Trải nghiệm Bose Sleepbuds: tai nghe có giá 7 triệu đồng nhưng chỉ dành để nghe lúc... đi ngủ
Thoạt nhìn bạn có thể nghĩ đây là sản phẩm nghe nhạc True Wireless tiếp theo thay thế cho Soundsport Free nhưng hoá ra không phải vậy.
Bose Sleepbuds là chiếc tai nghe không dây mới nhất được Bose đem về thị trường Việt Nam. Thoạt nhìn bạn có thể nghĩ đây là sản phẩm nghe nhạc True Wireless tiếp theo thay thế cho Soundsport Free nhưng hoá ra không phải vậy. Hãy cùng tôi tìm hiểu và đánh giá nhé.
Thiết kế: Điểm 10 cho sự thoải mái và gọn gàng
Cách đóng gói của Sleepbuds thực tế không khác mấy so với các sản phẩm tai nghe và loa thời gian gần đây của Bose, tuy nhiên khi mở hộp và nhìn vào bên trong sản phẩm, tôi khá bất ngờ với những gì mà hãng này mang đến cho người dùng.
Nếu như hộp đựng kiêm sạc pin cho tai nghe Soundsport Free khá cục mịch thì ở chiếc Bose Sleepbuds này lại đẹp hơn hẳn. Hộp đựng có tông màu bạc sang trọng, cầm gọn trong lòng bàn tay.
Hộp này không có cơ chế nút bật mở mà sử dụng kiểu trượt lên, chỉ cần đẩy nhẹ, phần tai nghe nằm bên trong sẽ lộ ra. Khi mở ra, bạn có thể thấy 3 khu vực đèn hiển thị khác nhau, trong đó hai khu vực trái và phải dùng để báo tình trạng pin của từng củ tai nghe, còn khu vực giữa với 5 chấm tròn nhỏ để báo lượng pin trữ trong hộp đựng này.
Theo quan điểm cá nhân, tôi rất thích kiểu thiết kế tối giản của hộp đựng sản phẩm này, thậm chí cơ chế trượt/đóng rất dễ dàng, trơn tru mà không có cảm giác bị rít. Chuyển sang phần thiết kế tai nghe, Bose Sleepbuds có kiểu dáng vô cùng nhỏ gọn, đeo vào tai không có cảm giác bị lồi ra ngoài nhiều. Thậm chí phần cao su cũng rất mềm, đeo vào êm tai cực kì, cộng với việc cân nặng mỗi bên chưa đến 2 gram nên tôi hoàn toàn thoải mái và đôi khi cứ tưởng mình vẫn chưa hề đeo nó vào. Điều này cũng khá dễ hiểu vì đây là sản phẩm phục vụ cho việc đi ngủ nên cố gắng thiết kế sao cho phù hợp để nằm không bị cấn hay khó chịu.
Mặt sau của tai nghe có mạch từ tính để sạc với hộp đựng. Người dùng chỉ cần đặt nhẹ là Sleepbuds sẽ tự động hít vừa vặn với vị trí có sẵn.
Bose còn kèm theo 6 kiểu đầu cắm điện khác nhau, với những người thường xuyên đi công tác ở nước ngoài thì đây quả là một điểm cộng không nhỏ.
Vậy còn sử dụng thì thế nào?
Hiệu năng: Chỉ ngủ và ngủ, đừng trông mong gì thêm
Để sử dụng tai nghe này, người dùng cần tải về ứng dụng Bose Sleep trên kho iOS Appstore hoặc Google PlayStore, về cơ bản nó khá giống với Bose Connect trước đây ở mặt giao diện - đơn giản và dễ sử dụng. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng, tôi nhận thấy tai nghe này kết nối với chiếc điện thoại Android của mình khá chậm, thời gian để Bose Sleep nhận thấy tai nghe và pair với máy có khi đến 30 giây hoặc hơn.
Bù lại với quá trình kết nối, mọi thứ bên trong ứng dụng này đều hoạt động mượt mà, ơn trời! Ở đây, bạn có thể thấy được chi tiết hơn mức pin hiện tại của mỗi tai là bao nhiêu %, chọn các kiểu âm thanh phát ra cho người nghe khi đi ngủ (sleeptrack), đặt đồng hồ báo thức.
Về phần sleeptrack, có thể hiểu đây không phải là những bài nhạc du dương mà bạn thường dùng để nghe thư giãn, mà đó là những tiếng động giả lập để người ngủ có thể đắm chìm vào các không gian mà họ mong muốn, như tiếng tua-bin gió, tiếng lá xào xạc, tiếng mưa róc rách…
Cách áp dụng này khá hay vì Sleepbuds sẽ giúp bạn tạm thời "cách ly" với thế giới xung quanh, dễ ngủ hơn, tránh nghe phải những tiếng động khác ảnh hưởng, đặc biệt là khi bạn ngủ cùng phòng hay ngáy to khiến bạn mất giấc thì đây chính là bảo bối cứu vãn.
Thời gian gần đây tôi đi công tác khá nhiều nước nên chuyện lệch múi giờ xảy ra thường xuyên, vì thế những đêm mất ngủ là điều khó tránh khỏi. Và sau gần 1 tuần trải nghiệm thì tôi thấy Sleepbuds khá hữu ích với bản thân tôi. Thậm chí đợt công tác vừa rồi tôi cũng mang theo lên máy bay để dùng và tất nhiên dễ chịu hơn hẳn khi không phải nghe hàng loạt tiếng ồn xung quanh.
Thế nhưng, công dụng của Sleepbuds chỉ dừng ở đó.
Tôi đã thử dùng trình nghe nhạc bên ngoài để cho phát thử vào tai nghe, nhưng kết quả là… không nghe thấy gì. Điều này thực ra cũng không buồn mấy, nhưng thứ khiến tôi có lẽ thất vọng nhất là một khi bạn đã đeo vào, dù ai có gọi điện thoại cho bạn thì sẽ không có bất kì tín hiệu nào phát ra để bạn biết cả. Nếu có những cú gọi điện thoại gấp thì chắc chắn bạn sẽ bỏ qua mất. Hy vọng trong bản cập nhật sau (hoặc phiên bản tai nghe sau) sẽ được Bose thêm vào khả năng lựa chọn báo có cuộc gọi đến để người dùng có thể tự quyết định bật hoặc tắt tuỳ ý.
Vậy thì, mua một chiếc tai nghe chỉ dành cho việc ngủ, liệu có đáng? Theo tôi, câu trả lời là đáng và không đáng. Đáng vì nó sẽ giúp não bộ bạn thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn, tránh tình trạng bị giật mình giữa chừng vì các tiếng động lạ xung quanh. Đặc biệt Sleepbuds sẽ phù hợp với những bạn nhân viên văn phòng muốn tranh thủ 15-30 phút trưa quý giá để ngủ nghỉ mà không muốn bị làm phiền xung quanh thì nên chọn sản phẩm này.
Nhưng điểm không đáng chính là mức giá 7 triệu đồng, bởi đây chính là điểm khiến nó không thể đến tới rộng rãi người dùng và chắc chắn không phải ai cũng muốn bỏ ra 7 triệu để mua một chiếc tai nghe mà không có công dụng nào khác ngoài việc ngủ cả.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming