Trên tay máy nghe nhạc iBasso DX120 vừa về Việt Nam: có sạc nhanh, giải mã 32Bit/384kHz, chiến native DSD nhưng giá hơn 7 triệu đồng!
Phá bỏ những nguyên tắc thiết kế đã từng làm nên thành công của bộ đôi huyền thoại DX50&DX90, liệu DX120 có đưa iBasso trở lại những ngày tháng vinh quang...
Nhắc tới cái tên iBasso, có lẽ rất nhiều người chơi nhạc ở Việt Nam sẽ đầy hoài niệm với portable DAC/AMP iBasso Dzero nhỏ bé đầy sức mạnh, những chiếc máy nghe nhạc DX50, DX90 hay huyền thoại DX100 sở hữu màn hình cảm ứng lớn đi trước thời đại, chạy Android, có phần mềm nghe nhạc riêng khi những đối thủ cùng thời vẫn còn là "cục gạch" đúng nghĩa.
Thế nhưng thành công của iBasso nhanh chóng bị đuổi kịp khi những ông lớn khác như Sony, Fiio, Astell&Kern hay Cowon đều đầu tư mạnh mẽ vào mảng thị trường âm thanh di động béo bở. hãng đã chọn cách "im hơi lặng tiếng", thay đổi thiết kế, đổi mới sản phẩm của mình để cạnh tranh tốt hơn.
Trong bối cảnh trường máy nghe nhạc cao cấp đã đủ độ chín, những giải pháp công nghệ đã ở độ hoàn hảo, iBasso DX200 (giá ~ 20 triệu), DX150 (giá ~13 triệu) lần lượt được trình làng và nhận được nhiều lời tán thưởng. Còn phân khúc tầm trung, hãng cũng không quên với cái tên mới nhất DX120, vừa lên kệ với giá bán tham khảo 7.5 triệu đồng.
iBasso X120 được đóng hộp rất tối giản, với tông màu xám và lô-gô của hãng. Phía dưới là slogan của hãng: The Pursuit of Perfecttion, tạm dịch: "Kiếm tìm sự hoàn hảo"!
Thông số kĩ thuật của iBasso DX120 với 7 thứ tiếng khác nhau!
Unbox, DX120 nằm gọn gàng trong hộp nhung, cùng với đó dưới là bộ phụ kiện đi kèm mày.
Thông số kĩ thuật iBasso DX120:
CPU: ARM Cortex A7
RAM: LPGDR3 1Gb
DAC: AK4495
USB DAC: XMOS XU208
Hệ điều hành: Mango OS
Pin: 3700mAh ( cho thời lượng chơi nhạc 16 tiếng)
Sạc nhanh: PD2.0 / QC 2.0 / BC1.2
Kích thước: 63mm x 113mm x 15mm
Trọng lượng: 165g
Màn hình: 3,2″ (480×800)
Nhiều người vẫn nói vui rằng, iBasso theo đuổi phương châm bán hàng của huyền thoại Henry Ford với Model-T nổi danh 1 thời: "Ai cũng có thể chọn màu sơn cho chiếc xe của mình, miễn là màu đen." Thật vậy, từ DX50, DX90 và cả DX100, hãng đều sử dụng thiết kế đơn giản nhất có thể, với chỉ độc một tông màu đen. flagship DX200 cũng có vài nét chấm phá, song nhìn chung cũng vẫn là kiểu thiết kế công nghiệp chắc chắn.
Thế nhưng với DX120 thì mọi thứ đã thay đổi, ngoài phiên bản màu đen chúng ta sẽ có thêm màu xanh ánh kim (metallic blue) trang nhã. Đặc biệt hơn, phần thân máy đúc từ nhôm nguyên khối giờ đây sở hữu thiết kế bo cong mềm mại, chạy dọc theo viền cong đó lần lượt là những nút bấm điều khiển máy và 3 cổng nhận xuất tín hiệu.
Những đường nét mới mẻ này không mang lại cho DX120 vẻ sang trọng, nó cũng trái ngược hẳn với phong cách cắt vát sắc sảo trên DX200 hay các DAP đắt tiền đến từ đối thủ Astell & Kern, mà thay vào đó là một phom dáng to lớn, chắc nịch, cầm nắm thoải mái nhưng vẫn cực kì đầm tay.
Toàn bộ thân máy của iBasso DX120 vẫn là khung kim loại nguyên khối cứng cáp, bề mặt đánh mịn có độ hoàn thiện cao. Mặt trước máy là một màn hình cảm ứng 3,2 inch, độ phân giải 480x800 không quá cao, song máy sử dụng tấm nền IPS nên vẫn cho màu sắc tươi và góc nhìn tốt khi đi ra ngoài trời.
Phía trên đỉnh máy, iBasso đặt cổng sạc USB Type-C cùng cổng xuất tín hiệu Coaxial để kết nối máy nghe nhạc với intergrated amplifier hoặc DAC rời. Chiếc máy nghe nhạc này không sở hữu bộ nhớ trong, thay vào đó là 2 khe cắm thẻ nhớ microSD cho phép người dùng lưu trữ tới 1 Terabyte nhạc số, tương đương 5000 file nhạc DSD 2.8 MHz - con số hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu lưu trữ nhạc của đa số người dùng.
Toàn bộ hệ thống phím điều khiển của iBasso DX120: bật/tắt nguồn, tăng giảm âm lượng, next/previous bài đều được đặt bên cạnh phải của máy, điều này giúp người dùng sử dụng dễ dàng bằng một tay. Phím bấm có độ nảy tốt, song kích thước hơi bé và để gần nhau nên sẽ hơi bất tiện khi muốn điều khiển DX120 trong túi quần/áo hay đi trên đường.
Cạnh đáy của iBasso DX120 là nơi đặt cổng Line-out để chơi nhạc qua amplifier ngoài, cổng cắm tai nghe Headphone-out 3.5mm và không thế thiếu cổng balance 2.5mm thời thượng ngày càng xuất hiện nhiều trên những chiếc tai nghe trung-cao cấp. DX120 cũng sở hữu dung lượng pin 3500 mAh cùng công nghệ sạc nhanh QC2.0 cho phép nó có thể hoạt động hơn 16 liên tục sau mỗi lần sạc đầy.
Mổ xẻ phần cứng, con tim của mỗi chiếc máy nghe nhạc chính là chip DAC xử lý tín hiệu âm thanh và với iBasso DX120, Asahi Kasei Microdevices AK4495 là cái tên được chọn mặt gửi vàng. Chip flagship được trình làng năm 2015 này vẫn rất được ưa chuộng vì sở hữu khả năng xử lý âm thanh cực mạnh mẽ, nó giúp DX120 có thể chiến hết đa số định dạng nhạc số hiện tại, giải mã PCM 8kHz-384kHz (8/16/24/32bits) và cả native DSD: DSD64/128.
Điều này có nghĩa là DX120 sẽ chơi nhạc DSD dưới dạng Native thay vì phải convert qua dạng PCM. Định dạng nhạc này sở hữu nhiều ưu điểm so với nhạc PCM truyền thống nhưng nó chưa thực sự phổ biến vì nguồn nhạc khan hiếm và đặc biệt là dung lượng cực lớn: một album thông thường định dạng DSD 256 có dung lượng tới 8GB!
Phụ kiện đi kèm đáng chú ý nhất của DX120 chính là sợi cable "burn in". Giống như xe máy hay ô tô thì nhiều món đồ chơi âm thanh như tai nghe, máy nghe nhạc vẫn thường có giai đoạn chạy "rô đa" để các thành phần hoạt động trơn tru trước khi người dùng thưởng thức âm nhạc
Giao diện người dùng của iBasso chứng kiến sự trưởng thành theo năm tháng. Từ những giao diện cơ bản từ DX100, hay dính nhiều lỗi như DX50 thì những sản phẩm gần đây đã dễ sử dụng hơn rất nhiều. DX120 không chạy Android 6.1 Marshmallow như anh cả DX200 mà thay vào đó là hệ điều hành riêng của hãng có tên Mango OS!
Hệ điều hành này hoạt động tương tự như cách vận hành của thế hệ DX80: người dùng sẽ sử dụng các thao tác vuốt từ cạnh để truy cập vào các trang tính năng khác nhau của máy. Ví dụ từ màn hình now playing, bạn sẽ vuốt từ cạnh trái sang để hiển thị menu My Music hay vuốt từ cạnh phải để hiển thị menu Settings, thiết lập EQ,... Điều đáng khen là tất cả những thao tác này đều thật sự mượt mà với CPU ARM Cortex A7 và 1GB RAM được trang bị trên DX120.
Giao diện duyệt nhạc theo album, ca sĩ, thể loại nhạc, thư mục,...
Settings với những cài đặt cơ bản: EQ, Gapless, Gain, Playmode,...
Chip XMOS XU208 giúp DX120 có thể đóng vai trò như một chiếc DAC rời cho các thiết bị khác.
Đánh giá nhanh về hiệu năng xử lý âm thanh, nếu so sánh với phiên bản tiền nhiệm trước đó trong cùng phân khúc là iBasso DX80 thì DX120 thực sự được tăng lực toàn diện, từ công suất, khả năng chơi các thể loại nhạc cũng như độ chi tiết của các dải âm.
Dòng chip DAC Asahi Kasei Microdevices, trên DX120 là AK4495 thường được xem là có thiên hướng ấm & tối hơn một chút so với anh bạn Sabre trên DX200, song điều thú vị ở đây là DX120 vẫn sở hữu chất âm trung tính đặc trưng như chiếc flagship cao cấp nhất được iBasso trình làng 1 năm về trước.
Xét tổng thể DX120 sở hữu dải trầm dày dặn, gọn gàng, đánh sâu và đặc biệt vẫn giữ được kết cấu chặt chẽ khi chơi bài hát có tiết tấu nhanh hay mức âm lượng lớn. Dải trung mượt mà, như một thói quen của iBasso thì âm mid vẫn giữ sự cân bằng, chi tiết từ đầu tới cuối nên đôi lúc sẽ thiếu đi sự ngọt ngào mà những đôi tai nghiện vocal, trữ tình luôn tìm kiếm.
Cuối cùng, dải cao vẫn chính xác và sạch sẽ như vậy: bản nhạc được thu âm thế nào máy sẽ phát ra đúng như thế, không boost, chẳng gọt dũa. Điều này giúp chiếc DAP này ghi điểm với nhạc cổ điển, nhưng với những tai nghe nhạy sibilance, cũng đừng trách khi DX120 phơi bài những nhược điểm này!
DX120 đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của iBasso ở phân khúc máy nghe nhạc tầm trung sau một thời gian dài "im hơi lặng tiếng". Thiết kế theo phong cách mới, khả năng xử lý âm thanh mạnh mẽ cùng chất âm được thừa kế từ flagship DX200 - liệu DX120 có thỏa mãn được những người chơi nghe nhạc khó tính? Hãy để thời gian trả lời.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung đã ứng dụng AI để định hình trải nghiệm giải trí thông minh trên AI TV như thế nào?
Tương tự dòng điện thoại Galaxy, Samsung AI TV thể hiện rõ khát vọng của thương hiệu điện tử Hàn Quốc trong việc “đưa AI đến với tất cả mọi người,” mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ di động đến TV.
Google giới thiệu Gemini 2.0: tạm biệt các chatbot AI, cùng chào đón kỷ nguyên "Tác nhân AI"