Tôi chúa ghét USB Type-C trong khi mấy cậu bạn lúc nào cũng thèm khát

    Yến Thanh,  

    Hãy hiểu cho thật đúng, dùng thiết bị có USB Type-C chưa chắc đã sướng như bạn tưởng tượng.

    Không phải RAM, vi xử lý, GPU, pin hay sạc nhanh, bản thân tôi nhìn nhận, cổng USB Type-C mới chính là xu hướng nổi bật của làng di động năm nay. Tại sao ư? Nói một cách có phần khiếm nhã, USB Type-C chẳng khác nào cú móc họng mà các nhà sản xuất Android dành cho Apple.

    Xưa nay nhà Táo và cả người dùng iOS đều tự hào rằng, cáp sạc Lightning của họ tỏ ra tiện dụng hơn hẳn microUSB trên Android. Tôi không phủ nhận điều đó. Nhưng rõ là kể từ khi USB Type-C được công bố, fan Android đã có cái để vênh mặt lại với fan Táo. Tuy nhiên, hãy đừng vội vui.

     Apple có cáp Lightning, giờ tới lượt smartphone Android có USB Type-C

    Apple có cáp Lightning, giờ tới lượt smartphone Android có USB Type-C

    Hãy hiểu cho đúng về USB Type-C trước khi ngày nhớ đêm mong chuẩn mới này

    Về cơ bản, USB Type-C là một chuẩn USB mới với đầu jack kết nối có thể cắm cả 2 mặt. Điều này đồng nghĩa, chúng ta sẽ không cần phân biệt mặt trước, mặt sau như những cổng USB trước đây. Bên cạnh đó, kích thước đầu kết nối của USB Type-C nhỏ gọn hơn so với Type-A truyền thống.

    Cứ tưởng tượng, vào một đêm trời tối nhá nhem, chúng ta sực nhớ là chưa sạc pin cho điện thoại. Phần vì trời tối, phần vì lười không chịu bật đèn nên cắm mãi chả được. Đó chính là lúc USB Type-C phát huy tác dụng, tìm thấy cổng sạc là cắm vô tư, chẳng cần quan tâm trước sau làm gì.

    Thế nhưng, cũng đừng lầm tưởng về Type-C. Nhiều cậu bạn của tôi tin rằng, USB Type-C sẽ giúp smartphone sạc pin nhanh hơn so với các chuẩn USB hiện tại. Đây là quan nhiệm hết sức sai lầm. Trên thực tế, chuẩn USB Type-C chỉ liên quan tới câu chuyện thiết kế vật lý của đầu kết nối đó.

    Để có tốc độ sạc pin nhanh hơn, chúng ta vẫn cần tới sự tương thích giữa chuẩn USB Type-C và các chip quản lý dòng điện sạc di động. Nếu không tin, bạn có thể thử sạc pin bằng cáp USB Type-C trên smartphone OnePlus 2. Nó thậm chí còn chậm hơn các dây Type-A có sạc nhanh Quick Charge.

    Bên cạnh đó, sử dụng USB Type-C cũng không thể khiến việc truyền tải dữ liệu trên smartphone nhanh hơn. Hãy hiểu rằng, USB Type-A, USB Type-B hay USB Type-C là cách để các nhà sản xuất phân biệt về chuẩn của đầu kết nối. Tốc độ truyền tải phải phụ thuộc vào chuẩn USB 2.0, USB 3.0 hay USB 3.1.

    Ví dụ, cáp USB Type-C 3.1 của Macbook 12 inch sẽ đạt mức tối đa 10Gbps (gigabits/giây), gấp đôi so với tốc độ của USB 3.0 hiện nay. Thế nhưng, cùng là USB Type-C, cáp chính hãng của OnePlus 2 chỉ đạt chuẩn USB 2.0, nên tốc độ truyền tải thực tế sẽ chậm hơn rất nhiều lần.

     Chất lượng cáp sạc USB Type-C là nỗi lo lớn nhất hiện nay

    Chất lượng cáp sạc USB Type-C là nỗi lo lớn nhất hiện nay

    Nhưng đây mới là lý do thực sự khiến tôi chúa ghét USB Type-C

    Nỗi đau nào cũng cần sự tích tụ lâu ngày. Cá nhân tôi có thể chỉ ra cho bạn ít nhất 3 điểm chưa vừa ý với USB Type-C. Đầu tiên, nếu có đãng trí lỡ quên dây cáp microUSB khi đi ra ngoài, đi du lịch, hoặc đi công tác xa, chúng ta có thể hoàn toàn mượn cáp sạc của những người xung quanh.

    Thế nhưng, nếu quên cáp USB Type-C, coi như là bạn tiêu. Vì 10 người dùng smartphone quanh tôi, chưa tới 1 người sử dụng cáp USB Type-C. Tất nhiên, sẽ có nhiều bạn cho rằng, tại sao không sắm thêm một dây sạc USB Type-C dự phòng, bỏ trong balo, túi xách luôn mang theo bên mình?

    Đây là lý do thứ hai. Mặc dù thị trường Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện nhiều chủng loại USB Type-C, nhưng chưa thực sự có thương hiệu nào đủ khiến chúng ta tin tưởng được. Còn trông chờ vào cáp USB Type-C chính hãng ư? Chưa có đâu nhé, cáp chính hãng luôn khan hiếm, và giá cũng rất cao nữa.

    Gần đây nhất, chính kỹ sư của Google là Benson Leung cũng từng đưa ra những cảnh báo về loạt USB Type-C giá rẻ có thể làm hỏng laptop, smartphone của người dùng. Mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là cáp trôi nổi, kém chất lượng, không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

    Cuối cùng là vấn đề gây lãng phí. Bạn có thể chê tôi tằn tiện, nhưng rõ ràng, nếu chuyển sang các smartphone hỗ trợ chuẩn USB Type-C mới, tôi sẽ phải chia tay hàng loạt những cáp sạc tại nhà. Bản thân tôi cho rằng, đây là một sự lãng phí, không chỉ liên quan tới tiền bạc, mà đó còn là tình cảm.

    Gắn bó với một thứ gì đó quá lâu sẽ khiến người ta lưu luyến khi phải chia tay. Điều này đúng với lố cáp microUSB đủ màu ở nhà tôi. Tất nhiên, chúng ta cũng có giải pháp là sử dụng thêm các cổng chuyển đổi. Khi đó, câu chuyện sẽ trở lại với lý do thứ 2: quá nguy hiểm.

     LG G5 là một trong số ít các smartphone hỗ trợ USB Type-C có sạc nhanh Quick Charge

    LG G5 là một trong số ít các smartphone hỗ trợ USB Type-C có sạc nhanh Quick Charge

    Tôi ghét em cũng vì tôi yêu em quá nhiều...

    Sự thật là tôi rất yêu thích chiếc LG G5. Nhưng rào cản lớn nhất khiến tôi không dám hạ quyết tâm bỏ ra khoảng 15 triệu đồng cho một chiếc G5 xách tay là bởi vấn đề cáp USB Type-C. Trong khi máy chính hãng chưa xuất hiện tại Việt Nam, tôi thật chẳng dám mạo hiểm với cả cục tiền kia.

    Vốn các smartphone của LG đã khá nhạy với cáp sạc không chính hãng, cộng thêm cáp USB Type-C bán ra tại Việt Nam hầu hết là không có tổ chức nào chứng nhận, ai dám chắc rằng, một ngày kia chiếc LG G5 không ngỏm củ tỏi vì lý do cáp USB Type-C rởm lãng nhách.

    Tôi không phủ nhận, cáp USB Type-C mới có thiết kế 2 mặt tiện dụng, nếu tích hợp thêm công nghệ Quick Charge - sạc nhanh lại càng hay. Nhưng có lẽ, USB Type-C là kết nối dành cho tương lai, thời điểm mà hầu hết các nhà sản xuất, smartphone đã nâng cấp lên chuẩn USB mới.

    Bằng không, việc sử dụng smartphone có hỗ trợ USB Type-C chỉ đảm bảo về mặt hình thức, thỏa mãn cơn thèm khát dùng đồ công nghệ mới bấy lâu. Còn chất lượng ư? Tới lúc smartphone USB Type-C gặp sự cố hàng loạt tại Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm nhiều chuyện để chia sẻ với nhau hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ