Trào lưu “nghỉ hưu non” của người trẻ Trung Quốc: Làm việc quần quật để đổi lấy sự tự do tự tại, vô lo vô nghĩ trước tuổi 30, liệu có xứng đáng không?

    Ngọc Nhi, Trí thức trẻ 

    Đời người chỉ là mấy chục năm, được nghỉ hưu sớm để sống cuộc đời mình mong muốn thực sự là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.

    Đi làm cho đến khi "vinh quy bái tổ" là biểu tượng vinh dự cho thế hệ đi trước.

    Còn đối với thế hệ trẻ, điều này chẳng khác nào "thạch tín" bôi mật.

    Đối với thế hệ thanh niên mới, họ sẽ không lo lắng nhiều về các vấn đề trong cuộc sống. Thay vào đó, người trẻ theo đuổi chất lượng cuộc sống hơn. Những gì họ muốn là một "thiên đường" không bị ràng buộc về thời gian, sự áp chế về hiệu suất.

     Trào lưu “nghỉ hưu non” của người trẻ Trung Quốc: Làm việc quần quật để đổi lấy sự tự do tự tại, vô lo vô nghĩ trước tuổi 30, liệu có xứng đáng không? - Ảnh 1.

    Trên thực tế, "nghỉ hưu sớm" đã trở thành "mong ước được ấp ủ từ lâu" của giới trẻ Trung Quốc. Nghỉ hưu ngay bây giờ, ngay lập tức chính là một "giấc mơ đẹp". Nhưng nó cũng là áp lực đè nặng lên đôi vai của những người trẻ tuổi.

    Một năm trước, Lý Chí, 39 tuổi, người Thượng Hải, đã nghỉ hưu "non" và kết thúc 15 năm làm việc vất vả. Trước đó, anh làm kỹ sư trong một công ty ô tô ở Thượng Hải. Đồng nghiệp đều cho rằng Lý Chí nhảy việc tới nơi khác tốt hơn. Chỉ có anh biết rằng kế hoạch ấp ủ bấy lâu nay cuối cùng đã thành hiện thực.

    Gần đây, có nhiều người trẻ và trung niên ở nước tỷ dân chú ý đến việc lập kế hoạch lương hưu trước. Theo Báo cáo Hưu trí Quốc gia do Đại học Thanh Hoa phát hành vào tháng 10 năm 2020, hơn 70% những người "sau những năm 90" đã bắt đầu xem xét việc lập kế hoạch lương hưu và tỷ lệ tương ứng của những người "sau 80" là 80%.

    Một nhóm trên Douban có tên "FIRE Life" được thành lập vào ngày 19/4/2020 và chỉ sau 1 năm nhóm đã có gần 100.000 thành viên. Nhóm này chuyên thảo luận về kế hoạch nghề nghiệp và chủ nghĩa tối giản liên quan đến nghỉ hưu sớm và các chủ đề khác như cuộc sống, tiêu dùng, đầu tư...

    FIRE (Độc lập tài chính, Nghỉ hưu sớm), tên đầy đủ là "Financial Independence Retire Early", có nghĩa là độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm. Đây là một phong cách sống bắt đầu ở Hoa Kỳ. Những người ủng hộ tin rằng bằng cách giảm ham muốn vật chất và sống một cuộc sống tối giản, họ có thể nhanh chóng tiết kiệm tới 25 lần chi phí sinh hoạt trong một năm, và sống bằng 4% thu nhập tài chính mỗi năm, và họ có thể nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 30.

    Tuy nhiên, có rất ít người trong nhóm đạt được thành tích nghỉ hưu sớm như Lý Chí.

    Nghỉ hưu "non" đã gieo mầm trong lòng Lý Chí từ rất sớm

     Trào lưu “nghỉ hưu non” của người trẻ Trung Quốc: Làm việc quần quật để đổi lấy sự tự do tự tại, vô lo vô nghĩ trước tuổi 30, liệu có xứng đáng không? - Ảnh 2.

    "Nghỉ hưu trước 40 tuổi, làm chủ cuộc đời 20 năm" trở thành mục tiêu sống của anh.

    Năm 2004, Lý Chí, tốt nghiệp đại học, vào làm việc tại một công ty hậu cần quốc doanh với mức lương tạm chấp nhận được. Nhưng giờ làm việc của Lý Chí lại vô cùng khắc nghiệt, chỉ cần hàng về là người phải có mặt, bận đến mức nhiều khi khiến anh "thở không ra hơi".

    Công việc của Lý Chí tương đối vất vả, làm việc quần quật từ thứ hai đến thứ bảy, nghỉ giao ca vào chủ nhật. Ngoài ra, nhiều lúc anh còn phải tăng ca đến 9-10h tối.

    Thời gian thấm thoắt qua đi, vào một ngày tăng ca, Lý Chí như thường lệ gọi đồng nghiệp đi ăn tối, nhưng bước vào phòng làm việc gọi không thấy ai trả lời. Chỉ thấy đồng nghiệp nằm bất động. Một người đàn ông mới khoảng 40 tuổi, đột tử mà không một lời từ biệt. Sự việc này đã giáng mạnh vào tâm lý của anh.

    Sự kiệt quệ về thể chất chưa thấm vào đâu so với việc tinh thần bị héo mòn từng ngày, bởi đi làm cũng không có ngày nào vui vẻ. Sau đó anh chuyển việc và làm cho tới khi "nghỉ hưu".

    Nhiều người liên hệ nghỉ hưu sớm với sự giàu có. Lý Chí cũng đồng ý với điều đó. Tuy nhiên, anh cho rằng điều cần thiết hơn cả chính là ý chí: "Bạn có thể hành động khi tiết kiệm đủ tiền trong cuộc sống hàng ngày".

    Năm 2008, Lý Chí mua một căn nhà rộng hơn 100m2 ở Thượng Hải. Căn hộ là bước đệm để thực hiện kế hoạch nghỉ hưu "non" của anh. Ngoài ra, anh còn để ý tới các loại cổ phiếu và đầu tư khác để tạo nguồn thu nhập thụ động.

    Sau một năm nghỉ hưu, thu hoạch lớn nhất của Lý Chí là "không cần phải giả vờ". Không cần phải nhìn sắc mặt của lãnh đạo hay đồng nghiệp, việc thích hay không thích là hoàn toàn tùy thuộc vào lựa chọn của Lý Chí.

    Đơn giản tạo nên sự khác biệt

    Lê Sưởng, 32 tuổi, người Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp vào năm 2013, cô và chồng đã chọn ở Bắc Kinh phát triển. Chồng cô là người ngoại tỉnh, nhà có nợ nên hai vợ chồng chỉ biết chăm chỉ làm ăn, xoay xở đầu tư tài chính và muốn mua nhà bằng tiền của mình để chứng minh cho hai bên gia đình thấy rằng họ có thể tự mình sống tốt.

    Năm 2014, chồng Lê Sưởng khởi nghiệp và sự nghiệp phất lên nhanh chóng. Sau đó nửa năm, cô chính thức nghỉ hưu ở nhà. Quãng thời gian đầu không đi làm, Lê Sưởng dùng từ "biến chất" để miêu tả bản thân.

    Cô chia sẻ: "Tôi dậy lúc 5h sáng mỗi ngày và nằm trên giường xem tin tức. Đói thì gọi đồ ăn về nhà. Sau đó, xem thông tin tài chính và dắt chó đi dạo".

    Sau nửa năm sống buông thả, cô đã điều chỉnh trở lại nhịp sống bình thường và hướng tới lối sống đơn giản. Hiện tại, cô không còn mua quần áo, giày dép, sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm, cũng không thích đi du lịch, đồng thời tìm một công việc dạy học bán thời gian tại nhà. Khoản chi lớn nhất trong đời là dành cho chó mèo.

    Đối với cô gái sinh ra trong một gia đình nghèo khó như Lâm Quý thì lại có lối sống khác. Tuy nhiên, cô cũng bất ngờ thay đổi đường băng trong cuộc đời thăng tiến của mình.

    Lâm Quý, sinh năm 1982, gốc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc mong muốn thay đổi tình hình tài chính của gia đình. Sau khi tốt nghiệp năm 2005, cô trở thành một huấn luyện viên yoga và làm thêm 3 công việc trong thời gian rảnh.

    Lâm Quý mô tả về bản thân vào thời điểm đó: "Chỉ cần có thể kiếm tiền, tôi có thể từ bỏ sinh mạng của mình".

    Trong vài năm tiếp theo, dựa vào công việc kinh doanh nhỏ và tính cách kiên cường chăm chỉ, Lâm Quý dần dần kiếm được một khoản tiền tiết kiệm cho riêng mình.

    Nhưng làm việc quá tải và căng thẳng trong thời gian dài khiến Lâm Quý kiệt sức. Đã có nhiều lần cô thầm thương lấy thân và than thở rằng tại sao lại phải sinh ra để chịu khổ. Nhưng rồi Lâm Quý chợt nhận ra đây không phải là cuộc sống mà cô mong muốn.

    Lâm Quý cũng bày tỏ rằng mình sẽ "nghỉ hưu non" và hiện tại đã chuyển sang làm nghề tự do.

    Cô dựa vào thu nhập từ việc làm trang web và dạy các lớp yoga để trang trải chi phí sinh hoạt.

    Đánh đổi cuộc sống hôn nhân

     Trào lưu “nghỉ hưu non” của người trẻ Trung Quốc: Làm việc quần quật để đổi lấy sự tự do tự tại, vô lo vô nghĩ trước tuổi 30, liệu có xứng đáng không? - Ảnh 3.

    Nghỉ hưu sớm là một lựa chọn thích hợp với những người chưa kết hôn hoặc chưa có con cái.

    Lý Chí ngay từ đầu đã hiểu rằng quyết định nghỉ hưu sớm đồng nghĩa với việc từ bỏ hôn nhân và sinh con. Anh đã tóm tắt chiến lược nghỉ hưu sớm của mình với "bốn trống": bảo hiểm thất nghiệp trống rỗng, tài khoản quỹ dự phòng trống, an sinh xã hội và thẻ bảo hiểm y tế trống.

    Còn Lâm Quý không được tự do như Lý Chí, cô buộc phải kết hôn do mẹ ép. Nhưng hai vợ chồng có quan niệm sống hoàn toàn khác nhau nên đã ly hôn. Con gái hiện ở với chồng cũ của Lâm Quý.

    "Lúc đầu tôi không muốn sinh con. Anh ấy nói rằng anh ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm khi tôi sinh ra. Giờ là lúc anh ấy thực hiện lời hứa của mình"- Lâm Quý trả lời câu hỏi của cư dân mạng Douban.

    Tuy nhiên sau đó, mẹ Lâm Quý lại một lần nữa "dằn mặt" con gái. Bà cho rằng phụ nữ phải có chồng mới yên ổn và ép cô tái hôn. Nhưng lần này cô không chọn thỏa hiệp mà sống với đúng mong ước của bản thân.

    Giờ đây, 2 mẹ con cô sống cùng nhau nhưng rất ít khi nói chuyện, trở thành những người thân xa lạ cùng chung sống trong một mái nhà.

    Vợ chồng Lê Sưởng lại cùng chung lý tưởng khi cả hai đều không muốn có con, và đương nhiên trường hợp giống họ rất ít. Mới đây Lê Sưởng dự định xây dựng một viện dưỡng lão cho những người có cùng lối sống nghỉ hưu sớm giống mình.

    Đối với một số doanh nhân đạt được mục tiêu tài chính từ trước, việc họ có đủ tuổi nghỉ hưu theo luật định hay không không còn là vấn đề khó khăn.

    Cần một chút may mắn

    Được nghỉ hưu sớm, nhiều người cảm thấy mình đã được hưởng cổ tức của thời đại, lúc đầu giá nhà đất ở các thành phố hạng nhất chưa quá cao như bây giờ, và sự phát triển của Internet đã mang lại nhiều của cải cùng cơ hội.

    Năm 2008, Lý Chí đã mua được nhà. Nếu không có căn nhà này, người làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước như anh có lẽ sẽ không thể thực hiện được kế hoạch nghỉ hưu sớm của mình.

    Làm thế nào để chuẩn bị trước cho việc nghỉ hưu và đảm bảo tự do tài chính?

     Trào lưu “nghỉ hưu non” của người trẻ Trung Quốc: Làm việc quần quật để đổi lấy sự tự do tự tại, vô lo vô nghĩ trước tuổi 30, liệu có xứng đáng không? - Ảnh 4.

    1. Theo mức sống lý tưởng, hãy đặt trước số tiền mục tiêu khi nghỉ hưu

    Trước khi nghỉ hưu, tốt nhất bạn nên lập kế hoạch trước và loại cuộc sống mà bạn muốn sống sau khi nghỉ hưu. Sau đó sử dụng mức tiêu dùng tương ứng để tính xem bạn nên tiết kiệm bao nhiêu tiền.

    Dưới đây là quy tắc 4% để tham khảo, nghĩa là nhân chi phí sinh hoạt trong một năm với 25 để làm mục tiêu tiết kiệm tiền. Sau khi đạt được mục tiêu 25 lần, thông qua việc quản lý tài chính và các phương pháp khác, hãy cố gắng cho lợi tức đầu tư hàng năm khoảng 4% và tiếp tục có được thu nhập để duy trì cuộc sống sau khi nghỉ hưu.

    2. Xây dựng kế hoạch tài chính tương ứng để giảm các khoản chi tiêu không cần thiết

    Trong khi làm việc chăm chỉ để tích lũy tiền gốc, chúng ta có thể sử dụng các phương pháp đầu tư thận trọng, chẳng hạn như mua bất động sản, quỹ đầu tư cố định, hoặc thậm chí gửi tiền tiết kiệm, để duy trì lợi nhuận 4% hàng năm với số tiền này.

    Mặt khác, ngoài việc tiết kiệm tiền bằng cách "khơi thông nguồn", "tiết kiệm" cũng là một cách quan trọng để đẩy nhanh việc thực hiện chế độ hưu trí. Bạn có thể giảm thêm chi phí sinh hoạt bằng cách giảm ham muốn tiêu dùng, giữ tài khoản và xem xét lại hành vi tiêu dùng của bản thân, đồng thời giúp bạn tiết kiệm đủ vốn trước để đẩy nhanh cuộc sống lý tưởng của mình.

    3. Sử dụng công việc bán thời gian để tăng tiết kiệm một cách hiệu quả

    Làm một công việc phụ cũng là một phương tiện quan trọng để tăng thu nhập. Nó không chỉ giúp bạn thiết lập một kênh thu nhập đa dạng mà còn giúp bạn hoàn thành quá trình chuyển đổi từ "công nhân" thành "ông chủ". Trong quá trình đó, bạn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội thăng tiến mà khi đi làm khó xuất hiện.

    Suy cho cùng, nghỉ hưu "non" không phải là chuyện đúng hay sai mà là do sự lựa chọn của cá nhân. Điều quan trọng nhất là mỗi người nên tìm cho mình một hướng đi thực sự phù hợp với mình và lên kế hoạch thỏa đáng cho việc này.

    Trong một xã hội đa dạng, mọi người đều có quyền lựa chọn cách sống cho mình. Do vậy, hiện tượng "thanh niên muốn nghỉ hưu sớm" phản ánh sự thay đổi trong lối sống hay thái độ sống, và sự thay đổi này không thể tách rời với giai đoạn phát triển của xã hội. Nỗi lo về công việc do hệ thống làm việc "996" và văn hóa "giống loài sói" mang lại, nỗi lo về gia đình do "thế hệ sandwich" nuôi con nhỏ và hỗ trợ người già, và nỗi lo về tương lai phát triển của chính họ ...

    Đây có thể là lối thoát mà những người trẻ, đặc biệt là những người trên dưới 30 tuổi đang muốn thực hiện khi đối mặt với áp lực cuộc sống.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ