Trải nghiệm EOS M6 Mark II: Nhiều cải tiến đáng giá nhưng vẫn còn bước nhỏ nữa để tiến đến sự hoàn hảo
Trước đây tôi từng nghĩ có lẽ Canon đừng nên ra mắt máy ảnh Mirrorless nữa, nhưng sau nhiều năm phát triển thì cuối cùng họ đã khiến tôi dần thay đổi định kiến này.
Kể từ sau 2 năm trải nghiệm chiếc Canon M6 đầu tiên, tôi đã được trên tay phiên bản tiếp theo. Liệu rằng những cải tiến mới có mang lại trải nghiệm mới cho người dùng, và khắc phục được những khuyết điểm cũ trước đây của dòng “Mark I” không? Hãy cùng tìm hiểu.
Ơn Trời báng cầm đã to hơn đôi chút!
Một trong những điều tôi từng không thích ở phiên bản đầu tiên chính là cách thiết kế báng cầm tay. Là người thường xuyên cầm máy đi chụp phố nên tôi rất chú trọng đến phần cầm nắm sao cho thoải mái nhất, bởi yếu tố môi trường bên ngoài sẽ hoàn toàn khác với việc bạn ngồi trong quán cafe mát lạnh để chụp.
Báng cầm đã sâu hơn, cầm chắc tay hơn nên không cần dây đeo vẫn thấy an toàn. Mỗi tội chỉ sợ có chiếc xe máy nào ù tới giật mất thì biết tìm lại đâu ở giữa Sài Gòn đông đúc này…
Di chuyển thường xuyên ngoài đường kèm với việc tay lúc nào cũng bám mồ hôi, điều tôi sợ nhất là báng cầm không đủ sâu và khi cần thao tác nhanh thì lại dễ trượt tay. May thay, Canon đã “cứu” tôi ở khoản này với báng cầm tay sâu hơn cho M6 Mark II. Với thân máy gọn nhẹ, tôi có thể cầm chiếc máy ảnh này đi dạo phố cả buổi mà không sợ mỏi, cũng như không sợ rơi dù chẳng đeo theo bất cứ sợ dây đeo hỗ trợ nào.
Vị trí phím bấm hầu như được giữ nguyên ở mặt sau, chỉ thêm cần gạt AF/MF. Theo đánh giá cá nhân, việc bổ sung cần gạt này giúp tôi chủ động chuyển đổi các chế độ lấy nét dễ dàng hơn, thay vì phải mày mò tìm trên ống kính hoặc “lặn lội” trên giao diện. Tuy nhiên với hệ thống lấy nét được cải thiện, tôi chưa lần nào phải chuyển sang MF trong thời gian trải nghiệm sản phẩm này, dù là điều kiện thiếu sáng hay ngược sáng.
Cảm giác “cân nặng” của máy vẫn như những ngày đầu, rất nhẹ nên cầm sử dụng trong thời gian dài sẽ không vấn đề gì. Tuy nhiên vì lượng ống kính cho ngàm EOS M này vẫn còn hạn chế nên buộc người dùng nếu sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau rất có thể phải tìm đến ống kính ngàm EF từ dòng DSLR của hãng.
Tất nhiên giải pháp này gặp phải một khó khăn khác: máy mất cân đối và nặng do dùng thêm ngàm chuyển cũng như ống kính có kích thước to hơn.
Không tích hợp kính ngắm EVF, nếu cần thì phải mua thêm phụ kiện
Đúng vậy, Canon đã loại bỏ từ bản đầu tiên, và cho đến bây giờ họ vẫn quyết định như thế. Có lẽ nhà sản xuất muốn đơn giản hoá thao tác cho người dùng, nhất là với người dùng phổ thông hoặc đã quen từ nền tảng smartphone, chỉ cần chạm và nhìn trực tiếp vào màn hình là đủ.
Với người dùng cần sự chuyên nghiệp hơn, hoặc đơn giản “chuyển nhà” từ thiết bị có EVF thì qua M6 Mark II sẽ gây ra không ít bỡ ngỡ. Bản thân tôi đã từng vài lần đưa máy lên ngắm trong ngày đầu lấy máy về sử dụng, và rồi lại nhớ ra máy không có EVF, bỏ xuống như một hành động ngớ ngẩn…
Việc không có EVF này là nhược điểm hay ưu điểm cũng tuỳ thuộc vào tuỳ đối tượng người dùng. Và nếu cần thiết muốn ngắm bằng EVF, bạn có thể trang bị thêm cho mình EVF gắn rời EVF-DC2 với mức giá khoảng gần 200 USD hoặc mua kèm theo cả combo.
Màn hình LCD vẫn kích thước 3 inch, độ phân giải 1,04 triệu điểm ảnh như đời trước và lật theo phương đứng, đáp ứng được nhu cầu chụp ở những góc thấp, cao hoặc chụp selfie/quay vlog. Tuy nhiên nếu Canon cải tiến phần màn hình này cho quay được nhiều góc hơn thì có lẽ sẽ tuyệt vời hơn nữa.
Phần bánh xe gần ngón tay cái nhất đã thay đổi từ bánh EV sang Dial Function, vốn từng được giới thiệu trên dòng EOS R và nay là M6 Mark II. Với bánh xe này, ta có thể gán một số tính năng phù hợp với thói quen thao tác của bản thân.
Hiệu năng đã tốt hơn rất nhiều
Thay đổi lớn nhất của Canon M6 Mark II là ở phần cứng bên trong chứ không phải ngoại hình, thế nên bao nhiêu “tinh tuý” nhất của phiên bản này phải trải nghiệm qua nhiều ngày tôi mới cảm nhận được hết giá trị của nó.
Sử dụng cảm biến lớn hơn với 32.5 MP, người dùng có thể thoải mái cắt crop ảnh hơn ở phiên bản trước, nhưng đó chưa phải là tất cả. Điều đáng nói nhất là M6 Mark II đã được Canon nâng cấp lên chip xử lý DIGIC 8 mới, kết hợp với hệ thống lấy nét tự động Dual Pixel cùng 143 điểm lấy nét theo pha đã mang lại hiệu suất tốt hơn trước rất nhiều.
Khả năng bắt nét theo khuôn mặt và mắt người di chuyển rất tốt. Chỉ cần chạm vào màn hình để chọn lấy nét khuôn mặt mà bạn cần, máy sẽ tự động bắt nét theo rất nhanh cho dù họ có di chuyển qua lại hay xa gần. Một điểm lưu ý là M6 không hề có lấy nét theo mắt người, nên việc bổ sung vào cho Mark II đã giúp người dùng lấy nét hiệu quả hơn trước rất nhiều, dù ở cả chụp ảnh lẫn quay video.
Vài ảnh chụp từ Canon M6 Mark II:
Không chỉ vậy, Canon M6 Mark II cũng được cải tiến tốc độ Burst Shot, với 14fps - gấp đôi trước đây. Tôi đã thử chụp liên tục nhiều tấm RAW và máy bắt đầu khựng lại ở mức 23-24 tấm, với nhu cầu sử dụng thông thường thì đây là quá đủ. Tất nhiên để đạt được hiệu năng tốt nhất, bạn nên trang bị cho mình thẻ UHS II.
Với những fan cần chụp tốc độ cao thì Canon M6 Mark II cũng đã có thể đáp ứng được tốt với màn trập điện tử tốc độ lên đến 1/16.000s, ngoài ra ISO cũng được đẩy lên tối đa 51.200 so với 25.600 trước đây.
Màu sắc khá trung tính, dễ hậu kỳ hơn cũng là đặc trưng trước nay của Canon. Khả năng khử noise trên bản đầu tiên đã rất ổn và lần này lại càng tốt hơn trên Mark II. Dưới đây là 4 bức ảnh được thử ở ISO 12.800:
Khả năng quay video cũng được chú trọng hơn với độ phân giải 4K nhưng chỉ 30fps, nếu cần 120fps, bạn có thể phải hy sinh xuống độ phân giải Full HD. Ngoài ra, M6 Mark II đã trang bị thêm Bluetooth để có thể kết nối, chia sẻ ảnh/video và điều khiển từ xa với ứng dụng Canon Camera Connect. Vẫn sử dụng pin LP-E17 như đời đầu, chiếc máy ảnh này có thể chụp được khoảng 300 tấm trước khi cạn sạch và cá nhân tôi thấy như thế là vừa đẹp cho nhu cầu chụp dạo phố hay du lịch cả ngày, nhưng với những ai cần chụp lookbook hay thể thao cần hiệu năng cao thì chắc có lẽ phải “dằn túi” thêm 1-2 viên pin nữa mới đủ.
Về mặt tổng quan, Canon M6 Mark II đã có nhiều điểm cải tiến đáng giá hơn so với phiên bản đầu tiên, cũng có lẽ vì thế mà nó được định giá cao hơn - lên đến tầm 24 triệu đồng cho thân máy. Nếu bạn là người muốn trải nghiệm công nghệ mới và là fan Canon, đây là sản phẩm nên nâng cấp, thậm chí có thể biến nó thành máy backup để sử dụng cùng với máy chuyên nghiệp có hệ ngàm Canon sẵn để đỡ tốn chi phí.
Còn nếu là người dùng mới bắt đầu và vẫn còn lăn tăn về hiệu năng/giá thành thì có lẽ M6 Mark II sẽ gặp phải một vài đối thủ cạnh tranh khác ở thời điểm hiện tại. Suy cho cùng, việc thiếu đi EVF đã vô tình trở thành cái "gót chân A-sin" khiến Canon M6 Mark II chưa thể vượt lên thành một chiếc máy ảnh Crop-frame Mirrorless hoàn hảo về mọi mặt được và đó là điều mà tôi tiếc nhất khi trải nghiệm những ngày qua.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming