Trí tuệ nhân tạo qua mặt được cả sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính - Chuyện thật mà như đùa!

    NPQM,  

    Một nhóm các chuyên gia tại Đại học Georgia đã phát triển thành công trợ lý ảo phục vụ, trợ giúp các giảng viên nơi đây trong quá trình cung cấp thông tin, kiến thức cũng như giải đáp thắc mắc của sinh viên một cách vô cùng thuyết phục.

    Những sinh viên hiện đang theo học một khóa học online tại Trường Công nghệ Tin học Tương tác Georgia đã vô tình mắc lừa một cách hài hước khi nghĩ rằng một trong số những trợ giảng của họ, Jill Watson, là con người thực thụ. Thật ra khó có thể trách họ được, khi mà hệ thống ảo này đã vô cùng thành công và thuyết phục khi giải đáp những thắc mắc của sinh viên với độ chắc chắn lên đến 97%.

    Tất nhiên, tính chất chắc chắn ở đây chưa hẳn đã đi kèm với độ chính xác hoàn toàn. Nhưng chuyên gia khoa học máy tính Ashok Goel lại nghĩ khác, cho rằng trợ lý Jill Watson có đủ sự “tự tin” để độc lập trả lời câu hỏi được đưa ra. Gần như trong suốt tháng 4, Jill tự chịu trách nhiệm trực tiếp phản hồi lại ý kiến của học viên qua một diễn đàn trực tuyến, nhưng theo tính toán, câu trả lời chỉ chính xác với chuyên môn khi “cô ấy” chắc chắn 97%.

    Bên cạnh đó, toàn bộ học viên cũng không hề biết rằng mình đang giao tiếp với một cỗ máy được lập trình sẵn cho tới tận ngày 26/4. Theo công bố của báo Công nghệ Georgia, sự hưởng ứng của học viên hầu hết đều tích cực. Một sinh viên còn bảy tỏ cảm xúc vỡ òa và bất ngờ tột độ khi biết sự thật, ngoài ra một số khác còn vủi vẻ đùa giỡn rằng liệu họ có thể mời Jill đi chơi cùng vào một ngày nào đó hay không.

    Khóa học này, với tên gọi “Trí tuệ nhân tạo dựa trên nền tảng tri thức”, là yêu cầu chính yếu trong chương trình học online thuộc giáo trình về khoa học máy tính. Số lượng sinh viên đăng ký dao động ở mức 300 mỗi năm, và trung bình khoảng 10 nghìn câu hỏi, tin nhắn tổng cộng được đăng lên forum trong thời gian tham gia khóa học - một con số quá sức đối với vỏn vẹn 8 trợ giảng là người thật có thể giải quyết kịp chỉ tiêu. Để đáp ứng nhu cầu công việc, Goel cùng những sinh viên đã tốt nghiệp của mình đã xây dựng một trợ lý ảo, lập trình trên nền tảng Watson của IBM (đây cũng chính là nguyên nhân đánh bại những người chơi nổi tiếng nhất của show truyền hình Jeopardy vào năm 2011).

    Trong quá trình phát triển hệ thống này, Goel cùng nhóm nghiên cứu phải thu thập gần 40 nghìn mẫu câu hỏi đã từng được nhắc đến trong diễn đàn của những khóa trước đây (kể từ năm thành lập 2014). Sau đó họ cung cấp toàn bộ khối lượng thông tin về câu hỏi kèm giải đáp đó cho Jill.

    “Một trong những đặc điểm khá thú vị về các khóa học online đó là số lượng câu hỏi được post lên tăng tỷ lệ thuận với số lượng học viên đăng ký, nhưng sự đa dạng và khác biệt giữa chúng thật sự không biến đổi đáng kể”, Goel giải thích. “Học viên có xu hướng hỏi nhiều câu hỏi trong khi không hề nhận ra chúng đang được lặp đi lặp lại so với những lần người khác hỏi trước đó.” Kết quả của dự án này quả thật là minh chứng đáng tự hào bắt nguồn từ nền tảng Watson - hệ thống xử lý mạnh mẽ và tuyệt vời trong việc cung cấp những giải pháp dứt khoát, cụ thể cho những vấn đề được đặt ra. Khi những kết quả đầu tiên được ghi lại vào tháng 1, Jill chưa thực sự làm tốt như những gì được mong đợi, với biểu hiện là thường cho ra những cách giải quyết không liên quan, lạ lẫm. Tất nhiên những trường hợp này đã kịp thời được kiểm duyệt trước khi phản hồi lại đến học viên.

    “Ban đầu cô ấy chưa đạt được mục tiêu của chúng tôi vì một vài lỗi xung đột gắn với những từ khóa,” Lalith Polepeddi, một trong số sinh viên tham gia dự án cho biết. “Chẳng hạn, một học viên muốn biết khả năng liệu anh ấy có thể tổ chức một buổi hẹn học nhóm để xem xét, phân tích lại vài video, Jill lại giới thiệu một nguồn sách tham khảo cung cấp những video đó. Cùng từ khóa “video” nhưng lại ở ngữ cảnh hoàn toàn khác, do đó chúng tôi đã học hỏi khá nhiều từ những lỗi tương tự, từ đó rút ra cách khắc phục để giúp Jill trở nên thông minh hơn.”

    Càng về sau, Jill càng tỏ ra hữu dụng với khả năng linh hoạt của mình, nên nhóm nghiên cứu đã quyết định đăng trực tiếp câu trả lời của Jill lên forum khóa học mà không tốn thời gian kiểm duyệt, điều mà họ đã định làm từ cuối tháng 3. Goel cũng bày tỏ nguyện vọng muốn tiếp tục phát triển một dự án trợ lý ảo tương tự vào học kỳ tiếp theo, nhưng với một cái tên khác. Mục tiêu là giảm 40% gánh nặng của việc giải đáp lượng thắc mắc khổng lồ (dĩ nhiên những phàn hồi có độ chắc chắn dưới 97% sẽ không được đăng lên).

    Dù vậy, thường chúng ta sẽ cảm thấy bực mình khi biết rằng một nghề nữa có thể sắp sửa bị chiếm lấy vị trí bởi máy móc nói chung. Nhưng điều này không hoàn toàn mang góc độ tiêu cực, khi mà hiện nay tình trạng sinh viên bỏ học giữa chừng đang ngày càng tăng lên chỉ vì lý do họ cảm thấy không nhận được đầy đủ hỗ trợ từ những người trực tiếp làm nhiệm vụ truyền tải kiến thức. Jill được hoàn thiện để lấp đầy khoảng trống không đáng có ấy. Một điều cần phải biết và cũng không nên quá lo lắng, rằng Jill cũng như những thế hệ trí tuệ nhân tạo sau sẽ chưa thể đối phó với những vấn đề mang nhiều sắc thái phức tạp hơn, đặc biệt là những lĩnh vực như Triết học hoặc Xã hội học. Vì thế, sẽ là cả một chặng đường dài phía trước để có thể đạt tới một tương lai, trong đó giảng viên hay giáo sư bị thay thế hoàn toàn bởi AI. Tuy nhiên, qua kết quả được phân tích, viễn cảnh ấy không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra, chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

    Tham khảo: Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ