Tốc độ internet Mỹ chậm chạp: Do độc quyền nhóm viễn thông

    PV,  

    ICTnews - Làm sao một quốc gia được xem là nơi đã sáng tạo ra Internet – và là quê hương của những công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft, Netflix, Facebook, Google, và Cisco – lại đứng sau nhiều nước như vậy về tốc độ của Internet.

    Theo một nghiên cứu gần đây của hãng chuyên thử nghiệm tốc độ Internet Ookla, Mỹ xếp thứ 31 trên thế giới về tốc độ tải xuống trung bình của đường truyền Internet. Theo đánh giá của các trang CNTT thế giới, đây là một thứ hạng gây sốc cho nhiều người dân Mỹ. Những quốc gia có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới là Hong Kong với tốc độ 72,49 Mbps và Singapore là 58,84 Mbps. Trong khi đó, tốc độ trung bình của Internet tại Mỹ là 20,77 Mbps, sau cả các quốc gia như Estonia, Hungary, Slovakia, và Uruguay.

    Tốc độ tải lên (upload) của Internet tại Mỹ thậm chí còn tệ hơn. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, Mỹ đứng thứ 42 về tốc độ tải lên, với tốc độ chỉ đạt 6,31 Mbps, sau Lesotho, Belarus, Slovenia, và nhiều nước khác thậm chí rất xa lạ với nhiều người.

    Thị trường độc quyền khiến các công ty Internet không có nhiều động lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng

    Thị trường độc quyền khiến các công ty Internet không có nhiều động lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng

    Theo ý kiến của Susan Crawford, người từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Obama về lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo, “các công ty viễn thông lớn của Mỹ” như Comcast, Time Warner, Verizon, và AT&T đã “phân chia thị trường và đặt họ vào những vị trí không ai có thể cạnh tranh”.

    Trang The Week cho rằng, Luật Viễn thông năm 1996 của Mỹ ra đời nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường Internet, nhưng lại cho phép các công ty cáp và các hãng viễn thông chỉ đơn giản là phân chia thị trường và hợp nhất cách kinh doanh độc quyền, cho phép họ tính phí người dùng ngày càng cao mà không đầu tư vào cơ sở hạ tầng Internet, đặc biệt là các kết nối cáp quang thế hệ mới đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Các kết nối cáp quang mang lại tốc độ Internet rất cạnh tranh. Mặc dù chi phí xây dựng cáp quang đắt đỏ, song chúng mang lại các kết nối nhanh hơn và mượt hơn so với các kết nối dây đồng truyền thống. Nhưng hãng Verizon đã ngừng xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang vào năm 2010 – với lý do là chi phí cao.

    Trao đổi với hãng tin BBC, Crawford nói rằng “nước Mỹ đã bãi bỏ quy định về Internet tốc độ cao cách đây 10 năm và kể từ đó thị trường đã chứng kiến sự độc quyền, các công ty cung cấp dịch vụ Internet hầu như không hề phải đối mặt với sự cạnh tranh hay giám sát nào”.

    Nếu thị trường trở nên độc quyền, không có gì thúc đẩy các nhà độc quyền đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay cải thiện dịch vụ. Tất nhiên, thị trường internet Mỹ cũng xuất hiện thêm hãng cạnh tranh mới như Google Fiber, các công ty viễn thông buộc phải cắt giảm giá cả và cải thiện dịch vụ. Song những cạnh tranh đó vẫn chưa phổ biến. Và hiện nay một nhà cạnh tranh mới bước vào thị trường viễn thông Mỹ sẽ gặp phải nhiều rào cản. Việc xây mới dây đồng hay cáp quang đều đắt đỏ, và nếu các công ty lớn trên thị trường không cho phép những hãng mới tiếp cận cơ sở hạ tầng của họ, các hãng cạnh tranh mới khó kinh doanh trên thị trường.

    Trong khi đó, các quốc gia khác đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo thị trường luôn cởi mở với cạnh tranh. Một nghiên cứu năm 2006 so sánh thị trường băng rộng Mỹ và Hàn Quốc đã có những kết luận đáng chú ý. Theo đó, thị trường Hàn Quốc có thể phát triển nhanh nhờ sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, chủ yếu nhờ các chính sách cởi mở của chính phủ, nhiều lựa chọn ưu ái cho những hãng mới gia nhập thị trường.

    Ý tưởng về một thị trường được điều tiết để vận hành hiệu quả hơn, thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ hơn có thể xa lạ với những tư tưởng thị trường tự do, nhưng viễn thông và Internet là lĩnh vực cần được quản lý để tránh dẫn tới độc quyền.

    Chính quyền Obama đang cố gắng giải quyết vấn đề của thị trường Internet Mỹ bằng cách xây dựng các mạng lưới không dây để cung cấp Internet 4G tốc độ cao. Tuy nhiên, liệu khoản đầu tư công này có thực sự hiệu quả, mang lại sự cạnh tranh cho thị trường độc quyền hay không, và liệu nó có khiến các công ty tư nhân đang có lợi nhuận cao như Time Warner và Comcast cải thiện dịch vụ hay không vẫn còn phải chờ thời gian trả lời.

    Vì thế, hiện nay rất nhiều người, trong đó có Crawford và những người khác – đang kêu gọi chính phủ quản lý mạnh tay hơn thị trường hiện tại. Họ cho rằng những gì nước Mỹ cần là một chính sách cạnh tranh mới đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu, học theo những gì mà các nước khác đã làm.

    Theo Ictnews.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ