Trải nghiệm thực tế nhà ga đường sắt trên cao đầu tiên ở Việt Nam, niềm hy vọng giải quyết nạn ùn tắc giao thông
Cái nhìn tổng quan nhất về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thông qua ga mẫu La Khê, hệ thống quan trọng được hi vọng sẽ giảm bớt nhiều gánh nặng cho giao thông trong nội thành Hà Nội.
Sáng 20/5/2017 vừa qua, nhà ga mẫu La Khê - Hà Đông đã mở cửa cho người dân tham quan trước khi tiến hành chạy thử nghiệm toàn tuyến dự kiến vào tháng 9 tới đây.
Tổng quan dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được xây dựng theo thứ tự ưu tiên trong toàn bộ hệ thống giao tại thành phố Hà Nội, chạy qua quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông.
Lộ trình ĐSĐT tuyến Cát Linh - Hà Đông
Điểm bắt đầu của tuyến là phía nam, nút giao cắt giữa đường Cát Linh và đường Giảng Võ thuộc quận Đống Đa, đi theo đường Hào Nam theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, qua Hoàng Cầu tới đường Láng, chuyển men theo sông Tô Lịch theo phía Nam.
Tại đường Nguyễn Trãi vượt qua sông Tô Lịch, chạy men theo đường Nguyễn Trãi thẳng theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, đi qua đường Quang Trung, đường Trần Phú, sau vượt qua tuyến vành đai phía Nam đường sắt, tiếp tục chạy theo hướng Tây Nam đến điểm cuối cùng là bến xe Yên Nghĩa.
Tổng chiều dài tuyến đường là 13.021 km, tổng cộng có 12 ga, lần lượt là: ga Cát Linh, ga Đê La Thành, ga Thái Hà, ga Láng, ga Đại học quốc gia, ga vành đai 3, ga Thanh Xuân 3, ga bến xe Hà Đông, ga Hà Đông (Bệnh viện Hà Đông ), ga La Khê, ga Văn Khê, ga bến xe Hà Đông mới, khoảng cách trung bình giữa các ga khoảng 1156m.
Toàn tuyến sẽ được bố trí một Depot (ga tập kết, đang trong quá trình thi công), đặt ở phía nam ga Hà Đông, rộng 26,2 Ha.
Cận cảnh nhà ga mẫu La Khê, thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông
Cận cảnh nhà ga La Khê, thuộc tuyến ĐSĐT tuyến Cát Linh - Hà Đông
Theo đại diện BQL dự án, sau thời gian thi công, đến nay công tác hoàn thiện kiến trúc nhà ga La Khê đã cơ bản hoàn thành hiện trường xây dựng.
Nhà ga mẫu đã được mở cửa để đón người dân đến tham quan, BQL dự án sẵn sàng lắng nghe những ý kiến phản hồi của người dân từ trong vòng 1 tháng tính từ ngày 20/5/2017 đến hết ngày 20/6/2017.
Ga La Khê nằm trên đường Quang Trung, thuộc lộ trình Cát Linh - Hà Đông của tuyến đường sắt trên cao
Nhà ga mẫu La Khê đã được mở cửa để đón người dân đến tham quan trong vòng 1 tháng tính từ ngày 20/5/2017 đến hết 20/6/2017
Một trong hai lối đi bộ lên nhà ga La Khê, được trải thảm nhựa chống trơn trượt trong điều kiện thời tiết xấu
Với người trẻ khỏe thì không vấn đề gì, tuy nhiên với người cao tuổi thì cầu thang này là cả một "thử thách"
Chiều cao của lối đi từ mặt đất lên tương đương với một nhà ống 3 tầng
Nhà ga La Khê từ tầng 2
Theo như lời giới thiệu của dự án, nhà ga La Khê có cấu trúc 3 tầng, sử dụng kết cấu đúc khẩu độ lớn. Mái sử dụng vật liệu lấy sáng, có khả năng chống chịu mưa gió cao, giảm bức xạ mặt trời.
Ngoài ra, thiết kế nhà ga lấy cảm hứng từ người phụ nữ Việt Nam với tà áo dài, phù hợp với tư tưởng kiến trúc sinh thái trên thế giới. Còn mái vòm lấy cảm hứng thiết kế châu Âu. Kết cấu mở của nhà ga có lợi cho việc thoát nước và giảm nhiệt độ khi mùa hè tới.
Lối vào khu trưng bày, sau khi hoàn thiện sẽ trở thành đường vào khu soát vé, có cầu thang lên tàu ở từ tầng hai.
Theo cảm quan cá nhân trong vai trò một khách đi tàu, ga La Khê thực sự rất đồ sộ, lối kiến trúc khá hiện đại.
Bên cạnh cầu thang bộ lên ga, còn có hệ thống thang máy dành cho người khuyết tật (đang thi công, chưa đưa vào sử dụng)
Bên trong khu trưng bày, hai bên là lối lên tầng ba cho 2 chuyến tàu khác nhau: Yên Nghĩa - Cát Linh
Cổng soát vé... mô hình, sau khi hoàn thiện sẽ là hệ thống kiểm soát vé bằng thẻ
Ở tầng hai, cơ sở hạ tầng cơ bản đã hoàn thành cơ bản 80%, chưa được trang bị điều hòa nhiệt độ nhưng vẫn tương đối mát mẻ dù ngoài trời đang rất oi nóng
Bên cạnh các biển báo hướng dẫn, diễn giải các thông tin liên quan đến ga. Còn có những mô hình chi tiết về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Mô hình tầng 3 ga La Khê sau khi hoàn thiện
Mô hình phối cảnh từ trên cao
Nếu hoàn thành đúng như mô hình thiết kế, ga La Khê sẽ đóng góp cho vẻ đẹp rất "metro" của Hà Nội
Cầu thang lên tầng 3 khá dốc và cao, tương đối khó khăn cho việc đi lại của người cao tuổi và trẻ nhỏ
Theo thông tin phản ánh của người dân, do cầu thang bộ khá cao nên người dân, nhất là người già và trẻ em khi đi lên tầng nhà ga (tầng mua vé) và tầng ke ga (tầng đợi tàu) sẽ bị mệt, khó khăn cho việc đi lại, theo thiết kế tại các nhà ga được bố trí đồng bộ hai hệ thống cầu thang riêng biệt cho mỗi mặt của nhà ga.
Mỗi hệ thống bao gồm cầu thang bộ, cầu thang cuốn tự động và cầu thang máy/thang nâng có chức năng khác nhau; trong đó, riêng cầu thang máy/thang nâng dành riêng cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng tham gia đi tàu.
Hiện nay, thiết bị thang cuốn tự động, tháng máy/thang nâng chưa được lắp đặt xong. Sau khi các thiết bị này được lắp đặt, người dân có thể sử dụng để di chuyển lên nhà ga một cách thuận tiện.
Bên dưới cầu thang lên tàu Yên Nghĩa - Cát Linh là nhà vệ sinh công cộng, tuy nhiên vẫn chưa được sử dụng. Hãy chắc chắn rằng bạn đã đi vệ sinh ở nhà trước khi tới tham quan
Đi hết cầu thang là khu vực chờ tàu của tuyến Cát Linh - Hà Đông
Theo thông tin của BQL, hệ thống cửa ke ga tự động có thể sẽ được lắp đặt trong tương lai. Vào giờ cao điểm, nếu hành khách không may ngã xuống đường ray sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em
Đây là đoàn tàu có 4 toa, ký hiệu từ HN01 đến HN04, so với đầu tàu mẫu, đoàn tàu chính thức có hình dáng bên ngoài bắt mắt hơn
Đầu tàu trông không khác nhiều so với toa tàu mẫu được trưng bày hồi cuối tháng 10/2015 tại triển lãm Giảng Võ, vẫn giữ nguyên màu sơn xanh và biểu tượng Khuê Văn Các
Hệ thống kết nối đàn hồi mềm giữa các toa tàu
Theo nhà sản xuất, khung tàu được chế tạo bằng kết cấu thép không rỉ, nhập khẩu từ Đức. Linh kiện động cơ của tàu được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Bỉ...
Tàu chạy bằng điện với hệ thống cung cấp điện từ ray thứ 3, có an toàn và ổn định cao cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị. Đoàn tàu là loại có cabin lái hai chiều và hoàn toàn có thể đổi chiều ở cả hai đầu của đoàn tàu.
Chiều dài trung bình toa xe sẽ là khoảng 20m với 4 cửa bên (mỗi phía) cho một toa xe. Tốc độ tối đa của đoàn tàu khi vận hành là 80 km/h. Mỗi đoàn tàu có thể chuyên chở tối đa khoảng 1000 hành khách (theo tiêu chuẩn châu Âu 6 hành khách/m²).
Khổ ray tiêu chuẩn 1435mm, sử dụng công nghệ hàn liền để đảm bảo tốc độ cao, chống ồn, chống rung, được lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.
Hệ thống thông tin tín hiệu sử dụng công nghệ hiện đại nhất trên thế giới, có khả năng đáp ứng linh hoạt các yêu cầu về tổ chức vận hành tàu, đảm bảo an toàn và độ chính xác cao. Hệ thống đóng đường và điều khiển chạy tàu cho dự án áp dụng công nghệ "CBTC – Communication Based Train Control". Đây là công nghệ đóng đường động, giúp rút ngắn thời gian giãn cách giữa các tàu. Công nghệ này đang được áp dụng cho các hệ thống metro hiện đại nhất của châu Âu và thế giới.
Tuyến 2A: Cát Linh - Hà Đông sẽ có 13 đoàn tàu (52 toa xe) với 4 toa xe/đoàn tàu. Chiều dài đoàn tàu 79 m, chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8 m, độ rộng lớn nhất toa tàu 2,8 m, tốc độ tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/giờ. Năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng.
Khe hở giữa tàu và ke ga khá lớn, với bàn chân của người trưởng thành vẫn có thể để lọt, mong rằng trong tương lai BQL dự án sẽ có những biện pháp khắc phục, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra
Về vấn đề khe hở giữa tàu và ke ga, BQL cho biết: Đoàn tàu trong quá trình di chuyển sẽ có lắc ngang, để tránh đoàn tàu va chạm vào ke ga trong quá trình di chuyển thì phải bố trí khe hở giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe của đoàn tàu.
Dự án được thiết kế và thi công theo quy chuẩn GB50157-2003 của Trung Quốc, khoảng cách giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe là từ 80 - 100mm, đối với đoạn đường cong không được lớn hơn 180 mm.
Do đoàn tàu chưa tiến hành đóng điện để căn chỉnh lại hệ thống thủy lực giảm xóc dẫn đến đoàn tàu có hiện tượng bị nghiêng ra phía ngoài ga nên nhìn thấy khe hở có rộng hơn so với yêu cầu. Sau khi đoàn tàu được đóng điện, căn chỉnh thủy lực sẽ bảo đảm đúng quy chuẩn thiết kế.
Không gian bên trong toa tàu khá rộng rãi, nội thất được làm chủ yếu từ vật liệu composite có khả năng cách nhiệt. Phần ghế màu vàng ưu tiên cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người tàn tật
Ghế ngồi khá rộng rãi (ngồi đủ 6 - 8 người lớn) được bố trí dọc theo thành tàu, thiết kế này sẽ tạo thuận lợi cho hành khách lên xuống tàu, tránh ùn tắc
Mỗi toa có 8 cửa lên xuống rộng 1,3m dành cho khách ở cả 2 phía thân tàu. Toa tàu rộng khoảng 2,8m, bố trí 6 ghế dài, 2 hàng cột cong về phía giữa toa, dọc theo lối đi giúp hành khách đứng bám ổn định khi đông. Hai đầu của toa xe bố trí khu vực dành cho xe lăn, ghế ngồi ưu tiên (màu vàng).
Màu sắc chủ đạo nội thất là màu ghi sáng, các tấm ốp đầu ghế, các tay vịn cho khách đứng trên toa sử dụng màu xanh lá cây; tổng thể nội thất chung trong toa (tàu ghế, trần, vách đứng, cửa) lựa chọn màu ghi sáng, tạo cảm giác sáng sủa, sạch sẽ.
Khung cảnh giống y hệt "Train to Busan", nhưng đây sẽ là "Train to Cát Linh/Hà Đông"
Bản đồ dạng đèn LED bố trí phía trên các cửa lên xuống, hiển thị rõ ràng, thể hiện các thông tin thuận tiện cho hành khách đi tàu (ga sắp đến, ga đang dừng, bản đồ tuyến, thời gian, phía cửa mở…)
Toàn bộ số đầu kéo, toa tầu và nội thất được sản xuất bởi công ty BSR (Công ty trách nhiệm hữu hạn thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh - Beijing Subway Rolling Stock Equipment Co.,ltd)
Hệ thống vận hành ở đầu kéo vẫn đang được phủ kín, chờ tới ngày chính thức đi vào hoạt động
Góc nhìn từ buồng lái
Dù thông tin BQL cung cấp về hệ thống nội thất nghe rất "đã tai", tuy nhiên theo cảm quan cá nhân thì những chi tiết này gia công chưa thực sự tốt
Theo BQL , tuyến đường sắt 2A có năng lực chuyên chở lớn, góp phần giảm ách tắc cho tuyến đường huyết mạch của thủ đô. Thời gian chạy tàu hàng ngày dự kiến từ 5h00 đến 23h00. Thời gian chạy tàu từ ga Cát Linh - ga Yên Nghĩa (hoặc ngược lại) hết khoảng 25,5 phút.
Mỗi đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị số 3 có năng lực chuyên chở gấp hàng chục lần so với xe buýt, với tốc độ tối đa lên đến 80km/h, không chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tắc đường do có đường chạy riêng. Thời gian chạy tàu từ ga Nhổn đến ga Hà Nội (hoặc ngược lại) chỉ hết khoảng 20 phút.
Danh sách vận chuyển (theo Hanoi Metro)
Sơ lược hướng dẫn sử dụng hệ thống Metro nói chung trên thế giới, chi tiết xem thêm tại đây
Mua vé:
Để sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt đô thị, hành khách có thể mua vé tại Quầy dịch vụ Khách hàng (Passenger Service) hoặc tại Máy bán vé tự động.
- Có nhiều loại vé để hành khách lựa chọn:
- Vé đi theo lượt.
- Vé đi theo ngày, tuần, tháng.
- Vé theo nhóm nhiều người.
- Vé điện tử (IC Card) kết hợp nhiều tiện ích khác.
Soát vé
- Để đi vào khu vực chờ tàu (ke ga), hành khách đưa vé vào khe có mũi tên trên cổng soát vé.
- Đối với thẻ IC Card cần đặt thẻ lên mặt trên của một trong các cửa soát vé tự động. Khi nghe tiếng “tít”, cửa sẽ mở để hành khách đi qua.
- Hành khách giữ vé vừa sử dụng để soát vé một lần nữa tại ga cần đến.
Di chuyển đến điểm đợi tàu
- Sau khi qua cổng soát vé, hành khách có thể di chuyển đến điểm đợi tàu bằng hệ thống thang bộ hoặc thang cuốn. Hệ thống thang máy được dành riêng cho người khuyết tật.
- Tại mỗi nhà ga có 2 đường chạy tàu theo 2 hướng khác nhau. Hành khách có thể nhận biết hướng chạy tàu nhờ các biển chỉ dẫn đặt tại nhà ga và xếp theo hàng dọc tại các vị trí có kẻ vạch màu (vị trí cửa tàu khi tàu dừng lại).
Lên tàu
- Khi tàu dừng lại tại ke ga, đợi hành khách trên tàu xuống hết rồi mới bắt đầu lên tàu và tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên nhà ga (nếu có).
- Khi bước lên tàu điện, cần chú ý khoảng trống giữa ke ga và tàu để tránh bước hụt chân.
- Lưu ý: nhường chỗ ngồi cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật. Trên tàu có vị trí riêng dành cho người tàn tật (sử dụng xe lăn).
- Theo dõi hành trình tại cửa ra vào tàu, bảng điện tử chạy chữ thông báo từng ga vừa đi qua / ga sắp tới , hoặc thông tin hướng dẫn hành khách qua phát thanh để kịp thời xuống ga cần đến.
Chuyển tuyến (nếu có)
- Hành khách dựa trên bản đồ mạng lưới đường sắt đô thị tại các nhà ga, trên tàu để biết các ga kết nối với Tuyến ĐSĐT khác, hoặc trạm xe buýt lân cận.
- Hành khách xuống tàu tại ga trung chuyển (phù hợp với lộ trình của mình), di chuyển theo biển chỉ dẫn trong ke ga và thực hiện thao tác soát vé để đi Tuyến ĐSĐT tiếp theo, hoặc;
- Quẹt thẻ vé tại cổng soát vé tự động để ra khỏi ga tàu điện và tiếp tục di chuyển đến trạm xe buýt.
Di chuyển ra khỏi ga, kết thúc hành trình
- Hành khách xuống tàu khi tàu dừng tại ga cần đến và di chuyển ra khỏi nhà ga theo các biển chỉ dẫn;
-Dùng thẻ vé đã sử dụng khi bắt đầu hành trình để đi qua cổng soát vé tự động. Cách thức tương tự như khi vào nhà ga.
- Nếu hành khách dùng vé 1 lượt, máy sẽ giữ lại vé khi kết thúc hành trình.
Tổng kết
Với những con số và cảm quan ban đầu, chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ góp phần giảm thiểu vấn nạn ùn tắc giao thông diễn ra tại khu vực nội đô suốt nhiều năm qua.
Những gì người dân tại Hà Nội đang mong ngóng và quan tâm nhất có lẽ là sự an toàn, cách vận hành và chất lượng dịch vụ. Chúng ta sẽ phải đợi tới khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động mới có câu trả lời chính xác.
Vài vấn đề khác như các ga tàu có đồng bộ tốt với các loại hình vận tải khác hay không, vẫn chưa có chỗ gửi xe cho hành khách, di chuyển lên ga tốn sức... có lẽ sẽ được dần dần khắc phục trong tương lai. Nếu đáp ứng được những nhu cầu này, chắc chắc loại hình giao thông công cộng mới này sẽ được người dân hưởng ứng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Nửa đêm, Facebook sập trên toàn cầu, Instagram, Threads cũng không thể truy cập