Top 8 di động không xấu xí nhưng thích gây sự chú ý

    PV, Minh Nhi 

    Trong 1 năm trở lại đây, mỗi chú dế là một câu chuyện riêng nhưng đều có chung đặc điểm: gây ầm ĩ và tốn nhiều giấy mực của báo giới làng smartphone.

    PlayStation Phone: Dế của tin đồn
     
    Chẳng phải ngẫu nhiên mà chú dế do Sony Ericsson thiết kế này lại nhận được danh hiệu “dế của năm” do nhiều tạp chí công nghệ tên tuổi trên thế giới bình chọn. Sự nổi tiếng của PlayStation Phone không phải tập trung ở đường nét thiết kế, tính năng độc nhất hay sở hữu công nghệ nào đó… mà là những tin đồn xoay xung quanh sản phẩm.
     
     
    Lần lượt những nguồn tin thân cận với Sony cho hay: sản phẩm mang âm hưởng máy chơi game cầm tay PSP nổi tiếng, không hỗ trợ game PSP, không chạy Android rồi lại hoạt động trên nền tảng Android 2.3 Gingerbread… cứ xôn xao dư luận hết ngày này đến ngày khác. Trong khi đó, phía Sony không hề đưa ra bất cứ một bình luận nào khiến dân tình lại được một phen đoán già đoán non thả cửa.
     
     
    Mới đây nhất, chú dế trên lại làm “nhiễu sóng” các tín đồ mobile khi có tin cho rằng PlayStation Phone sẽ được đổi tên thành Sony Xperia Play và ra mắt vào tháng 4. Cách đây vài ngày, lại có nguồn tin tiết lộ dế trên sẽ được giới thiệu vào ngày 27/2 tới đây. Thật chẳng biết thật giả thế nào?!
     
    iPhone 4: Dế nóng nhất
     
    Sẽ thật là thiếu sót nếu như không nhắc đến siêu phẩm kinh điển này của Apple trong danh sách những chú dế ồn ào nhất của năm. Kể từ khi chưa ra đời, iPhone 4 đã được báo giới công nghệ để ý và “chăm sóc” kỹ lưỡng. Các thông tin xung quanh dế mang họ “Táo” liên tục tràn ngập các trang web và trở thành đề tài bình luận sôi nổi cho các tín đồ công nghệ.
     
     
    Những sự cố lộ hàng do nhân viên Apple để quên ở quán bar, xuất hiện ở Việt Nam… đã khiến iPhone 4 trở thành tâm điểm suốt mùa hè nóng nực vừa qua. Tiếp sau đó, khi được ra mắt thì chiếc smartphone trên lại dính phải lỗi ăng-ten gây bức xúc cho một bộ phận người sử dụng. Sự cố này chưa qua thì thông tin Apple ngừng sản xuất model mới lại càng làm điên đảo giới công nghệ.
     
     
    Tiếp đến, phiên bản màu trắng của iPhone 4 được mong chờ nhất trong năm cứ liên tục bị Quả táo “dìm hàng” mãi không cho xuất hiện là người tiêu dùng chỉ biết chờ đợi trong tuyệt vọng. Tất cả những điều trên hoàn toàn có thể đem về danh hiệu “Dế nóng nhất của năm” dành cho iPhone 4.
     
    Meizu M9: Smartphone số 1 tại Trung Quốc
     
    Ngay khi Apple lựa chọn cách thức phân phối nhỏ giọt iPhone 4 tại thị trường Trung Quốc thì các nhà phát triển điện thoại tại tập đoàn Meizu đã chớp thời cơ và cho ra mắt chiếc smartphone Meiz M9. Sản phẩm này được quảng cáo sẽ là kẻ “gieo giắt sự chết chóc cho iPhone tại Đại lục” và đã đạt được những thành công đáng kể.
     
     
    Về cấu hình, Meizu M9 sử dụng CPU S5PC110 Cortex - A8 tốc độ 1GHz. Đây là loại chip hiện đang được dùng trong các dòng sản phẩm đỉnh cao của Samsung. Bên cạnh đó, thiết bị sở hữu màn hình rộng 3,5 inch với độ phân giải 960 x 640 pixel, bộ nhớ trong 8GB hoặc 16GB, camera 5 Megapixel, hỗ trợ ghi video HD 720p. Máy có thể hiện thị ở không gian ít ánh sáng mà không gây chói mắt.
     
     
    Với giá thành dễ thở, Meizu M9 đã được săn đón khủng khiếp ở thị trường đông dân nhất thế giới. Hàng nghìn người đứng xếp hàng trên những cửa hiệu phân phối chiếc điện thoại này. Đám đông thậm chí còn nán lại vài tiếng đồng hồ sau khi cửa hàng thông báo đã phân phối hết kho hàng. Hiếm thấy một chiếc smartphone nào có được sức hút mạnh mẽ tại Trung Quốc đến như vậy.
     
    Nexus One: Nỗi thất vọng mang tên Google
     
    Đây là sản phẩm đánh dấu bước tiếp cận của Google vào thế giới di động đầy màu sắc mà cũng lắm khốc liệt. Tuy nhiên, Nexus One lại là một trong những sản phẩm mà ông trùm tìm kiếm trên mạng muốn quên đi nhanh nhất trong năm vừa qua. Giới thiệu ồn ã, khuấy động cả thế giới công nghệ với sự tự tin rằng sản phẩm nào đóng mác “Google” cũng đều thân thiện và thành công, nhưng Nexus One đã cho thấy điều ngược lại.
     
     
     
    Những sai lầm chiến lược trong khâu chuẩn bị, marketing, quảng bá đã khiến Nexus phải chịu quả đắng ngay lập tức. Chỉ tồn tại được khoảng nửa năm, Google đã buộc phải khai tử đứa con yêu dấu mà đen đủi của mình vào ngày 16/7/2010. Đây là dấu chấm hết cho một thiết bị vốn được quảng quá sẽ là “sát thủ của iPhone”.
     
    Microsoft Kin: Dế chết nhanh nhất lịch sử
     
     
    “Ồn ã” khi ra đời và “lặng lẽ” khi ra đi là những cụm từ chính xác nhất để miêu tả về chú dế chết yểu nhất trong lịch sử điện thoại di động: Microsoft Kin. Theo quảng cáo, chiếc smartphone này ra đời với mục đích tạo một phong cách thiết kế mới và phân khúc khách hàng trong độ tuổi teen. Nhưng khách hàng gặp nhiều trở ngại khi không thể chạy ứng dụng bên thứ 3, không thể cài đặt phần mềm đã khiến chẳng mấy bạn trẻ mặn mà.
     
     
    Sau đúng 48 ngày lên kệ, những model vuông vắn này đã thoái trào và những ai sở hữu Kin hoặc sẽ là người may mắn sở hữu sản phẩm hiếm, hoặc là người rủi ro vì mua phải sản phẩm bị ruồng bỏ. Thậm chí, chú dế trên còn chưa kịp “bay” tới châu Âu. Không những vậy, suốt cả năm qua, Kin cùng với Vista luôn bị đem ra chế giễu bộ mặt của Microsoft.
     
    Nokia N8: Đẳng cấp dế xịn
     
    Xuất thân từ gia đình sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới, N8 mang trong mình dòng máu quý phái ngay từ khi chưa ra đời. Hàng núi thông tin được đăng tải liên tục trong những ngày Nokia thai nghén đứa con tinh thần đã đủ cho thấy sức nóng hừng hực của sản phẩm này lớn đến thế nào.
     
    Trong đó, nổi bật nhất là vụ lộ hàng liên tục trên trang Mobile-Review trong suốt vài kỳ ccủa tờ báo. N8 cũng chẳng ngại ngần khi bị đem ra so sánh với iPhone 4, thậm chí còn cho người cho rằng siêu dế của Nokia ăn đứt về khoản thân thiện với người dùng không không “chảnh” như sản phẩm bên Quả táo.
     
     
    Nokia N8 sở hữu một màn hình 3.5 inch rộng rãi, cho phép làm việc tốt mà không gặp phải bất cứ khó khăn nào về không gian giao tiếp. Màn hình AMOLED công nghệ CBD (Clear Black Display) cho phép chú dế hiển thị hình ảnh rõ nét đến từng chi tiết, cảm giác điều khiển màn hình cảm ứng đa điểm chẳng có gì phải phàn nàn.
     
     
    Không những vậy, model này còn là địa điểm lý tưởng để cho người dùng thỏa sức thể hiện tài nghệ chơi game của mình. N8 được trang bị công nghệ đồ họa hỗ trợ hiển thị 3D tiên tiến, có thể chạy hình mượt mà ở mức 60 hình/giây - tốc độ lý tưởng với các game mobile. Thêm vào đó, chiến binh Nokia N8 còn được đầu tư camera 12 megapixel với đèn flash Xenon cùng nhiều tính năng chụp hình tiên tiến khác.
     
    Stuart Hughes iPhone 4 Diamond Rose Edition: Dế dành cho tỷ phú
     
    Không tốn 1 xu quảng bá nhưng chú dế được mạ… kim cương này vẫn trở thành một trong những điểm nhấn đáng kể của làng di động 2010. Người sở hữu “siêu dế của siêu dế” trên là Tony Sage, một ông chủ hoạt động trong ngành khai thác vàng. Cái giá được Tony đưa ra cho Stuart Hughes chỉ khiêm tốn dừng lại ở 8 triệu USD (xấp xỉ 160 tỉ đồng).
     
     
    Xung quanh thân máy và miếng bọc sau của smartphone đã được trang trí bằng những kim cương 100 carat hoàn mỹ. Biểu tượng Apple thì được độ từ 53 viên kim cương khác. Nút Home được chăm sóc tốt nhất với nguyên liệu bạch kim và 1 viên kim cương màu hồng 7,4 carat độc nhất vô nhị.
     
     
    Ngoài ra, chiếc hộp đựng sang trọng cũng được trang điểm 1 viên kim cương 8 carat hoàn mỹ để gắn tại vị trí của viên kim cương hồng nguyên bản. Thật chẳng quá khi đây được coi là chú dế đắt nhất hành tinh, và việc nhận được nhiều sự chú ý của thế giới công nghệ cũng là điều dễ hiểu.
     
    Motorola Droid 2: Mang trong mình "sứ mạng cảm tử"
     
     
    Khi năm 2010 chuẩn bị qua đi thì Motorola lại đón nhận một tin dữ: dế Droid 2 mà họ quen gọi là siêu đỉnh đã phát nổ trong khi đang nghe gọi. Aron Embry là chủ nhân của chiếc điện thoại “khủng bố người dùng” trên. Ngay sau đó, anh đã phải nhập viện để điều trị vết thương ở tai do vụ nổ gây nên, để mặc lại Droid 2 và những lời công kích mạnh mẽ của báo giới. Đại diện của Motorola đã chính thức lên tiếng sẽ điều tra rõ vụ việc trên. Kết quả giám định được đưa ra vài ngày sau đó với nguyên nhân là do lỗi người dùng.
     
    Motorola cho biết: "Mặc dù bề mặt kính bên ngoài bị vỡ, nhưng chúng tôi khẳng định rằng chiếc điện thoại không phải quá nóng hoặc phát nổ". Các chuyên gia về kính của công ty xác định, chỗ bị vỡ trên kính là do tác động của một lực từ bên ngoài lên điện thoại. Tuy vậy, hãng không cho biết lực tác động trên là lực nào. Những người có kinh nghiệm về điện thoại cho rằng, anh Embry làm rơi chiếc Motorola Droid 2.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày