Trí tuệ nhân tạo Google sẽ học chơi tựa game huyền thoại tuổi thơ này, còn khó hơn cả cờ vây
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ được chứng kiến trận đấu giữa AI của Google và các Gosu của Hàn Quốc.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo AlphaGo do phòng thí nghiệm DeepMind của Google phát triển vừa mới đánh bại kỳ thủ Lee Sedol trong 3 game đấu. Đây thực sự là một kết quả bất ngờ không chỉ với kỳ thủ cờ vây xếp hạng thứ 5 thế giới này, mà nó còn gây chấn động cả thế giới công nghệ.
Đây cũng là minh chứng cho việc dù bộ não con người có tài giỏi đến đâu, thì đến một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ bị khuất phục bởi những cỗ máy tính do chính mình tạo ra. Vậy sau khi đánh bại con người trong trò chơi vô cùng phức tạp là cờ vây, mục tiêu tiếp theo của trí tuệ nhân tạo này sẽ là gì?
StarCraft II: Legacy of the Void.
Jeff Dean, một nhân viên cấp cao của Google cho biết: “StarCraft, tôi nghĩ đây có thể là mục tiêu tiếp theo của chúng tôi. Đây sẽ là một thách thức còn khó hơn rất nhiều so với môn cờ vây đối với một hệ thống trí tuệ nhân tạo”.
StarCraft là một tựa game chiến thuật được ra mắt vào năm 1998, được xem là tựa game chiến thuật cân bằng nhất và yêu cầu rất nhiều kỹ thuật lẫn tư duy của người chơi. Các nhà phát triển cũng tạo ra những con bot để người chơi có thể tập luyện một mình, tuy nhiên trình độ của những con bot này không thể so sánh bằng 1/10 so với những game thủ StarCraft chuyên nghiệp.
Những game thủ StarCraft chuyên nghiệp còn được gọi là các Gosu tại Hàn Quốc. Họ coi đây như một bộ môn thể thao và gọi là E-sport, với những giải đấu quy mô rất lớn. Để có thể đánh bại các Gosu này, hệ thống AI của Google sẽ phải làm được nhiều hơn những gì mà nó đã thể hiện trong bộ môn cờ vây.
Người sáng lập Google DeepMind, ông Demis Hassabis cho biết: “Trong cờ vây, bạn có thể nhìn thấy tất cả mọi thứ đang diễn ra trên bàn cờ. Bạn có thể thấy các nước đi của đối phương và tính toán các khả năng có thể xảy ra. Vì vậy nó dễ dàng hơn cho các hệ thống máy tính, mặc dù có rất nhiều khả năng có thể xảy ra”.
“Tuy nhiên đối với một game đấu StarCraft, mọi chuyện không giống như vậy. Hầu hết thời gian đối thủ của bạn sẽ nằm trong bóng tối, bạn chỉ có thể biết đối thủ làm gì khi xảy ra xung đột. Đó là thách thức rất lớn đối với một hệ thống máy tính, khi phải dự đoán xem hành động tiếp theo của đối thủ là gì”. Nó không giống với cờ vây, vì các “nước đi” không nằm trong cơ sở dữ liệu có sẵn.
Tất nhiên một hệ thống máy tính sẽ có lợi thế hơn khi dễ dàng điều khiển các đơn vị quân, trong khi vẫn phát triển tài nguyên. Tuy nhiên yếu tố chiến thuật và tùy cơ ứng biến mới là điều quan trọng trong một tựa game e-sport.
Với tư cách là một người đam mê e-sport, tôi thực sự rất mong đợi trận chiến giữa AI của Google và một Gosu StarCraft của Hàn Quốc sẽ diễn ra. Và nếu nếu như AI có thể tiếp tục chiến thắng con người một lần nữa, đó có thể là điều đáng lo ngại.
“Trí thông minh nhân tạo phát triển đầy đủ sẽ đặt dấu chấm hết cho loài người", Stephen Hawking.
Tham khảo: BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming