Trải nghiệm Sigma 85mm f1.4 DG DN Art: Ống kính chân dung 23 triệu chụp hơn gì hàng giá rẻ?
(Tổ Quốc) - Đầu tư hơn 20 triệu nên chất lượng và trải nghiệm với ống kính Sigma 85mm f1.4 DG DN Art cũng vô cùng khác biệt.
Nếu đang tìm kiếm 1 ống kính chụp chân dung cho dòng máy Sony với nhu cầu chụp dịch vụ bán chuyên đến chuyên nghiệp, nhất định nên cân nhắc chiếc Sigma 85mm f1.4 DG DN Art này. Mức giá ống kính hiện vẫn vào khoảng 23 đến 24 triệu đồng nhưng chất lượng hình ảnh nó mang lại thực sự đáng chú ý.
Độ cao cấp của chiếc lens thể hiện rõ từ bộ vỏ bên ngoài với chất liệu hợp kim magie cứng cáp, lớp kính kích thước lớn phi 77mm và có đầy đủ các nút gạt, nút bấm hỗ trợ cho quá trình quay chụp mà bạn cần. Trọng lượng của lens là 625gr, không phải nhẹ nhất nhưng cũng không quá nặng. Kích thước lens khá lớn nhưng gắn lên các máy Mirrorless trông vẫn không quá cồng kềnh.
Hình ảnh sắc nét, tương phản cao nhưng còn nhược điểm
Chất lượng thấu kính của Sigma trước giờ vẫn được đánh giá rất tốt, và mẫu lens 85mm f1.4 này không phải ngoại lệ. Hình ảnh chụp ra có độ nét cực cao, zoom lớn từng pixel vẫn thấy rõ từng chi tiết nhỏ kể cả chụp ở khẩu độ lớn nhất. Độ nét ở viền ảnh cũng rất tốt ở mức f1.4 - f2, nhưng sẽ đạt cực đại ở mức f4 đến f5.6.
Sigma 85mm f1.4 DG DN Art có độ chi tiết cực tốt kể cả ở khẩu f1.4 lớn nhất.
Thấu kính độ trong cao, lớp phủ chất lượng cũng giúp hình ảnh có tương phản cao hơn, kể cả khi chụp ngược sáng. Chất lượng màu sắc cũng rất tốt, không bị ám vàng hay ám tím, có thể nói là “trong vắt” cho dễ hiểu.
Dù vậy, lens này có 2 nhược điểm là tối viền và méo hình đáng kể. Nếu chỉ chụp chân dung thì 2 vấn đề này có thể bỏ qua, nhưng với ai cần sự hoàn hảo hết mức thì vẫn sẽ thấy hơi “nhức mắt” khi hình ảnh bị méo lõm vào giữa và tối viền khá nặng khi chụp ở khẩu lớn hơn f5.6. Song, bạn vẫn có thể sửa lại dễ dàng bằng các phần mềm hậu kì chỉ với vài click chuột đơn giản.
Bokeh “mù mịt”, cực hợp chân dung bán thân
Nếu chưa bao giờ dùng lens chân dung 85mm khẩu lớn, bạn sẽ hoàn toàn choáng ngợp với khả năng tạo bokeh “mù mịt” của khẩu f1.4.
Chụp chân dung bán thân bằng lens này cực kì "phê", chủ thể nổi bật rõ ràng trên nền mờ.
Lens Sigma 85mm f1.4 tạo bokeh rất mượt mà, làm nổi bật chủ thể đặc biệt với thể loại chân dung bán thân. Kể cả khi chụp toàn thân, lấy góc có nhiều cảnh nền thì khả năng xóa phông vấn thấy rõ. Tình trạng viền màu xanh/tím có xuất hiện nhưng rất ít, chỉ thấy rõ khi chụp ảnh với nguồn sáng cực mạnh phía sau như ảnh dưới đây. Còn lại, bokeh của chiếc lens này chỉ có thể nhận xét bằng 2 từ: “mịn” và “mượt”.
Tuy nhiên, cần lưu ý là bokeh của lens này vẫn gặp tình trạng “mắt mèo” chiếm khoảng ¾ viền xung quanh ảnh. Chỉ ở giữa khung hình thì bokeh mới thực sự tròn đẹp dù Sigma quảng cáo lens có đến 11 lá khẩu giúp vòng khẩu tròn trịa hoàn hảo. Đây không hẳn là vấn đề đáng chê vì thực tế, hiệu ứng bokeh mắt mèo cũng được nhiều người ưa chuộng vì lạ mắt, đôi khi tạo hiệu ứng hấp dẫn hơn so với bokeh quá tròn.
Chụp chân dung toàn thân cũng cho kết quả vô cùng ấn tượng.
Lấy nét nhanh, chuẩn… nếu kết hợp với máy ảnh “xịn” tương ứng
Điều đáng tiếc là tôi chỉ được thử nghiệm chiếc lens này với máy ảnh Sony A7ii vốn có hệ thống lấy nét đã lỗi thời. Khả năng lấy nét của lens lúc này cũng bị hạn chế đáng kể.
Nhìn chung, với điều khiển đủ sáng, vật thể không bị che khuất thì lens thể hiện rất tốt, hoạt động hoàn hảo với các chế độ lấy nét mặt/mắt của máy ảnh Alpha và theo dõi vật thể chính xác gần tương đương các lens “chính chủ” từ Sony. Tình trạng hunting (điểm nét nhảy xa gần liên tục) gần như không xảy ra, tốc độ chuyển nét từ điểm này sang điểm khác cũng rất nhanh, không có gì để chê.
Lens thể hiện tốt khi lấy nét các vật thể không hoặc ít dịch chuyển.
Tuy nhiên, khi chụp thiếu sáng hoặc chuyển động nhanh thì ống kính này lại dễ lấy nét sai, lấy nét lỗi, nhất là với các vật thể không rõ ràng về chi tiết. Ví dụ, tôi có sử dụng lens để chụp sân khấu biển diễn của các ca sĩ đợt cuối năm vừa rồi. Khi chụp Justatee thì gần như không có vấn đề gì, nhưng chụp Tóc Tiên với bộ đồ kim sa lấp lánh thì lens lấy nét sai đến hơn 30% số lượng ảnh chụp ra. Khi chọn đúng điểm lấy nét vào mặt thì ảnh mới nét đẹp hoàn hảo.
Khoảng lấy nét gần nhất của Sigma 85mm f1.4 là 85cm, khá xa nên không hợp với ai muốn dùng lens để chụp ảnh sản phẩm nhỏ. So sánh với chiếc Tamron 28 - 75mm f2.8 (ảnh phải) là thấy ngay khác biệt.
Kết
Nếu tài chính dư dả, có thể đầu tư hơn 20 triệu cho ống kính thì Sigma 85mm f1.4 DG DN Art thực sự là lựa chọn đáng cân nhắc. Ưu điểm của lens là độ nét và tương phản rất cao, bokeh đẹp mắt, thiết kế và chất liệu cao cấp cùng khả năng kiểm soát viền màu cực tốt. Nhược điểm lớn nhất của nó chỉ là bị méo hình và lấy nét hơi có vấn đề ở 1 vài trường hợp.
Một số ống kính khác đáng cân nhắc bên cạnh sản phẩm của Sigma là Sony 85mm f1.4 GM, Sony 85mm f1.8 FE, Samyang 85mm f1.4 hoặc thậm chí là chiếc Viltrox 85mm f1.8 FE vốn có giá chỉ bằng ⅓.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI