"Thế lưỡng nan của người tù" lý giải vì sao người ta lại hay vượt đèn đỏ và không xếp hàng

    Tân Phan,  

    "... khi đèn đỏ chạm đến mốc 5 giây, các xe ở phía đằng trước đã phóng đi, mặc dù ngã tư vẫn còn rất nhiều người đang băng qua đường."

    Giữa trưa tháng 2, kết thúc ca làm buổi sáng, tôi nghỉ ngơi xách xe đi ăn cùng đồng nghiệp. Dừng đèn đỏ ở ngã tư, nhìn lên thấy 54 giây đếm ngược, theo thói quen, tôi tắt máy và chờ đèn để tiết kiệm xăng và bảo vệ môi trường. Giữa vài chục người đang chờ đèn đó, có vài người lấn khỏi vạch dừng, tôi nghĩ thôi không sao cả dù sao cũng quá đông xe ở đằng sau rồi.

    Thật hiếm thấy hình ảnh dừng đèn đỏ ngay ngắn như thế này.
    Thật hiếm thấy hình ảnh dừng đèn đỏ ngay ngắn như thế này.

    15, 14, 13,... sắp chuyển đèn xanh, tôi đề máy khởi động xe. 8, 7, 6,... những xe đằng sau tôi bấm còi inh ỏi, và khi đèn đỏ chạm đến mốc 5 giây, các xe ở phía đằng trước đã phóng đi, mặc dù ngã tư vẫn còn rất nhiều người đang băng qua đường. Họ sẵn sàng luồn lách qua đám đông để được đi nhanh hơn vài giây cho công việc của họ. Chắc là họ đang bận lắm, trễ 5 giây sẽ làm hỏng bét mọi chuyện.

    Vào cửa hàng thức ăn nhanh J. gần cơ quan, tôi kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình. Trước đó có 3 người đang xếp hàng như tôi. Tuy nhiên, một thanh niên ăn mặc lịch sự mới bước vào đã lao thẳng lên quầy, không xếp hàng...

    Tôi nghĩ tại sao có một số người lại không có văn hoá xếp hàng, tuy nhiên mọi người đều không xem trọng việc đó và nghĩ rằng điều này là chuyện bình thường. Với tôi, nó không bình thường chút nào cả. Nhiều người cho rằng văn hoá, cách giáo dục chiếm một phần lớn trong vấn đề ý thức này. Nhưng chúng ta hãy xem xét sự việc trên ở góc độ tâm lí, một góc độ hoàn toàn mới.

    Trước hết, hãy để tôi kể cho bạn một câu chuyện, nó có tên là "Thế lưỡng nan của người tù(The Prisoner's Dilemma).

    Có tên tội phạm bịt mặt đã cướp một cửa hàng tiện lợi, tuy không thành công vì chiếc két tiền đã bị khoá chặt nhưng chúng đã tẩu thoát. Lưới trời lồng lộng, cảnh sát đã bắt được 2 kẻ tình nghi và chủ mưu. Cảnh sát đưa 2 tên vào 2 buồng tra khảo riêng. Trước đó hai tên tội phạm này có hứa với nhau nếu bị cảnh sát bắt thì sẽ không khai bất kì lời nào. Tuy nhiên, sau khi được viên cảnh sát đưa ra 3 viễn cảnh thì hai tên cướp đã suy nghĩ lại:

    1. Nếu hai tên tội phạm cùng im lặng, không khai thì mỗi người sẽ chịu 1 năm tù giam.

    2. Nếu hai tên cùng tố cáo nhau, mỗi người sẽ chịu 5 năm tù giam.

    3. Nếu 1 tên tố cáo và 1 tên im lặng, tên tố cáo sẽ được tự do, tên im lặng sẽ chịu 20 năm tù giam.

     

    Hãy đặt mình vào hoàn cảnh tên tội phạm, liệu bạn có ĐỦ TIN TƯỞNG để im lặng, và chắc chắn rằng đồng phạm của mình cũng sẽ im lặng để cả hai cùng chịu 1 năm tù giảm không. Hay là bạn sẽ nghĩ đồng phạm mình im lặng, mình sẽ khai nó ra để nó chịu tù, còn mình sẽ được giải thoát?

    Và đồng phạm của bạn cũng đang có suy nghĩ y như bạn đấy!

    Và rồi nó sẽ dẫn đến kết cục tồi tệ nhất cho mọi phía: cả 2 cùng đều chịu 5 năm tù vì tố cáo lẫn nhau.

    Học thuyết về tâm lí này, có tên Game Theory, được phát triển vào những năm 1950 và có nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel đã áp dụng nó cho nhiều ngành khác nhau như toán học, sinh học, kinh tế, khoa học và máy tính  để phân tích tâm lí và chiều hướng của sự việc.

    Việc này có liên quan gì đến chuyện xếp hàng cơ chứ? hãy quay trở lại vấn đề vượt 5 giây đèn đỏ. Khi có 1 hoặc 1 vài người vượt, những người còn lại sẽ nghĩ: tại sao nó lại vượt lên trước, được quyền đi nhanh hơn mình chứ? Tại sao mình phải đứng nắng nôi chờ như thế này? Tại sao nó được lợi mà mình không được lợi?

    Hình ảnh vượt đèn đỏ từ camera giao thông.
    Hình ảnh vượt đèn đỏ từ camera giao thông.

    Và mọi người cùng hùa theo điều đó, hiệu ứng đám đông! Diễn biến tâm lí này áp dụng tương tự cho vấn đề xếp hàng. Người chen ngang sẽ được hưởng lợi hơn người phải xếp hàng và mọi người thấy vậy nên chen ngang theo để đòi lại quyền lợi.

    Tôi từng bị người đằng sau bấm còi inh ỏi và quát: "Sao không đi đi mọi người đi hết rồi kìa", trong khi còn 7 giây đèn đỏ. Rõ ràng áp lực của những người vi phạm ảnh hưởng đã đến hành động của những người xung quanh. Mọi người đang ứng xử theo cách: nếu người ta làm điều đó thì mình cũng phải làm như thế, không cần biết hậu quả sẽ như thế nào. Tương tự như việc hai tên tội phạm, ai cũng nghĩ rằng nếu đứa còn lại khai thì mình sẽ đi tù, thôi thì khai nó luôn để cho chắc.

    Vì vậy, yếu tố tâm lí là một nhân tố quan trọng trong ý thức của mỗi người. Hãy tưởng tượng nếu ai đó cũng xếp hàng ngăn ngắn, không vượt đèn đỏ thì người vi phạm luật sẽ thấy lạc lõng và tự sửa đổi vào những lần tiếp theo. Chúng ta hãy thay đổi, hãy tôn trọng luật, hãy góp phần khiến xã hội trở nên văn minh hơn. bạn không thể mong đợi người khác tôn trọng luật trừ khi chính bạn phải tuân thủ điều luật đó trước. Sự tin tưởng chính là yếu tố quan trọng để góp phần thay đổi. Cũng như hai tên tội phạm, nếu họ tin tưởng nhau, không khai nhau ra thì họ chỉ phải dành 1 năm trong tù mà thôi.

    Hãy thay đổi, ngay từ bây giờ nhé!

    Về lại công ty, tôi chờ thang máy, người trong thang chưa ra hết mà những người đứng chờ đã ùa vào. Có lẽ sự thay đổi này sẽ mất nhiều thời gian đây...

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ