Trải nghiệm thực tế Apple Store Orchard Singapore: khi bạn không chỉ trả tiền cho thương hiệu, thiết kế mà quan trọng hơn cả là trải nghiệm

    Master Dùi,  

    Dẫu biết Apple là bậc thầy về trải nghiệm người dùng, bạn chắc chắn sẽ vẫn phải ngạc nhiên với những gì mình có thể nhận được tại một Apple Store.

    Apple Store từ khi xuất hiện lần đầu tiên đến giờ vẫn luôn được vinh danh là chuỗi cửa hàng mang tới trải nghiệm hàng đầu cho khách hàng. Tuy nhiên, vì những yêu cầu khắt khe đến mức cực đoan của táo khuyết mà Apple Store chưa thể được phủ sóng trên toàn cầu. Riêng thị trường Đông Nam Á, tuy có phát triển thì cũng phải đợi rất nhiều năm mới được Apple đoái hoài tới và Singapore được lựa chọn là điểm đến đầu tiên cũng là điều dễ hiểu.

    Sau nhiều lần trì hoãn thì cuối cùng Apple Store Orchard đã được khai trương vào ngày 27/5 vừa qua. Những hình ảnh về cửa hàng này chắc chắn đã phủ sóng diện rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng trải nghiệm thực tế thì như thế nào? Hãy cùng tôi tìm hiểu nhé!

    Để bắt đầu, thực tế tôi cũng chưa có ý định ghé thăm cửa hàng này bởi không mua hàng thì đi làm gì, nhất là khi bản thân tôi lại không phải một đứa thích "window shopping". Tuy nhiên, dòng đời xô đẩy, phím Q trên bàn phím MacBook Pro 2016 tôi bỗng dưng dở chứng, không nhận phím khi gõ ở cạnh trái của bàn phím trong khi các phím khác vẫn hoạt động bình thường. Dự là do cơ chế phím kiểu cánh bướm của Apple.

    Vấn đề nảy sinh là vì vốnn đã quá quen với các Nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền của Apple ở Singapore như QCD, tôi tin khả năng cao là mình sẽ chỉ mất thời gian xếp hàng rồi bị từ chối bảo hành vì lỗi này sẽ được họ coi là lỗi nhỏ. Tiện thể Apple đã mở Store tại Sing, tại sao không thử dịch vụ chính hãng xem nó ra sao. Dù gì thì khóc với hãng cũng dễ hơn khóc với nhà cung cấp dịch vụ mà.

    Việt Nam nghĩ là làm, tôi liền khăn gói quả mướp bắt tàu điện MRT tới bến Somerset để gần Apple Store Orchard nhất. Cách bến tàu chỉ 5 phút đi bộ, tôi dự là Apple cũng đã có chút nghiên cứu về địa điểm để tối ưu sự thuận tiện trong đi lại cho khách hàng.

    Phong cách thiết kế với mặt tiền hoàn toàn bằng kính đặc trưng của Apple. Có một điều khiến tôi hơi thắc mắc là tại sao lại không thấy logo Apple trên kính như các cửa hàng trước đó của Apple trên thế giới.

    Bước vào cửa, cảm giác đông vui có lẽ là thứ đầu tiên tôi cảm nhận được. Với đội ngũ Apple Genius - nhân viên hỗ trợ khách hàng hùng hậu, có những thời điểm tôi cảm thấy nhân viên còn nhiều hơn cả khách hàng. Điều này cũng đảm bảo rằng khách hàng gần như lúc nào cũng có thể được hỗ trợ 1-1. Thiết kế bàn gỗ theo tiêu chuẩn của Apple cũng là khá quen thuộc.

    iPhone thì đầy đủ các phiên bản cũng như màu sắc để người dùng trải nghiệm. Số lượng thì cũng phải thuộc hàng bạt ngàn để không phải tranh nhau hay xếp hàng như ở các cửa hàng bán lẻ được ủy quyền của Apple.

    Khu vực trải nghiệm được chia thành các góc sản phẩm. Các sản phẩm của Apple đều được bày trên bàn, từ iPhone, iPad tới Apple Watch và Mac. Chiếc Mac Pro bóng loáng kết hợp với màn hình LG UltraFine Display 5K 27 inch cho một trải nghiệm hình ảnh siêu sắc nét. Dù đã sử dụng màn 4K 27 inch của LG được một thời gian, tôi vẫn phải ngỡ ngàng trước khả năng tái tạo màu cũng như độ sắc nét của chiếc màn hình hàng khủng này. Giá nó thì cũng hàng khủng luôn, 1879 SGD tương đương gần 32 triệu tiền Việt.

    Nội thất lấy màu trắng và nâu nhạt đi kèm với lượng ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài khiến không gian mua sắm luôn bừng sáng. Đây cũng là một "mẹo" của các kiến trúc sư bởi cửa tiệm hay nhà hàng có không gian sáng sủa luôn kích thích khách hàng mua sắm hơn. Gian hàng phụ kiện được thiết kế cạnh tường để dễ lắp đặt giá treo.

    Cạnh tường là nơi các phụ kiện ốp lưng, vỏ da được trưng bày. Apple thậm chí còn có hẳn 1 khoảng tường để trưng bày những chiếc vỏ da với đầy đủ các màu sắc mà họ có để khách hàng dễ dàng cầm lên ốp thử vào điện thoại của mình xem hợp không. Tôi đánh giá đây là một cách bán hàng cực khéo của người khổng lồ công nghệ xứ Cupertino. Kế đó là các loại vỏ và SmartCover cho iPad cũng như các loại phụ kiện dạng bàn phím. Các hãng phụ kiện đối tác của Apple như Logitech, Belkin vẫn được chen chân vào Apple Store chứ không đến mức độc đoán như tôi từng nghĩ.

    Phụ kiện đắt tiền, ngớ ngẩn và đậm chất táo nhất của hãng, Apple Pencil Case cũng được bày bán với số lượng lớn. Mà nghe chừng có vẻ không ai quan tâm mấy đến sản phẩm này bởi số lượng hàng trên kệ còn khá lớn.

    Ở một khoảng tường khác là nơi trải nghiệm các loại dây đồng hồ cho Apple Watch. Ở đây tập hợp đủ các màu sắc và chất liệu để người dùng có thể thoải mái lựa chọn.

    Thôi quay lại với nhiệm vụ chính, đi bảo hành em MacBook Pro đã. Tiếp cận một Apple Genius bất kì, tôi được hướng dẫn ra 1 góc để gặp 1 Genius chuyên về đặt lịch hẹn bảo hành cho khách hàng. Dù hơi bất ngờ vì khoảng thời gian chờ lên tới 2 tiếng, tôi vẫn quyết tâm chờ để xem dịch vụ Apple xịn nó khác biệt thế nào. Đằng nào tôi cũng có thể tranh thủ làm việc trong lúc chờ đợi.

    Khu vực dịch vụ được đặt ở tầng 2. Cầu thang đi lên tuy không phải là cầu thang kính thường thấy ở các Apple Store khác nhưng lại có chất riêng. Ở tay vịn có in chỉ dẫn hướng đi và thậm chí còn có kí tự Braille để những người khiếm thị vẫn có thể xác định được phương hướng.

    Thực tế, Apple đưa ra một concept hoàn toàn khác biệt về dịch vụ bảo hành khi các Genius kĩ thuật sẽ tiếp xúc với bạn tại khu vực được gọi là Genius Bar. Dù đặt tên nghe như 1 quầy dịch vụ nhưng không, các Apple Genius và khách hàng có thể ngồi tại các ghế bục hay khu vực bàn hay thậm chí là gốc cây để trao đổi chứ không bị ngăn cách bởi một chiếc quầy hay bàn thường thấy tại các trung tâm bảo hành.

    Đây cũng là nơi các Genius có thể hướng dẫn khách hàng cách sử dụng sau khi mua sản phẩm. Chắc chắn ít hãng có chính sách phục vụ cận hậu mãi như Apple.

    Thậm chí, khi ghé thăm Apple Store, khách hàng cũng hoàn toàn có thể ngồi tại khu vực ghế gỗ hay gốc cây mà không cần mua sắm.

    Một màn hình quảng cáo kích thước cực lớn được đắt ở chính giữa để đưa thông tin về các chương trình đang và sẽ diễn ra tại tầng Genius Bar của Apple Store. Các chương trình này có thể bao gồm các khóa học ngắn trong vài giờ để hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm, các phần mềm của Apple hay những chương trình cực kì bổ ích như hướng dẫn con trẻ vẽ hay thậm chí là thiết kế ứng dụng.

    Các chương trình của Apple đều rất thiết thực và cũng không tốn quá nhiều thời gian của bạn. Thông tin chi tiết lịch các chương trình hướng dẫn trực quan của Apple Store Orchard có thể được tham khảo và đăng kí tại https://www.apple.com/sg/today/

    Bàn cao là nơi các khóa hướng dẫn được triển khai. Có thể thấy rất đông người đã đăng kí và trải nghiệm các khóa hướng dẫn này. Thậm chí, rất nhiều người lớn tuổi cũng đăng kí một khóa hướng dẫn sử dụng iPhone để có thể cập nhật với thời đại.

    Ở tầng 2 này Apple cũng đặt các kệ hàng với hầu hết là các phụ kiện bổ trợ như cáp sạc, cáp chuyển, dock cắm, Apple Airport, các loại ổ cứng của LaCie hay các gói phần mềm cho Mac. Bên cạnh đó, một gian trải nghiệm phụ kiện cho tất cả các thiết bị di động của Apple cũng được đặt ngay cạnh để khách hàng gần như không thể rời mắt khỏi các sản phẩm của Apple, nhất là sau khi vừa mua một thiết bị. Các loại vỏ, ốp, dây đồng hồ hay dock đều có thể được cầm lên để thử chứ không chỉ có tác dụng trang trí.

    Ở một góc khác là khu vực phụ kiện phục vụ những người năng động chăm thể thao. Các sản phẩm như tai nghe không dây, các thiết bị theo dõi sức khỏe hay dây nhảy Apple đều được bày bán tại đây. Các Apple Genius cũng sẽ luôn đảo qua và chỉnh lại vị trí của sản phẩm bày nếu bị lệch. Thế mới thấy Apple cầu kì và khắt khe đến nhường nào.

    Trải nghiệm giả lập Apple Home

    Kế đó là khu vực trải nghiệm Home của Apple. Trên màn hình là căn hộ giả lập được tích hợp Apple Home để chủ nhân có thể điều khiển đèn, quạt, rèm cửa bằng Apple Watch hay iPhone, iPad thông qua ứng dụng Home. Các thiết lập đều rất trực quan và dễ sử dụng cũng như thao tác đều rất mượt mà.

    Lan man nhiều rồi, giờ chúng ta quay lại nhiệm vụ chính. Quả thực, Apple Store cùng các Genius đã cho tôi một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Các Genius luôn niềm nở và nhiệt tình cũng như rất biết cách nắm bắt để chiều ý khách hàng. Như trường hợp của tôi, do hiện tại linh kiện thay thế chưa có sẵn phải đặt về nên hãng sẽ vẫn đặt cho tôi trước rồi cầm máy về dùng thay vì phải giữ máy lại cho đến khi hoàn thành việc bảo hành. Như vậy, ít nhất tôi vẫn có máy để làm việc trong thời gian chờ đợi linh kiện về. Đây là cách xử lý tình huống mà không một nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền nào từng làm.

    Quả thực trong hơn 2 tiếng đồng hồ tại Apple Store Orchard, tôi đã thực sự bị choáng ngợp. Không chỉ bởi quy mô của cửa hàng mà còn ở thái độ và cách tiếp cận của các Genius. Cũng hiểu vì sao người người nhà nhà đổ đến Apple Store để trải nghiệm hay bảo hành sản phẩm thay vì tới các cửa hàng và nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền. Nếu có cơ hội, tôi khuyên các bạn nên thử đến bất cứ một Apple Store trên thế giới để được trải nghiệm thế nào là dịch vụ khách hàng đích thực.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ