Trải nghiệm chuột văn phòng cao cấp Logitech MX Master 2S và Anywhere 2S: Hoàn hảo cho người đã chán Magic Mouse

    Steve,  

    Với giá thành thuộc hạng trung-cao, trải nghiệm mà bộ đôi chuột văn phòng mới MX Master 2S và MX Anywhere 2S mang lại rất tuyệt vời.

    Là một người liên tục làm việc với máy tính, tôi luôn gặp phải những khó chịu do máy tính gây ra khi làm việc trong thời gian dài. Mọi điểm chưa hoàn thiện của thiết bị có thể gây khó chịu cho tôi: từ việc cạnh của laptop hơi sắc chạm vào tay, màn hình sáng xanh gây mỏi mắt cho tới những lấm bụi hay mồ hôi ở không đúng chỗ. Trong vô số những nguyên nhân gây khó chịu khi sử dụng máy tính trong thời gian dài, dĩ nhiên phải kể đến khó khăn khi tìm kiếm một con chuột phù hợp.

    Tôi vốn là người sử dụng máy Mac, khi sử dụng máy Mac và cần một con chuột, đa phần mọi người đều mặc định nghĩ tới Magic Mouse của Apple. Tôi không phủ nhận mức độ hoàn thiện cũng như chất lượng sử dụng cao của nó, nhưng không may thay, cả hình dạng có phần mỏng và chất liệu trơn láng lại không phù hợp với tôi. Tôi đã gần như bỏ cuộc và chấp nhận sử dụng trackpad, tuy gặp khó khăn trong một vài tác vụ chuyên dụng, nhưng cơ bản hàng ngày thì chấp nhận được.

    Thì bỗng một ngày, tôi được ‘sếp’ giao cho 2 con chuột lạ lẫm từ cái tên quen thuộc Logitech, với lời nhắn: “Dùng thử đi em!”. Tôi vốn biết đến Logitech với những bộ thiết bị phím chuột văn phòng không dây nhỏ gọn hay dòng chuột gaming phổ biến tại nhiều cyber, thế nhưng với tôi, 2 con chuột này hoàn toàn lạ lẫm: Logitech MX Master 2S Logitech MX Anywhere 2S.

    Tông màu sang trọng, có phần hiện đại của vỏ hộp làm tôi cảm thấy dễ chịu. Tuy thế đập vào mắt tôi là việc lặp đi lặp lại các dòng thông tin giống nhau bằng tiếng Anh. Sau khi dùng một thời gian tôi mới hiểu dụng ý của việc thiết kế như vậy, nhưng chúng ta sẽ đề cập chuyện này sau. Bây giờ mở hộp cái đã.

    Cách đóng hộp của bộ đôi “2S” không mấy lạ lẫm đối với tôi, do tôi đã có cơ hội mở hộp nhiều chuột gaming tương tự. Đây là cách đóng hộp của đại đa số các hãng dành cho sản phẩm tầm trung-cao của mình: có thể tiện mở ra tại showroom và giúp người xem có thể ướm thử được trong trường hợp không có hàng mẫu. Tôi thì ước lượng chiếc lớn hơn - MX Master 2S - có vẻ sẽ hợp với mình hơn nên tạm đặt người đàn em Anywhere 2S sang một bên.

    Bên trong hộp của Logitech MX Master 2S gồm 1 con chuột (tất nhiên), 1 hướng dẫn sử dụng, 1 receiver dạng phổ biến (dùng tần 2.4 GHz) và 1 dây cáp Micro-USB. Khoan đã, chẳng phải MX Master 2S là chuột Bluetooth hay sao? Băn khoăn, tranh thủ lúc chuột sạc, tôi vào Google tìm hiểu thêm một chút.

    Hóa ra, Logitech MX Master 2S là phiên bản thế hệ sau mới ra mắt của chuột văn phòng tầm cao nhất của Logitech là MX Master 2, có cả chế độ Bluetooth và USB receiver truyền thống. Tìm thử thông tin về thế hệ trước thì đúng như vậy: ngoại hình thì không khác gì nhiều, nhưng MX Master 2S có thời lượng pin khi sạc đầy lên tới 70 ngày sử dụng, gần gấp đôi so với 40 ngày của phiên bản trước. Cảm biến laser cũng được nâng cấp, với độ nhạy tối đa nâng lên mức 4000 DPI từ con số khiêm tốn 1000 DPI của người anh MX Master 2. Tuy thế, tôi lại phát hiện ra có phần mềm quản lý chuột Logitech Options. Để chắc chắn, tôi tải về và cài đặt phần mềm này. Đến lúc thử nghiệm dùng chuột rồi!

    Mặt dưới của Logitech thực sự làm tôi nghĩ đến những chiếc xe đua F1 hay tàu con thoi với những đường uốn cong đầy sức mạnh và chất liệu cao cấp. Logitech MX Master 2S có tới 2 nút chính ở đáy chuột, thay vì 1 nút như tôi thấy trên những con chuột không dây thường gặp. Ngoài công tắc nguồn dạng gạt, là một nút tròn bí ẩn với 3 đèn LED trắng theo thứ tự 1 - 2 - 3. Lại thêm một điều làm tôi băn khoăn. Tạm gác lại, tôi dùng thử theo cảm tính: giữ nút tròn “có vẻ” liên quan đến Bluetooth đến khi đèn nháy thay đổi, rồi Pair (kết nối) máy MacBook của tôi với MX Master 2S. Lập tức ngay sau khi kết nối, tôi đã có thể dùng chuột.

    Cảm giác sử dụng MX Master 2S phải nói là vô cùng thoải mái. Đã rất lâu rồi, kể từ khi làm công việc văn phòng, tôi mới có thể sử dụng chuột như thế. Chất liệu nhám cao cấp như chỉ khẽ ve vuốt vào da tay tôi, nhưng cũng đủ cho bàn tay - dù có nhẹ nhàng - vẫn có thể cầm chắc chuột. Chất liệu này cũng có phần hợp với người có mồ hôi tay như tôi, hơn hẳn khi so với thứ nhựa bóng trên Magic Mouse của Apple.

    Do là chuột thiết kế hoàn toàn cho người sử dụng tay phải, nên phía bên trái chuột được trang bị rất kĩ lưỡng, chỉn chu. Ngay cả chất liệu mịn êm riêng biệt và cách thiết kế họa tiết lập thể cũng đem lại cảm giác hài lòng cho tôi. Nhưng hơn thế là tính năng: MX Master 2S được trang bị cả nút cuộn ngang, phục vụ cho định hướng “Hyper-efficient Scrolling” hãng muốn truyền tải. Rõ ràng là vậy: những người phải thực hiện thao tác di chuyển giữa các bảng tính, các bản thiết kế hay cả những biểu đồ thống kê tài chính sẽ hiểu được điều mà nút cuộn ngang này mang lại. Hơn nữa, Logitech cũng trang bị cực tốt cho nút cuộn dọc truyền thống với 2 chế độ vật lý: cuộn thường theo nấc và cuộn siêu nhanh, với cách chuyển đổi chỉ đơn giản là một lần nhấn chính nút cuộn dọc.

    Mải mê dùng thử và hài lòng MX Master 2S, tôi đã quên đi mất người anh em nhỏ bé hơn của nó - MX Anywhere 2S. Thú thực, kích cỡ có phần hơi nhỏ của nó làm tôi không mấy hứng thú, vì tay tôi tương đối to. Nhìn qua thì MX Anywhere 2S có vẻ “kém đặc sắc” hơn MX Master 2S rất nhiều, nhưng tôi cũng dùng thử xem sao.

    Thực sự khi cầm vào tay và dùng thử, tôi cảm thấy sự hụt hẫng không hề nhỏ khi MX Anywhere 2S chỉ chiếm một nửa chiều dài tay tôi. Có lẽ MX Anywhere 2S hợp với những người có tay nhỏ hơn, hoặc muốn có sự cơ động khi gọn gàng hơn hẳn người anh em MX Master 2S. Tuy thế, cảm giác khi cầm MX Anywhere 2S không hề nhẹ như những con chuột ở cùng kích cỡ, mà có phần còn “đầm tay” như trên MX Master 2S. Tôi quay lại trang chủ của Logitech và tìm kiếm thêm thông tin về MX Anywhere 2S, và chợt để ý tới một điều.

    Đúng vậy, ở lần đầu tìm kiếm, có vẻ tôi đã bỏ qua tính năng mới nhất của dòng chuột văn phòng cao cấp thế hệ thứ 2 này: Logitech Flow. Tìm hiểu nhanh chóng, tôi đã giải đáp được khúc mắc ban đầu về 3 đèn LED trắng, cả những dòng chữ được lặp đi lặp lại ngoài vỏ hộp và còn biết thêm được khả năng cao cấp đúng nghĩa trên 2 mẫu chuột này.

    3 đèn LED tượng trưng cho 3 kênh Bluetooth khác nhau của thiết bị. MX Master 2S và MX Anywhere 2S có thể kết nối trực tiếp tới tối đa 3 thiết bị trên 3 kênh Bluetooth đó, có thể chuyển đổi qua lại giữa các kênh bằng “nút tròn bí ẩn” tôi đề cập bên trên. Hơn thế, 2 mẫu chuột này còn có khả năng sử dụng đồng thời trên tối đa 3 máy với điều kiện: cả 3 máy phải ở trong 1 mạng.

    Nóng lòng thử nghiệm, tôi nhờ sự trợ giúp của một người bạn để thử nghiệm tính năng mới thú vị này. Chúng tôi thử nghiệm trên môi trường “khó xơi” nhất của các hãng sản xuất thiết bị bên thứ 3, đó là sử dụng trên 2 máy Mac. Lần này, do đã bỏ qua “em út” MX Anywhere 2S quá nhiều nên tôi quyết định sử dụng nó trong phần thử nghiệm.

    Việc setup ban đầu có vẻ dễ dàng, nhưng có một vài phiền toái nhỏ, tuy không thực sự gây rắc rối cho chúng tôi nhưng theo tôi, cũng là những lỗi không đáng có. Ví dụ như khi chuyển đổi kênh để kết nối chuột tới từng máy tính trước, những kênh tạo ra trước đó vẫn xuất hiện trong một thời gian tương đối lâu, với cái tên giống hệt nhau: MX Anywhere 2S. Như vậy cùng lúc, trên giao diện xuất hiện 2-3 cái tên tương tự. Cẩn thận hơn, bằng cách căn thời điểm bật, tắt Bluetooth của máy tính, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề này.

    Sau đây là bài test ngắn của chúng tôi về chuyển đổi chuột giữa 2 máy và sao chép file từ máy này sang máy kia dưới sự hỗ trợ của Logitech Flow.

    Video thử nghiệm tính năng Logitech Flow

    Có thể thấy việc chuyển qua lại giữa 2 máy có độ trễ nhất định, theo ước tính của tôi là vào khoảng 1 đến 1,5 giây. Việc copy file trái lại rất trơn tru, mà theo tôi thì là do đây thực chất chỉ là chuyển file giữa các máy trong cùng mạng. Tuy thế, sự tiện dụng mà Logitech Flow đem lại là không thể phủ nhận.

    Nhìn chung, với thiết kế sắc sảo, hoàn thiện tinh tế và cao cấp, lại được bổ sung bởi những tính năng, công nghệ mới đầy tiện ích, Logitech MX Master 2S và Logitech MX Anywhere 2S xứng đáng là những cái tên hàng đầu trong dòng chuột phục vụ công việc hiện nay. Với giá bán tham khảo là 99 USD cho MX Master 2S và 79 USD cho MX Anywhere 2S, theo tôi, bạn sẽ nhận được giá trị xứng đáng với số tiền mình đã bỏ ra. Đặc biệt, mẫu MX Master 2S sẽ thực sự phù hợp với công việc chuyên nghiệp, với lượng việc nhiều, đòi hỏi giản lược cũng như tăng hiệu quả đến từng chi tiết.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ