Đón đầu cuộc đua nhạc số: Google miễn phí Play Music, cạnh tranh Apple Music

    Yến Thanh,  

    Nếu so về tầm nhìn trong lĩnh vực nhạc số streaming, Apple vẫn chỉ chạy theo Google mà thôi.

    Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, chúng ta đã nghe rất nhiều về Apple Music cũng như những tham vọng của CEO Tim Cook về dịch vụ nhạc số này. Thậm chí, trong ngày hôm qua, cả giới công nghệ còn được xem một màn kịch "có một không hai" giữa cô ca sĩ Taylor Swift và Apple nhằm đánh bóng tên tuổi cho Apple Music.

    Đó là món đòn của Apple, dù không phải là kẻ tiên phong, nhưng luôn biết chọn đúng thời điểm. Lo ngại trước làn sóng người dùng sẽ chuyển sang Apple Music vào cuối tháng này, mới đây, Google đã chính thức miễn phí dịch vụ Play Music của mình.

    Về cơ bản, Play Music hoạt động tương tự ứng dụng Songza từng được Google mua về vào năm ngoái, có tính năng đặc biệt: tự động chơi playlist nhạc theo cảm xúc và hoàn cảnh của người nghe. Giờ đây, tất cả người Mỹ sẽ đều được sử dụng miễn phí Play Music, mà hoàn toàn không mất phí như Songza.

    Được biết, các danh sách chơi nhạc được tuyển chọn sẽ xuất hiện trên phiên bản Android và trình duyệt trong ngày hôm nay. Còn với iOS, bản cập nhật sẽ sớm được tung ra trong thời gian tới.

    Về cách thức hoạt động của Play Music, Google cho biết, việc đưa ra một danh sách nhạc được tuyển chọn sẵn sẽ dễ dàng tiếp cận người dùng, hơn là việc đưa ra hàng loạt các bài hát và rồi họ chẳng biết chọn bài nhạc nào. Ngoài ra, điều này cũng khiến Google "trưng bày" được nhiều quảng cáo hơn.

    Khác với Spotify, dịch vụ thường bị các nghệ sĩ phàn nàn về khoản thu khá "bèo", Google tự tin sẽ kí được hầu hết những hợp đồng bản quyền hiện nay nhờ những chính sách thông minh. Ví dụ, bạn đang nghe nhạc từ một ban nhạc yêu thích, ngay sau đó, Google sẽ tiếp tục gợi ý các danh sách nhạc của nhóm đó.

    Điều này sẽ đem về doanh thu không nhỏ cho các nghệ sĩ nếu các bài hát của họ được nghe đi nghe lại như vậy. Và tất nhiên, trong "bảng vàng" của Play Music, Google chắn chắn đã thỏa hiệp được với cô ca sĩ đình đám là Taylor Swift.

    Đi sâu hơn vào cách mà Google tuyển chọn một danh sách nhạc, điều này hoàn toàn khác so với dịch vụ từ Spotify. Theo đó, người dùng không bao giờ có thể kiểm soát được danh sách nhạc đang được chơi. Xem chừng, đây lại là một phương pháp hiệu quả, bởi đôi khi, người dùng không thể biết được thứ mình cần.

    Trong khi đó, Google có cả một đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm lựa chọn các bài hát nhóm vào list nhạc đó. Tất nhiên, sự bất ngờ chính là yếu tố khiến các danh sách nhạc được tuyển chọn trở nên thú vị với người dùng.

    Bí quyết ở đây chính là thuật toán mà Google sử dụng, nó tương tự với cách mà Apple Music được vận hành. Thông qua các lựa chọn của người dùng về cảm xúc, thể loại, mốc thời gian... danh sách nhạc tốt nhất sẽ được lập trình "như rót mật" vào tai người nghe.

    Về vấn đề quyền lợi của người dùng, Google khẳng định chẳng ai làm ra thứ gì miễn phí, do đó, để có thể tự do nghe nhạc, người dùng buộc phải chấp nhận những rào cản nhất định:

    - Cụ thể, trong một giờ, người dùng chỉ được phép bỏ qua list nhạc tối đa 6 lần nếu không muốn tiếp tục nghe chúng, người dùng có thể tạm dừng bài hát, nhưng không có khả năng tua lại chúng, hoặc được nhìn thấy những list nhạc phía trước, và hơn hết là nghe nhạc và phải xem quảng cáo.

    - Bù lại, điều tuyệt vời nhất mà Google mang tới cho người dùng, đó là dù sử dụng dịch vụ miễn phí, họ vẫn có quyền nghe nhạc 320kbps chất lượng cao. Trong khi đó, những ai trả tiền cho Google Play Music lại có toàn quyền kiểm soát danh sách nhạc và có thể thao tác, chỉnh sửa, đổi tên và lưu lại list nhạc để nghe offline.

    Tất nhiên, những gì Google đang hướng tới, không phải là trở thành Apple Music thứ hai. Sẽ không có những chương trình phát sóng 24/7, hay những buổi gặp gỡ với các DJ nổi tiếng, ca sĩ triển vọng, nhưng Google sẽ thu hút người dùng nhờ những danh sách nhạc chọn lọc tuyệt vời.

    Ngoài ra, Google còn hứa hẹn tạo ra giao diện nghe nhạc hấp dẫn, khiến người dùng quên đi những quảng cáo xung quanh, khiến họ cảm thấy thú vị hơn là khó chịu. Nhưng hơn hết, mục tiêu cuối cùng của hãng vẫn là kiếm lời từ những khoản thuê bao hàng tháng.

    Hiện tại, Google chưa đưa ra bình luận nào về số thuê bao kì vọng trong năm nay. Tuy nhiên, với chất lượng âm nhạc tốt, các danh sách chơi nhạc chất lượng, hệ sinh thái âm nhạc của Google sẽ càng trở nên hấp dẫn người dùng.

    Và năm 2015 được kì vọng sẽ là cuộc đua âm nhạc kì thú giữa Google - Apple, vượt qua cuộc chiến về di động. Vậy bạn sẽ chọn ai?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày