Tính năng chụp chân dung xoá phông trên smartphone mà chúng ta thường nghe đến hoạt động như thế nào?
Nếu so một chiếc điện thoại có khả năng xoá phông với máy ảnh chuyên nghiệp thì cái nào sẽ hơn? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.
Thế giới smartphone thời gian gần đây đang ngập tràn các sản phẩm trang bị camera kép, với khả năng tạo ra những bức ảnh chân dung xoá phông lung linh (hay còn gọi là "Portrait Mode") mà theo các nhà sản xuất cho rằng không hề thua kém máy ảnh. Vậy cơ chế hoạt động của tính năng này như thế nào? Hãy cùng xem phần phân tích dưới đây của Youtuber Marques Brownlee và đặc biệt hơn, anh còn đem cả iPhone X, Note8 cùng Pixel 2 để so sánh với chiếc máy ảnh chuyên nghiệp khổ Medium Format - Hasselblad X1D có trị giá hơn 180 triệu đồng.
Tính năng Portrait Mode trên smartphone hoạt động như thế nào?
Vì cảm biến hình ảnh trong điện thoại thường nhỏ trong khi trường nhìn (field of view) rất rộng, nên mọi thứ trong một bức ảnh được chụp ở chế độ thông thường trên điện thoại đều nằm trong vùng nét. Chế độ chụp ảnh chân dung sẽ mô phỏng lại trường ảnh nông (shallow depth of field) bằng cách xác định phần viền phân cách giữa chủ thể được lấy nét và lập bản đồ chiều sâu trường ảnh để phân biệt tiền cảnh cùng hậu cảnh trong ảnh. Sau đó, nó làm mờ phần hậu cảnh, giả lập lại trường ảnh nông và làm nổi tiền cảnh lên.
Theo Brownlee, iPhone X và Note8 sử dụng ống kính tele và ống kính góc rộng để lập bản đồ chiều sâu trường ảnh nhằm tìm ra những gì nằm ở tiền cảnh. Sau đó chúng được xử lý làm mờ tùy thuộc vào khoảng cách từ chúng đến đối tượng được lấy nét.
Với Pixel 2 thì cách tiếp cận hoàn toàn khác – sử dụng việc tách điểm ảnh để tạo nên bản đồ chiều sâu, kèm theo đó là tận dụng machine learning để hỗ trợ xác định chủ thể và tạo lớp mặt nạ cho chúng. Vì không dựa trên việc sử dụng hai ống kính như iPhone X và Note 8 nên nó cho phép sử dụng chế độ chụp chân dung với cả camera trước.
Brownlee nhận thấy kết quả hình ảnh từ các điện thoại là khác nhau. iPhone X dường như chỉ tập trung lấy nét khuôn mặt hơn tất cả mọi thứ khác nên thường dẫn đến việc tóc, tai bị mờ hoặc thậm chí cả những đối tượng có cùng mặt phẳng lấy nét trên khuôn mặt. Pixel 2 làm tốt hơn ở việc giữ lại toàn bộ đối tượng được lấy nét nhưng lại làm tăng cường độ nét phần tiền cảnh và làm mờ nhiều hơn với hậu cảnh. Điều này làm cho bức ảnh trông không được tự nhiên. Còn Note8 cho ra kết quả nằm ở giữa hai kết quả trên.
Khi chủ thể ở xa, những chiếc điện thoại sẽ chụp ở chế độ thông thường
Với các chủ thể không phải con người thì chế độ chụp ảnh chân dung cho ra kết quả kém hơn.
Brownlee cũng nói rằng các khả năng của phần mềm cũng như phần cứng cho máy ảnh trên smartphone đang phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các máy ảnh truyền thống. Các tính năng như tăng cường độ mờ cho hậu cảnh, giả lập ánh sáng nhân tạp giống như những gì iPhone X trang bị là những thứ mà máy ảnh truyền thống không có.
Khả năng bắt chước như một chiếc máy ảnh thực thụ của smartphone đang mỗi năm mỗi cải tiến, và với một con mắt nhìn nghiệp dư thì cũng rất khó để có thể phân biệt được. Với chu kỳ cập nhật smartphone không ngừng nghỉ như hiện nay thì hiệu năng chụp ảnh của chúng ngày càng đến gần ngưỡng của những chiếc máy ảnh Mirrorless hay DSLR.
"Tôi nghĩ rằng tôi và bạn sẽ luôn luôn có thể nói về sự khác biệt giữa điện thoại chụp ảnh và máy ảnh cảm biến lớn nếu như chúng ta là những pixel-peeper (những người chỉ quan tâm đến chất lượng hình ảnh bằng cách xem rõ từng pixel) vì sự giới hạn vật lý khi cảm biến nhỏ đã làm những việc lớn hơn khả năng của nó", Brownlee nhận xét. "Vì lý do đó, những chiếc máy ảnh sẽ luôn có chỗ đứng của nó, dành cho những người chuyên nghiệp sử dụng. Trong khi đó những smartphone cũng nhận được phản hồi rất tốt"
"Chiếc máy ảnh tốt nhất thực ra vẫn chính là chiếc máy ảnh mà bạn đang sở hữu", Brownlee cho biết.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming