Giữ nguyên giá so với Mi Band 3 trước đó, Mi Band 4 tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu dành cho những người đang có nhu cầu sở hữu một thiết bị đeo giá rẻ.
Mi Band là dòng sản phẩm vòng tay sức khỏe thông minh cực kỳ thành công của Xiaomi. Theo số liệu từ IDC, trong năm 2018, Xiaomi là nhà sản xuất xếp thứ hai trên thế giới về thiết bị đeo với 12.6% thị phần.
Sự thành công của Mi Band là hoàn toàn dễ hiểu: chiếc vòng tay này tích hợp đủ tính năng theo dõi sức khỏe ở mức cơ bản, sở hữu thời lượng pin lâu mà không khiến người dùng phải bận tâm, và đặc biệt nhất là mức giá rất dễ chịu mà ai cũng có thể sở hữu.
Qua mỗi thế hệ, Mi Band được Xiaomi bổ sung thêm nhiều tính năng để trở nên hấp dẫn hơn. Nếu như Mi Band thế hệ đầu tiên chỉ là một chiếc vòng tay không hơn không kém, thì Mi Band 2 chứng kiến nâng cấp lớn khi lần đầu tiên được trang bị màn hình, và đến Mi Band 3 thì màn hình này hỗ trợ cảm ứng. Tuy nhiên, màn hình của Mi Band 3 vẫn tồn tại điểm yếu là nó chỉ là màn hình đon sắc, khả năng hiển thị hạn chế và trông khá "low-tech".
Năm nay trên Mi Band 4, Xiaomi đã khắc phục điểm yếu này và đem đến cho nó một màn hình OLED màu. Ngoài ra, Mi Band 4 còn được tích hợp thêm một số tính năng tập luyện, theo dõi sức khỏe và trợ lý ảo mới. Điểm đáng khen nhất ở Mi Band 4 là nó vẫn giữ nguyên mức giá cực hấp dẫn của Mi Band 3, cụ thể là khoảng gần 600.000 đồng theo như mức công bố của Xiaomi.
Hộp của Mi Band 4.
Bên trong hộp của Mi Band 4 gồm thiết bị, dây đeo và đế sạc.
Dây đeo đi kèm Mi Band 4 giống với Mi Band 3 và được làm bằng cao su.
Cũng như các thế hệ trước, người dùng hoàn toàn có thể dễ dàng thay thế dây đeo của Mi Band 4. Trên thị trường hiện nay, dây đeo Mi Band được bày bán rất rộng rãi với nhiều phong cách và chất liệu khác nhau.
Mặt sau của Mi Band 4 là cảm biến nhịp tim và chấu sạc.
Để sử dụng Mi Band 4, trước tiên người dùng sẽ cần pair với app Mi Fit.
Mi Band 4 hơi dày, tuy nhiên cảm giác đeo không hề khó chịu do có trọng lượng rất nhẹ. Thiết bị này cũng tương đối phù hợp với những người có cổ tay nhỏ.
Giao diện màn hình mặc định của Mi Band 4 sẽ hiển thị giờ, ngày tháng, thời lượng pin và số bước chân.
Người dùng có thể thay đổi mặt hiển thị để phù hợp theo sở thích của mình.
Người dùng có thể xem thông tin chi tiết về chỉ số hoạt động trong ngày (số bước chân, khoảng cách, calo tiêu thụ).
Mi Band 4 hỗ trợ nhiều chế độ tập luyện khác nhau như chạy bộ, chạy trên máy, đạp xe, đi bộ và bơi.
Chế độ bơi được Xiaomi nhấn mạnh trên Mi Band 4, khi hãng cho biết vòng tay này có thể phân biệt giữa các kiểu bơi khác nhau nhờ cảm biến sáu trục. Trước khi sử dụng chế độ này, người dùng sẽ cần nhập kích thước của bể bơi.
Nhịp tim là một chỉ số quan trọng của sức khỏe và chế độ tập luyện, vì vậy Mi Band 4 cũng được tích hợp tính năng đo nhịp tim.
Mi Band 4 có khả năng thông báo cuộc gọi thông qua việc hiển thị số điện thoại (hoặc tên trong danh bạ). Tuy nhiên do không có loa thoại, vậy nên người dùng sẽ vẫn cần đến điện thoại để trả lời.
Phiên bản Mi Band 4 nội địa Trung Quốc mà chúng tôi thử nghiệm hiện đang gặp lỗi hiển thị font tiếng Việt, khiến việc đọc tin nhắn và thông báo tiếng Việt có dấu trở nên khó khăn. Trong thời gian tới khi phiên bản quốc tế chính thức được bán ra, vấn đề này sẽ được khắc phục.
Bên cạnh những tính năng chính, Mi Band 4 còn một số ứng dụng bổ trợ khác. Ví dụ, ứng dụng thời tiết cho phép người dùng nhanh chóng kiểm tra nhiệt độ và tình trạng thời tiết.
Hay, ứng dụng Nhạc có thể điều khiển nhạc đang chơi ở smartphone
Một số tính năng khác còn có thể kể đến kích hoạt chế độ không làm phiền, báo thức, đồng hồ bấm giờ... Mi Band 4 còn hỗ trợ thanh toán qua NFC và trợ lý ảo XiaoAI, tuy nhiên hai tính năng này chỉ có thể sử dụng được ở Trung Quốc.
Rõ ràng, Mi Band 4 không có vẻ ngoài sang trọng hay nhiều tính năng như smartwatch của Apple hay Samsung. Nhưng, với mức giá chỉ khoảng 600-700.000 đồng, Mi Band 4 và những nâng cấp của mình tiếp tục nối dõi những thế hệ trước để trở thành một thiết bị đeo tay xuất sắc.
Xin cảm ơn cửa hàng Mi Store đã giúp đỡ chúng tôi thực hiện bài viết này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"