết bị của Apple đến văn phòng, dù chính phủ nước này vẫn chưa chính thức công bố lệnh cấm như vậy, trang Bloomberg và The Wall Street Journal đưa tin.
Đáng nói, khi tin tức về lệnh cấm dùng iPhone lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào tuần trước, một số nhân viên văn phòng đã bày tỏ lo ngại về việc lãnh đạo của các công ty tư nhân có thể đưa ra lệnh cấm tương tự. Lo ngại này được ra trong bối cảnh các thiết bị của Apple bị nghi ngờ là có thể được sử dụng để theo dõi người dùng tại quốc gia tỷ dân.
Buộc phải mua smartphone khác vì lệnh cấm sử dụng iPhone tại chỗ làm
Theo Business Insider, nhiều người dùng đã bày tỏ nhiều ý trái chiều của mình trên mạng xã hội Weibo, vốn sẽ hiển thị thông tin cho thấy người đăng bài có phải là người dùng iPhone hay không.
"Nơi làm việc không cho phép sử dụng Apple, vì vậy tôi đã mua một chiếc Xiaomi Redmi để tránh rắc rối", một người dùng Weibo viết hôm thứ Sáu.
"Hài hước thật. Nhà tuyển dụng sẽ không cho sử dụng iPhone nữa. Điện thoại tôi mua năm 2018 vẫn không hề bị lag. Chỉ là pin không bền thôi. Đổi sang máy mới phí quá", một người dùng iPhone khác đăng vào thứ năm.
"Các văn phòng không cho phép bạn sử dụng Apple nữa. Tôi ghét điều này", một người dùng khác viết vào thứ Sáu.
Những người khác báo cáo rằng công ty của họ đã yêu cầu nhân viên mua một chiếc điện thoại khác, mặc dù không rõ có bao nhiêu người trong số này làm việc trong các công ty nhà nước hoặc tư nhân.
"Nơi làm việc của chồng tôi không cho anh ấy sử dụng Apple nữa vì sợ rò rỉ bảo mật. Anh ấy buộc phải mua một thiết bị trong nước", một người viết than thở rằng cô không thể tìm thấy Huawei Mate 60 Pro – mẫu điện thoại 'nội địa' của Huawei vừa mới ra mắt gần 1 tuần.
Một người dùng iPhone khác cho biết họ đã xếp hàng để đặt mua một chiếc iPhone mới toanh để làm việc vào cuối tuần. Họ viết vào thứ Hai: "Và hôm nay tôi đến văn phòng và nghe nói rằng công ty không cho chúng tôi sử dụng điện thoại Apple nữa".
"Tôi càng kiệt sức hơn vì thu nhập không cao", blogger có biệt danh Sister Ka viết. Cô cho biết cô không thể sử dụng iPhone ở nơi làm việc nữa, đồng thời đề nghị dân mạng tư vấn về việc chọn mua điện thoại phụ.
Trong khi đó, blog Digital Tech Boom có trụ sở tại Quảng Đông lại chỉ trích những lời phàn nàn của dân mạng về các lệnh cấm.
Trang này viết: "Những nhân viên làm các công việc cần tính bảo mật thường phải có một số yêu cầu về điện thoại. Nếu không thích, bạn có thể thay đổi công việc của mình. Rất nhiều công ty không quan tâm bạn sử dụng điện thoại gì."
Apple có bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm?
Mức độ tác động thực sự của lệnh cấm iPhone được đồn đại nói trên với Apple vẫn chưa rõ ràng. Vào năm 2021, Trung Quốc có hơn 56 triệu công nhân viên chức làm việc tại 150.000 công ty nhà nước, bao gồm các công ty năng lượng, ngân hàng và tập đoàn xây dựng, theo CGTN. Trang Nikkei đưa tin rằng ít nhất một công ty liên quan đến nhà nước cũng bắt đầu yêu cầu nhân viên ngừng sử dụng AirPods và Apple Watch tại nơi làm việc.
Apple đã bắt đầu bán iPhone tại Trung Quốc vào năm 2009 thông qua mối quan hệ hợp tác với China Unicom - một trong những nhà mạng hàng đầu của nước này. Sau một thời gian kinh doanh tại đây, Apple gần như đã thống trị thị trường điện thoại thông minh của quốc gia tỷ dân, khi iPhone chiếm 1/4 tổng số thiết bị di động được bán tại nước này trong quý cuối cùng của năm 2022, theo công ty nghiên cứu Counterpoint của Hồng Kông.
Tuy nhiên, những tin đồn gần đây ở Trung Quốc báo hiệu rằng dòng điện thoại mới của Táo khuyết có thể sẽ không bán chạy như trước. Chỉ trong vài ngày vừa qua, công ty giá trị nhất thế giới đang phải đối mặt với sự sụt giảm đột ngột 200 tỷ USD giá trị thị trường chỉ trong 2 ngày, chủ yếu do các tin tức đáng lo ngại về lệnh cấm tại thị trường Trung Quốc.
Gần đây nhất, đối thủ cạnh tranh chính của Apple tại Trung Quốc, Huawei, đã ra mắt dòng điện thoại thông minh 5G mới có tên Mate 60 Pro. Theo đó, Huawei đã chứng minh với thế giới bằng cách sản xuất một chiếc smartphone đầu bảng có hầu hết các thành phần linh kiện do các công ty Trung Quốc sản xuất hoặc phát triển, cho thấy công ty này có tiềm năng tự chủ và tách rời khỏi các công nghệ của Mỹ.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bao gồm cả Cailien và Jiwei, danh sách khoảng 70–80 nhà cung cấp linh kiện cho Mate 60 Pro đã được tiết lộ. Đáng chú ý, các nhà cung cấp địa phương ở Trung Quốc chiếm hơn 90% linh kiện được sử dụng trong Mate 60 Pro. Đương nhiên, điểm đáng chú ý nhất của Mate 60 Pro là con chip 7nm được sản xuất bởi một công ty đúc chip Trung Quốc, hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp).
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI