Tranh chấp thiết kế trị giá tỷ đô giữa Apple và Samsung: Những điều còn bỏ ngỏ

    Ngocmiz,  

    Cuối cùng thì giá trị của một mẫu thiết kế máy cao đến đâu nếu như chỉ 1-2 năm sau người ta đã thải loại nó bằng một màn lột xác mới?

    Sáng thứ ba vừa qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã tổ chức phiên tòa xét xử tranh chấp lâu năm giữa Apple và Samsung. Các cáo buộc vẫn xoay quanh giá trị thực sự của thiết kế iPhone – hình dáng chữ nhật bo tròn mà Samsung đã sử dụng lại trên một số mẫu điện thoại của mình.

    Vấn đề liên quan đến hàng trăm triệu USD lợi nhuận Samsung đã thu về từ các dòng máy kia. Thế nhưng giá trị thực sự của những thiết kế này đến đâu lại rất khó đánh giá, bởi hiện những dòng máy này cũng không còn được nhiều người sử dụng nữa.

    Vụ việc này khởi phát từ năm 2011, khi Apple kiện Samsung ăn cắp bản quyền thiết kế iPhone. Không như những bản quyền phát minh thông thường, bản quyền thiết kế thường bảo vệ các chi tiết bề ngoài sản phẩm như kiểu dáng chiếc đàn piano, họa tiết trên chiếc thảm hay đường viền quanh một chiếc smartphone.

    Bản quyền thiết kế cũng thường là những chi tiết khác thường cấu thành sản phẩm và có giá trị tương đương các bản quyền phát minh. Theo một điều luật được ban hành từ năm 1887, nếu quan tòa đưa ra phán quyết một đơn vị nào đó ăn cắp bản quyền thiết kế một sản phẩm của bên khác thì bên ăn cắp không chỉ phải đền bù những thiệt hại đã gây ra cho bên kia mà còn phải hoàn trả hết “toàn bộ lợi nhuận” thu được từ sản phẩm đó.

    Chính vì vậy mà kể từ cáo buộc Samsung ăn cắp thiết kế cạnh bo tròn, Apple đã liên tục yêu cầu Samsung đền bù hết lợi nhuận thu được từ các dòng máy “na ná” iPhone – ngay cả khi phần nhiều trong đó có được từ cấu hình, hiệu năng máy chứ không phải đơn thuần từ thiết kế. Tòa án Liên bang cũng có vẻ như đã chấp thuận ý kiến này khi dựa vào điều luật năm 1887 về việc chi trả tất cả số lãi từ các sản phẩm đã bán.

    Tuy nhiên, tại Tòa án Tối cao, tất cả mọi người (bao gồm cả Apple, Samsung và bồi thẩm đoàn) đều đồng ý rằng phán quyết tại phiên tòa cấp dưới đã sai và “toàn bộ lợi nhuận” ở đây nên được hiểu giới hạn ở mức “mặt hàng sản xuất” - ở đây là phần vỏ máy - chứ không phải là toàn bộ máy. Trong trường hợp các bản quyền thiết kế máy bo tròn 4 góc, Samsung tranh luận rằng hãng chỉ đáng phải nộp phạt cho phần thiết kế chứ không phải toàn bộ chiếc máy.

    Cuối cùng, tranh cãi lại quay về việc làm thế nào để tách được phần lợi nhuận có được từ vỏ máy khỏi phần lợi nhuận có được từ các bộ phận bên trong?

    Tranh chấp thiết kế trị giá tỷ đô giữa Apple và Samsung: Những điều còn bỏ ngỏ - Ảnh 1.

    Hình ảnh bản quyền thiết kế chiếc iPhone mà Apple cho là Samsung đã ăn cắp thiết kế.

    Tất nhiên mẫu máy này hiện không còn được xuất xưởng nhưng vụ kiện về nó vẫn còn rất nóng vì hai lý do:

    1. Vụ kiện thể hiện thực tế chúng ta đang quá coi nhẹ mặt thiết kế của một chiếc smartphone. Apple dành hầu hết thời gian tranh cãi tập tring vào luận điểm cho rằng thiết kế điện thoại chính là lý do hàng đầu khiến người dùng mua máy. Khi một dòng iPhone mới ra mắt, người dùng ngay lập tức muốn mua cũng bởi họ quá yêu thích thiết kế của nó.

    Một số thẩm phán cũng chú ý đến thực tế kỳ quặc là không ít người mua sản phẩm hoàn toàn vì thiết kế của chúng. Thế nhưng khi soi xét lại vụ việc kiện tụng về bản quyết thiết kế trên chiếc xe Volkswagen Beetle, nhiều người cũng phải đồng ý rằng người tiêu dùng mua máy không đơn thuần chỉ vì thiết kế mà còn vì hiệu năng của chúng. Nếu thiết kế là yếu tố quan trọng duy nhất thì nhiều người hẳn đã cảm thấy hài lòng với một chiếc điện thoại vô dụng mang vỏ iPhone.

    2. Những thay đổi trên thiết kế iPhone phản ánh chính xác cục diện thay đổi chóng mặt của ngành công nghiệp thiết kế. Ngay cả những công ty thiết kế “đỉnh” như Apple cũng không thể xây dựng thành công chỉ dựa trên hình dáng chiếc máy. Giá trị của một mẫu thiết kế máy cao đến đâu nếu như chỉ 1-2 năm sau người ta đã thải loại nó bằng một màn lột xác mới?

    Cuối cùng thì, các thẩm phán tại Tòa án Tối cao đang nghiêng về hướng bác bỏ cáo buộc đền toàn bộ lợi nhuận từ phía Apple. Nhiều khả năng Samsung sẽ chỉ phải chịu phạt một phần nào đó hợp lý hơn.

    Đây không chỉ là một thông tin quan trọng đối với những cuộc chiến smartphone mà còn liên quan mật thiết đến giới công nghệ, nơi các sản phẩm cấu thành từ hàng ngàn chi tiết rất dễ bị “đụng hàng” nhau chỗ này hay chỗ khác. Rất nhiều công ty có lẽ đã thở phào nhẹ nhõm trước quyết định này từ phía quan tòa.

    Tham khảo Motherboard

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ