Việt Nam không thể xây dựng một thành phố giống như Silicon Valley của Hoa Kỳ, đó là điều không thể bàn cãi. Chúng ta không được hậu thuẫn bởi những điều kiện lịch sử và cơ hội phát triển như cường quốc nằm ở đầu bên kia bán cầu. Việt Nam cũng không có duyên được dẫn đầu làn sóng vận động của công nghệ - thứ đã thay đổi mãnh liệt thế giới của con người trong vài thập kỷ trở lại đây. Thế nhưng, tất cả những điều đó không có nghĩa rằng nỗ lực của Becamex và TIC là vô nghĩa.
Trước khi sự kiện BTIC 2012 chính thức bắt đầu, rất nhiều người đã bàn tán về mục đích chính của sự kiện này. Tại sao TIC lại mất công mời những diễn giả danh tiếng của Mỹ về để truyền tải tinh thần Silicon Valley đến với các nhà khởi nghiệp trẻ của Việt Nam? Phải chăng Becamex tổ chức một sự kiện lớn như vậy chỉ để kích động giới truyền thông, giúp họ quảng bá tên tuổi của thành phố mới Bình Dương và bán những ngôi nhà vẫn chưa có người ở tại thành phố có diện tích tận 1000 héc ta này?
Lí do có thể là tổng hợp của tất cả những phỏng đoán trên. Tuy nhiên, ý kiến của cá nhân tôi nghiêng về hướng của “hy vọng”. Ở thời đại này, khi những hậu quả của khủng hoảng kinh tế đã hiển hiện rõ trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ các nhà khởi nghiệp của Việt Nam mà ngay cả những người làm trong ngành tài chính của cường quốc Hoa Kỳ cũng phải
sống qua ngày bằng “niềm tin”. Ở thời điểm hiện tại, những gì mà Becamex và TIC có thể làm với thành phố mới Bình Dương chỉ là đặt lòng tin vào tương lai.
Tại thành phố này có rất nhiều nhà cao tầng đang được xây dựng để bán cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hàng loạt những nhà xưởng, khu chế xuất, khu nhà ở và các công trình công cộng đúng nghĩa như một thành phố công nghiệp. Thứ mà thành phố mới Bình Dương thiếu nhất ở thời điểm hiện tại là Con Người. Nếu Becamex có muốn tìm cách hút người đến với Bình Dương thì họ cần phải thuyết phục được đến vài triệu người chứ không thể chỉ tập trung vào một số đối tượng dân cư nhỏ lẻ. Dân cư hiện tại ở thành phố mới Bình Dương được tính vào khoảng 2,5 triệu và Becamex dự định sẽ đẩy con số này lên 4 triệu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Becamex cũng đã xây dựng nhiều khu nhà ở, nơi làm việc dành cho các startup đến với Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn phải cân nhắc về việc có nên đẩy cả dự án của mình về thành phố nằm xa trung tâm Sài Gòn này không? Bởi hiện tại, nơi này vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Một con người cần nhiều dịch vụ đi kèm khác bên cạnh những thứ cơ bản như điện, nước, internet, thực phẩm...
Thế nhưng, đây không phải là một vấn đề quá khó khăn bởi ở với tầm của Becamex, họ có thể dễ dàng liên hệ với những siêu thị lớn trên toàn quốc và các nhà cung cấp dịch vụ khác để họ đặt chi nhánh tại thành phố mới Bình Dương. Tiếp đến là một hệ thống giao thông công cộng hoạt động trong nội thành và một tuyến đường cao tốc chạy thẳng từ Sài Gòn tới Bình Dương để mọi người có thể tự do di chuyển qua lại giữa hai nơi mà chỉ mất khoảng 45 phút. Hiện tại, lộ trình đến thành phố mới Bình Dương từ Sài Gòn vẫn còn nhiều trắc trở. Thế nhưng, nếu như hai mục tiêu chính kia được thực hiện thì nó sẽ trở thành một đô thị vệ tinh đúng nghĩa của Sài Gòn và trở thành trung khu công nghệ của Việt Nam.
Trở lại với bài toán lớn của vấn đề con người. Thứ mà thành phố mới Bình Dương có thể dùng để thu hút con người đến với nó là cơ hội việc làm, đối với các startup, đó là một môi trường làm việc lí tưởng và sự cố vấn từ TIC. Nếu như tất cả cùng đầu tư một chút lòng tin vào thành phố mới Bình Dương và cùng góp sức sống cho nó thì chỉ sau vài năm tới, Việt Nam sẽ có được một thành phố công nghệ với đầy cơ hội. Nếu không, Silicon Valley sẽ mãi chỉ là ước mơ xa vời của người Việt.