TP HCM bắt đầu thử nghiệm phương tiện tự hành
Việc thí điểm máy bay không người lái, xe tự hành tại TP HCM được kỳ vọng mang lại bước đột phá trong ứng dụng công nghệ cao và phát triển kinh tế
- Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
- Trung Quốc đưa robot "xâm chiếm" nhà máy, công nhân hoang mang giữa 2 lựa chọn: Quy phục hay tự kết thúc?
- Giấc mơ robot của thế giới: Thay 6 công nhân làm việc liên tục, thao tác nhuần nhuyễn với hơn 200 triệu sản phẩm
- Vingroup thành lập công ty robot vốn nghìn tỷ, hai người con của ông Phạm Nhật Vượng làm cổ đông lớn
- "Bạn không về nhà sao?": Video robot nhỏ "thao túng" 12 robot lớn nghỉ việc giữa đêm khiến dân mạng sửng sốt
HĐND TP HCM mới đây đã thông qua Nghị quyết quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố; có hiệu lực từ hôm nay, 24-11. Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Tiềm năng lớn
Nội dung nghị quyết nêu rõ vị trí thử nghiệm phương tiện bay không người lái là tại Khu Công nghệ cao TP HCM; vị trí thử nghiệm xe tự hành tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao TP HCM. Cơ sở vật chất trong vị trí thử nghiệm phải có hàng rào bảo vệ, hệ thống giám sát, cơ sở hạ tầng liên lạc, hệ thống kiểm soát, hệ thống an toàn và thiết bị cứu hộ.
Theo các chuyên gia công nghệ, việc thử nghiệm các phương tiện hiện đại như phương tiện bay không người lái, xe tự hành sẽ khuyến khích các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp (DN) phát triển thêm giải pháp công nghệ mới, tiếp cận sâu hơn những mô hình tiên tiến nhất như Big Data, IoT (internet vạn vật), tự động hóa và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Qua đó, giúp TP HCM tạo được môi trường sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế.
Về khả năng của các thiết bị tự hành, các chuyên gia cho rằng máy bay không người lái có thể giúp giám sát khu vực rộng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng; khảo sát địa hình trong thời gian ngắn, nhờ đó tiết kiệm thời gian, nhân lực. Trong khi đó, xe tự hành có thể theo dõi, hỗ trợ ứng phó tình huống, giúp giảm thiểu thiệt hại tối đa; đảm nhận khâu logistics một cách tối ưu, giảm tải sử dụng phương tiện truyền thống.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, quy mô thị trường ô tô tự hành dự kiến sẽ vượt khoảng 65 triệu USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ 13,38%/năm trong giai đoạn 2022-2030. Điều này cho thấy đây sẽ là lĩnh vực có tác động đáng kể đến chất lượng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Kiểm soát chặt chẽ
Để thử nghiệm và ứng dụng các phương tiện tự hành hiện đại đem lại hiệu quả lâu dài, các chuyên gia kiến nghị TP HCM cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và quy định... chưa hoàn thiện.
ThS Phan Thanh Toản, giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, lưu ý trong thời gian thử nghiệm phương tiện tự hành, cần ngăn chặn nhiễu GPS và tấn công mạng vào hệ thống điều khiển phương tiện hàng không không người lái (UAV). Bên cạnh đó là phải mã hóa dữ liệu truyền giữa UAV và trạm điều khiển; trang bị hệ thống radar, camera, thậm chí bố trí người theo dõi UAV trong không phận nhằm tránh trường hợp vi phạm pháp luật, làm gián đoạn thử nghiệm.
"Ngoài giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của UAV và xe tự hành trong khi thử nghiệm, cần đưa ra nhiều tình huống sát thực tiễn để những phương tiện này giải quyết nhằm ghi nhận kết quả. Trên cơ sở đó, khi triển khai rộng rãi hơn, hiệu quả từ những phương tiện này sẽ được phát huy, tránh trường hợp gặp vướng mắc, gây chậm trễ trong thực hiện mục tiêu phát triển công nghệ của TP HCM" - ông Toản góp ý.
Theo chuyên gia an toàn thông tin Nguyễn Thanh Lâm, TP HCM nên xem xét xây dựng quy định về đăng ký, cấp phép, hoạt động, bảo hiểm, trách nhiệm pháp lý đối với người sở hữu, người điều khiển phương tiện tự hành. Đồng thời, cập nhật và điều chỉnh quy định thường xuyên để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Thành phố cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đang triển khai mạnh mẽ phương tiện tự hành như Trung Quốc, Mỹ... để hoạt động thử nghiệm và ứng dụng thực tế đạt mục tiêu đề ra.
Ông Lâm góp ý thêm: TP HCM xem xét xây dựng trung tâm đào tạo kỹ sư, lập trình viên, người điều khiển phương tiện tự vận hành, bảo đảm cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng vận hành. Đặc biệt, cần xây dựng cơ sở hạ tầng riêng cho xe tự hành, tương tự xây dựng đường riêng cho một số tuyến xe buýt ở trung tâm quận 1, TP HCM. Quan trọng không kém là nâng cao nhận thức của người sử dụng dịch vụ tự hành, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lợi ích và rủi ro của công nghệ mới.
Đại diện một công ty về an ninh mạng tại TP HCM băn khoăn về việc bảo mật thông tin và dữ liệu hoạt động của phương tiện tự hành trong bối cảnh "tin tặc" hoạt động mạnh mẽ thời gian qua. Theo đại diện DN này, bên cạnh giải pháp bảo mật dữ liệu, cần xây dựng quy định nhằm ngăn chặn việc sử dụng phương tiện cho mục đích trái pháp luật, chẳng hạn vận chuyển hàng hóa trái phép.
"TP HCM nên có chính sách khuyến khích DN tham gia, đóng góp ý kiến vào việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tự hành. Các sở, ban, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng cho phương tiện bay không người lái và xe tự hành" - đại diện DN an ninh mạng nêu rõ.
TP HCM chi 5,76 tỉ đồng hỗ trợ thử nghiệm
Dự kiến, TP HCM sẽ chi khoảng 5,76 tỉ đồng để thực hiện các chính sách về hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới. Trong đó, 4,8 tỉ đồng được sử dụng để thực hiện các hạng mục phục vụ thử nghiệm tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung. Kinh phí còn lại được chi cho việc thành lập hội đồng tư vấn đánh giá kết quả thử nghiệm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sang năm 2025, Cực Bắc từ của Trái Đất sẽ bị lệch 175 km: Các ứng dụng GPS như bản đồ Google Maps ở Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không?
Cục Khảo sát Địa chất Anh (BGS) cho biết nếu không cập nhật vị trí Cực Bắc từ mới, một chiếc máy bay từ Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi đến Anh có thể sẽ bay chệch hướng 150 km.
Công ty Trung Quốc lén bán chip của TSMC cho Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen