Tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh danh giá, 2 vị cử nhân bị cười chê vì đi bán thịt lợn giờ đã trở thành tỷ phú
Cứ tưởng rằng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh và việc bán thịt lợn ngoài chợ hoàn toàn chẳng liên quan gì đến nhau, vậy mà 2 cựu sinh viên của ngôi trường danh giá này lại làm nên điều kỳ diệu khi lập nghiệp thành công, thậm chí còn trở thành tỷ phú nhờ công việc vất vả vốn bị coi là dành cho người ít học ấy.
Mỗi lần nhắc đến các trường Đại học danh tiếng tại châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng, chắc hẳn người ta sẽ nghĩ ngay đến trường Đại học Bắc Kinh - hay gọi tắt là Bắc Đại, ngôi trường nằm ở thủ đô của quốc gia đông dân nhất thế giới với bề dày hơn 100 năm lịch sử cùng vô số thành tích đáng tự hào.
Có lẽ vì vậy mà ai nấy đều nghĩ rằng, các nhân tài từng tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh nếu không sớm ra nước ngoài tu nghiệp rồi đảm nhận chức vụ quan trọng trong một công ty lớn nào đó thì sớm muộn cũng sẽ trở thành những nhân vật tầm cỡ, có tiếng nói trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh vô số cử nhân từng khiến danh tiếng của Bắc Đại ngày càng bay cao bay xa ra, cũng có những người lại bị coi là "vết nhơ", bị dè bỉu vì trót "làm xấu mặt trường cũ". Trong số đó, không thể không kể đến cặp đôi đại gia đi lên từ việc bán thịt lợn là Lục Bộ Hiên và Trần Sinh - những cựu sinh viên Bắc Đại từng bị chối bỏ.
Trần Sinh, sinh năm 1962 tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Không chỉ xuất sắc tốt nghiệp khoa Kinh tế - trường Đại học Bắc Kinh vào năm 1984, ông còn giành được tấm bằng EMBA của trường Đại học Thanh Hoa - trường Đại học hàng đầu Trung Quốc bên cạnh Bắc Đại. (EMBA là chương trình MBA (tên viết tắt của chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh) được thiết kế dành riêng và phù hợp cho các nhà quản lý cấp cao là những người có kinh nghiệm chuyên môn vững chắc.)
Trần Sinh từng làm việc tại Văn phòng Tổng cục thành phố Quảng Châu, Uỷ ban Kinh tế thành phố Trạm Giang. Tuy nhiên sau đó, đến năm 1990, ông xin nghỉ việc và bươn chải kiếm sống bằng cách buôn bán đủ thứ.
Đến cuối cùng, khi đã trải qua bao sóng gió chốn thương trường, Trần Sinh lựa chọn đi bán thịt lợn. Chỉ sau 2 năm, vị cử nhân của ngôi trường Bắc Đại danh tiếng đã là chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng bán thịt lợn với hơn 100 chi nhánh trên khắp thành phố Quảng Châu và được mệnh danh là "ông hoàng thịt lợn".
Là đàn em khoá dưới của Trần Sinh, cựu sinh viên khoa Trung Văn của trường Bắc Đại, Lục Bộ Hiên cũng lựa chọn làm giàu bằng cách bán thịt lợn.
Sinh năm 1966 tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ông Lục Bộ Hiên tốt nghiệp trường Đại học Bắc Kinh vào năm 1989. Sau một thời gian làm việc trong cơ quan nhà nước, ông Lục Bộ Hiên quyết định xin từ chức để bắt đầu gây dựng sự nghiệp theo hướng riêng của mình. Và chẳng ai có thể ngờ được rằng một vị cử nhân như ông lại có ngày trở thành người bán thịt lợn giữa những khu chợ dân sinh với biệt danh "ông chủ hàng thịt kính cận".
Năm 2003, cái tên Lục Bộ Hiên bỗng trở nên nổi như cồn khắp đất nước Trung Quốc rộng lớn nhờ một bài phỏng vấn "cựu sinh viên Bắc Đại đi bán thịt lợn". Khi ấy, nhiều người cho rằng ông làm vậy là lãng phí tài nguyên quốc gia và "bôi gio trát trấu vào cái tên Bắc Đại", nhưng bất chấp tất cả, ông vẫn kiên trì bước trên con đường sự nghiệp mà mình đã lựa chọn. Tuy nhiên, Lục Bộ Hiên tự ý thức được rằng công việc mình làm khá "mất mặt trường cũ", nên suốt 15 năm sau khi tốt nghiệp, ông không dám quay về thăm trường dù chỉ một lần.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như Lục Bộ Hiên, người đàn ông sống giữa thị phi Trần Sinh chọn cách lặng lẽ phát triển sự nghiệp bị người đời coi thường của mình. Ông đã từng bước biến công việc bán thịt lợn chẳng được ai coi trọng thành một công ty lớn có lượng giao dịch bình quân lên tới cả tỷ tệ.
Nhiều năm trước, cả Trần Sinh lẫn Lục Bộ Hiên đều được coi là những "vết nhơ" của Bắc Đại và là cái tên khiến cho nhiều cựu sinh viên của trường không bao giờ muốn nhắc đến. Thế nhưng, với sự nỗ lực vượt bậc cùng bộ óc thiên tài, 2 người đàn ông ấy giờ đã trở thành niềm tự hào của Bắc Đại và giúp ngôi trường thân yêu của mình thêm lần nữa "toả sáng".
Có lẽ rất khó để hình dung được hết những nỗi gian nan, vất vả mà họ đã phải trải qua để có thể vững tin đi từ giai đoạn "làm mất mặt trường cũ" cho đến "làm rạng danh trường cũ" với khối tài sản lên đến 10 tỷ tệ mỗi người như ngày hôm nay.
Lục Bộ Hiên quen biết đàn anh Trần Sinh vào tháng 5/2008 trong một lần tới thành phố Quảng Châu. Đến tháng 8/2009, Trần Sinh trịnh trọng mời Lục Bộ Hiên đến Quảng Châu cùng mình gây dựng "trường học bán thịt". Hai cựu sinh viên Bắc Đại nhanh chóng bắt tay hợp tác, Trần Sinh bỏ vốn xây dựng cơ sở vật chất, còn Lục Bộ Hiên nhận nhiệm vụ soạn giáo trình và giảng dạy. Đây là ngôi trường độc nhất vô nhị tại Trung Quốc xây dựng chương trình học tập về thịt lợn.
Ngày 11/4/2013, cũng là 24 năm sau ngày tốt nghiệp, Lục Bộ Hiên được mời về Đại học Bắc Kinh diễn thuyết trong chương trình hướng nghiệp dành cho sinh viên khóa dưới. Ông đứng trên bục cao, dõng dạc tuyên bố với các lớp đàn em rằng: "Tôi là vết nhơ của trường cũ, khiến người khác phải mất mặt và là một ví dụ tiêu cực."
Bài thuyết trình của người lập nghiệp khác biệt như ông đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận Trung Quốc. Khi xưa người ta chê bai, dè bỉu ông bao nhiêu thì nay lại kính trọng và ngưỡng mộ ông bấy nhiêu.
Cùng xuất hiện trong buổi thuyết trình ngày hôm ấy với Lục Bộ Hiên còn có người bạn cùng chí hướng Trần Sinh. Người đàn ông từng trải qua bao thăng trầm ấy mở đầu bài phát biểu hết sức tự nhiên: "Diễn viên không chỉ có toàn người đẹp đẽ, mà vẫn còn đó những người xấu xí đấy thôi. Tương tự như vậy, chúng tôi chính là những vai diễn xấu của Bắc Đại. Chúng tôi không tự sát, không xuất ngoại, vì thế chúng tôi là nhân vật chính diện." (Không tự sát: ý chỉ việc các nhân tài vì quá thất vọng với hiện thực xã hội dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, hoặc thậm chí là tự sát; Không xuất ngoại: nhân tài không ra nước ngoài học tập và định cư dẫn đến tình trạng "chảy máu chất xám".)
6 chữ vàng "không tự sát, không xuất ngoại" của Trần Sinh đã khiến cho đám đông phía dưới phải trầm trồ thán phục mãi không thôi. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, khi đã làm bất cứ việc gì cũng đều phải làm theo một cách thật đặc biệt, cho dù là bán thịt lợn đi chăng nữa. Và quả thật, ông đã "bán thịt lợn tới tận Bắc Đại", đồng thời làm nên bao điều kỳ diệu khiến cho người ta phải ngỡ ngàng.
Trần Sinh chia sẻ, năm 1984, lúc mới tốt nghiệp Đại học, ông nhanh chóng được nhận vào làm việc trong một cơ quan nhà nước với mức lương 86 tệ (tương đương 295 nghìn đồng - tính theo tỷ giá hiện tại)/tháng. Trong khi đó, anh trai của ông bán thịt gà ở một khu chợ gần bến tàu lại có thể kiếm được tới 50 tệ (tương đương 171 nghìn đồng)/ngày. Trần Sinh đã trăn trở rất nhiều, khi ấy ông chỉ ao ước có một chiếc xe đạp cà tàng làm phương tiện di chuyển, thay vì phải đau đầu suy nghĩ xem hôm nay nên mua vé xe buýt mức giá 5 xu (tương đương 171 đồng) hay 6 xu (tương đương 200 đồng). Cuộc sống khó khăn như vậy thì tốt nghiệp Bắc Đại cũng có thay đổi được gì?
Đến năm 1990, Trần Sinh quyết định xin thôi việc để tự ra ngoài kinh doanh riêng. Ông đã thử sản xuất rượu rồi bán nước giải khát nhưng chưa tìm được hướng đi phù hợp. Sau đó, Trần Sinh dự định kinh doanh thịt gà. Tuy nhiên, đúng lúc này lại phát sinh dịch cúm gia cầm khiến cho ông phải thay đổi suy nghĩ.
Năm 2006, trong một lần đi dạo trong chợ, Trần Sinh bỗng phát hiện ra rằng thịt gà được bày bán có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng (như thịt gà Trạm Giang, thịt gà Thanh Viễn, thịt gà Dương Giang...), nhưng thịt lợn thì lại tuyệt nhiên không. Trong khi đó, người Trung Quốc tiêu thụ thịt lợn với số lượng khổng lồ, lên đến 50 triệu tấn/năm. Trần Sinh nhẩm tính, với mức giá trung bình là 20 tệ (tương đương 69 nghìn đồng)/kg thì lợi nhuận thu được từ công việc này chắc hẳn sẽ rất cao.
Bởi vậy, trong đầu ông bắt đầu hình thành nên một thương hiệu thịt lợn với chất lượng tầm cao và tầm trung. Bên cạnh đó, ông cũng nuôi tham vọng sẽ tạo nên trật tự mới trong ngành công nghiệp thịt lợn ở quê hương của mình.
Ngay trong năm ấy, Trần Sinh nhanh chóng bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi lợn ở Trạm Giang và Quảng Tây. Đến năm 2007, ông bắt đầu công cuộc bán thịt lợn đầy huy hoàng của mình.
Không giống với các tiểu thương buôn bán thịt lợn khác, Trần Sinh vạch ra phương châm kinh doanh vô cùng khoa học của riêng ông. Ông luôn đề cao chất lượng sản phẩm, nhưng cũng không quên áp dụng chính sách giá rẻ, có lẽ bởi vậy mà thịt lợn của ông đã dần có được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Hiện tại, Trần Sinh không còn là "người xấu" nữa, thay vào đó, ông đã trở thành thần tượng của giới trẻ - những con người luôn khao khát lập nghiệp trên con đường riêng.
Câu chuyện về 2 cựu sinh viên Bắc Đại đi bán thịt lợn từng gây ra bao cuộc tranh cãi nảy lửa về cái danh hão và công cuộc mưu sinh năm nào đến nay đã được truyền tụng khắp muôn nơi với chủ đề: Cựu sinh viên Bắc Đại đi mổ lợn, tài sản hơn 10 tỷ tệ.
Nhiều người cho rằng, công việc buôn bán thịt lợn chỉ dành cho những người nông dân nghèo hoặc những người ít học, không có cơ hội lập nghiệp đổi đời. Tuy nhiên, với những nhân tài sở hữu trí óc siêu việt hơn người, họ hoàn toàn có khả năng biến điều không tưởng thành hiện thực.
Có thể do họ thông minh nhanh nhạy hơn người, cũng có thể do may mắn mỉm cười với họ, nhưng bất luận thế nào, sự kiên trì cố gắng vẫn luôn là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Thế nên, thất bại hay thất nghiệp tạm thời nào có gì đáng sợ, quan trọng là người ta vẫn còn đam mê và ước vọng thì ngại gì việc cầm tấm bằng cử nhân Đại học loại ưu về quê trồng rau nuôi lợn đâu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín