Trên tay TV QLED Samsung Q900 65 inch: 8K có gì hay?
Vẫn còn nhiều gia đình Việt Nam chưa nâng cấp lên TV 4K, nhưng Samsung đã bán ra các sản phẩm có độ phân giải 8K đầu tiên!
Nếu như bạn giống mình và vẫn chưa nâng cấp lên TV 4K thì xin chúc mừng: thị trường đã bỏ lại bạn phía sau và chuẩn bị chuyển sang chuẩn 8K còn cao cấp hơn nữa! Và Samsung là hãng đem những sản phẩm đầu tiên có chuẩn độ phân giải này đến Việt Nam mang tên QLED Q900 Series.
Đây là một sản phẩm rất đặc biệt và tất nhiên là cũng rất đắt tiền. Phiên bản thấp nhất mà chúng ta sẽ trải nghiệm ngày hôm nay có kích thước 65 inch, nhưng có giá bán lên tới 119 triệu đồng. Phiên bản cao cấp nhất có kích thước 'khủng' 98 inch có giá bán bằng cả căn nhà tầm trung - 2.3 tỷ Đồng, nhưng cũng đã đến tay một khách hàng Việt 'chịu chơi'.
Bộ điều khiển trung tâm One Connect Box
Theo đúng 'trend' của các TV thế hệ mới, các sản phẩm Samsung Q900 Series không còn đặt các cổng kết nối vào khung máy mà chuyển tất cả xuống một hộp điều khiển, mà Samsung gọi là One Connect Box. Tín hiệu hình ảnh, âm thanh và cả năng lượng đều được truyền lên tấm nền bằng một sợi dây cáp quang mỏng duy nhất.
Các cổng kết nối tại hộp này có đầu vào ANT, AV, đầu ra quang, LAN để kết nối mạng, 4 cổng HDMI trong đó có 1 cổng chuẩn 2.1 để truyền dẫn nội dung 8K30p và cuối cùng là 3 cổng USB với 1 cổng 5V/1A để gắn bộ nhớ ngoài.
Điều khiển của Q900 Series được làm bằng kim loại, là loại điều khiển thế hệ mới rất đẹp và ít nút bấm
Nhưng nếu như không muốn dùng điều khiển thì ta cũng có thể điều khiển TV bằng smartphone qua ứng dụng Samsung Smart Things.
Ngoài ra khi kết nối với smartphone thì ta cũng có thể truyền các nội dung video và hình ảnh.
Những sản phẩm thuộc Q900 Series có một thiết kế mà mình miêu tả là 'công nghiệp', đơn giản một cách cứng cáp, mạnh mẽ và không có nhiều chi tiết thừa.
Sử dụng tấm nền QLED cần có đèn nền để chiếu sáng nên Q900 Series vẫn có độ dày nhất định, nhưng với ưu điểm là chuyển hết tất cả các cổng kết nối xuống hộp điều khiển nên vẫn có thể coi là mỏng so với các dòng sản phẩm khác.
Các nút bấm điều khiển được giấu phía dưới logo Samsung ở cạnh phải
Mặt sau có một thiết kế mà hãng gọi là 'No Gap Wall Mount', tức có thể gắn mà không có khoảng cách với tường. Tại đây cũng có cách đường cắt để đặt chân đứng vào, giúp ta không phải cất chúng vào hộp.
Dây kết nối duy nhất từ One Connect Box đến TV.
Ta cũng có một đường dẫn để 'giấu' dây, giúp cho thiết kế nhìn từ mặt trước đơn giản hơn, không nhìn thấy dây.
Tấm nền gần chạm được tới gần các viền, một điều gần như bắt buộc với các dòng TV được bán ra trong thời điểm hiện nay.
Thử Samsung Q900 với phim Black Mirror: USS Callister
Tâm điểm của sản phẩm này được 'úp mở' từ đầu bài tất nhiên là tấm nền mà sản phẩm này sử dụng. Samsung Q900 có tấm nền Quantum Dot (chấm lượng tử) 8K với 33 triệu điểm ảnh, tức bằng 4 chiếc TV 4K ghép vào nhau, và con số này lên 16 chiếc nếu dùng TV FullHD (1080p).
Hiện nay lượng nội dung có chất lượng 8K thật sự (Native) là rất khan hiếm, nên Samsung áp dụng tính năng mang tên 8K AI Upscaling để tăng chất lượng hình ảnh của các độ phân giải thấp hơn lên 8K. Tính năng này sử dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích các hình ảnh có sẵn để thêm điểm ảnh, giảm răng cưa, làm đậm màu sắc và giảm nhiễu vào nội dung đang phát trên TV.
Xem một chút Tom & Jerry ở độ phân giải 8K để trở về với tuổi thơ!
Kể cả không nói về độ phân giải 'khủng' thì đây vẫn là một tấm nền có chất lượng tốt, với màu sắc đậm đà và có màu đen rất đậm, từng được trang đánh giá Tom's Guide cho là "đen nhất trong các màu đen". Ta có độ sáng cực đại 4000 nits (đủ cho tất cả các chuẩn HDR hiện nay) cùng với 500 vùng làm tối cục bộ (local dimming zone) để tránh hiện tượng bóng mờ, tăng tương phản.
Nhưng tất nhiên rồi, mua TV 8K thì phải dùng để xem nội dung 8K. Trong tương lai gần, chắc chắn Youtube, Netflix, Amazon Prime và các dịch vụ phát video trực tuyến khác cũng sẽ được nâng cấp để phát nội dung 8K khi các dòng TV đạt độ phân giải này đã được công bố một cách chóng mặt, trong đó có chiếc Samsung Q900 mà chúng ta có ngày hôm nay.
Tính năng Ambient Mode
Một tính năng cũng rất hay trên Q900 Series và các sản phẩm đã có mặt trên thị trường của Samsung nói chung là tính năng Ambient Mode. Khi được bật, TV sẽ hiện hình ảnh hoặc lịch để biến thành một phần trang trí cho căn phòng, chứ không 'đen xì' trong những lúc không sử dụng tới như các dòng TV khác.
Hiện lịch vạn niên trên Samsung Q900 để nó không trở nên lạc lõng, biến thành một thành phần trang trí.
Đây tất nhiên không phải là một sản phẩm dành cho tất cả mọi người, mà hướng tới những người yêu công nghệ, hoặc những gia đình dư dả muốn có một chiếc TV cao cấp và có tính 'dự trù tương lai' (future-proof) cao.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI