Không phải tự dưng mà IS dám nói Anonymous là "ngu ngốc", trình độ của những tên tin tặc khủng bố này không hề tầm thường.
Ngay sau khi nhóm hacker nổi tiếng Anonymous tuyên chiến với mình, tổ chức khủng bố Hồi giáo ISIS đã hồi đáp bằng hai chữ ngắn gọn "Ngu ngốc". Anonymous đã ra tay trước khi công bố không ít danh tính của những kẻ tình nghi thuộc IS đang nằm vùng tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhiều người tỏ ra hoan hỉ. Tuy vậy thiệt hại thực sự vẫn chưa thể hiện được quá nhiều.
Thậm chí không ít chuyên gia an ninh công nghệ cao đã lên tiếng cảnh báo rằng ISIS có thể đủ sức đối đầu với Anonymous vì tổ chức này có hẳn một đơn vị tin tặc có tên Islamic State Hacking Division (ISHD - Đơn vị tấn công công nghệ cao Nhà nước Hồi giáo). Nhân vật nổi bật nhất chính là Junaid Hussain vốn là cựu thành viên nhóm hacker mũ đen TeaMp0isoN, người được cho là đã chết do các cuộc không kích của Hoa Kỳ hồi tháng 8 vừa qua.
Vậy thực sự ISHD và Junaid Hussain nguy hiểm cỡ nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
ISHD là một đội ngũ tin tặc chuyên nghiệp hoạt động dưới sự chỉ đạo của ISIS, bắt đầu nổi lên từ cuối năm 2014 sau khi một loạt tấn công vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ diễn ra. Ngay lập tức, ISHD đã thu hút được sự chú ý của thế giới vào tháng 4 năm nay khi chúng tấn công trang web của sân bay Hobart, Australia và đánh sập nó. Sự việc này đã khiến không ít hành khách ngày hôm đó hoảng loạn vì lo sợ một vụ tấn công thực sự sẽ xảy ra. Tiếp đó là vụ thông tin cá nhân của 1400 quân nhân Hoa Kỳ bị đánh cắp và xuất hiện tràn lan trên Internet, ISHD đã nhận trách nhiệm cho vụ việc này. Mặc dù Tướng Raymond Odierno, Tham mưu trưởng của Quân đội Hoa Kỳ lúc đó, cho biết những thông tin này hầu hết là đã quá cũ nhưng chúng cũng tạo ra một sự lo ngại nhất định về mối nguy tiềm ẩn đến từ ISHD.
Ngay lập tức, các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ như CIA và NSA đã vào cuộc và họ xác định được danh tính nhân vật chủ chốt lúc đó của ISHD: một hacker mũ đen quen thuộc và là thành viên của nhóm tin tặc khét tiếng TeaMp0isoN - Junaid Hussain. Nhận thức được mức độ nguy hiểm của vấn đề, giám đốc FBI James Comey đã phải thừa nhận hiện các mật vụ công nghệ thông tin của cơ quan này chưa đủ "tầm" để đối đầu với Junaid Hussain. Việc Junaid Hussain tham gia hoạt động với ISHD trở thành một mối nguy rõ ràng trong mắt những cơ quan an ninh.
Junaid Hussain, "Át chủ bài" trên mặt trận công nghệ thông tin của ISIS.
Sinh năm 1994, Junaid Hussain nhanh chóng nổi lên với mật danh trên mang là TriCk trong đội hình của TeaMp0isoN khi nhóm này còn hoạt động. Bên cạnh những cái tên nổi tiếng như LulzSec và Anonymous thì TeaMp0isoN cũng khiến những cơ quan hành pháp chú ý tới mình sau khi nhóm được thành lập vào giữa năm 2008. Mang danh "hành động vì mục đích chính trị" , nhóm hacker này chỉ tập trung tấn công (hack) vào các hệ thống website lớn của những cơ quan, tổ chức chính phủ hay các hệ thống của doanh nghiệp lớn.
Rất nhiều vụ tấn công có chủ đích nhằm vào những tổ chức nổi tiếng như Liên Hợp quốc, NASA, NATO, Facebook đều được TeaMp0isoN thực hiện và nhận trách nhiệm. Nhưng thế giới cũng như các cơ quan an ninh như FBI hay CIA chỉ thực sự nhìn nhận nghiêm túc hoạt động của nhóm này vào năm 2011 sau khi họ tấn công 2 đối thủ chính của mình là LulzSec và Anonymous bằng cách đăng tải những thông tin chi tiết về bảy thành viên thuộc nhóm tin tặc Anonymous lẫn LulzSec.
Trước khi ra đòn, TeaMp0isoN đã đưa ra lời cảnh báo với LulzSec và Anonymous: "Không cần biết các người có bao nhiêu người, sử dụng bao nhiêu công cụ và lừa dối bao nhiêu người. Nhưng các người sẽ không bao giờ hiểu được thế là hack thực thụ và các người có 48 tiếng đồng hồ để chấm dứt mọi hoạt động trên Internet trước khi toàn bộ thông tin cá nhân của mình được phát tán trên toàn cầu. Đừng đánh giá thấp chúng tôi trừ khi các người có thể làm điều tương tự, thậm chí một thằng nhóc 17 tuổi trong nhóm cũng có thể hạ bệ các người". Thằng nhóc 17 tuổi được nhắc đến ở đây chính là Junaid Hussain.
Một số nguồn tin cho biết cuộc tấn công này bắt nguồn từ việc không ít nạn nhân của LulzSec và Anonymous cất công mò xuống khu vực deepweb - phần tối của Internet - để bỏ tiền thuê một ai đó có thể dạy cho 2 nhóm hacker trên một bài học, dĩ nhiên TeaMp0isoN không thể làm ngơ trước những lợi ích béo bở của thương vụ này. Vừa có thêm kinh phí hoạt động, vừa có thể hạ bệ 2 đối thủ trực tiếp với lý do khá "chính nghĩa". Và trong những thực hiện vụ tấn công độc đoán này, Junaid Hussain đã được ghi nhận như 1 thành viên cực kỳ tích cực. Kết quả là 7 thành viên thuộc 2 nhóm hacker kể trên đã bị lộ danh tính, điều này dẫn tới một vụ truy bắt có quy mô của FBI vào năm 2011 và 2012 sau đó.
Đến năm 2012, Junaid Hussain đã phải ngồi tù 6 tháng vì lấy cắp sổ danh bạ của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair lưu trên tài khoản e-mail và lợi dụng nó để thực hiện các trò phá hoại. Tháng 1/2015, Junaid Hussain cùng với nhóm CyberCaliphate trực thuộc ISHD thực hiện một cuộc tấn công “thí điểm” nhắm vào tài khoản trên mạng xã hội Twitter của Bộ chỉ huy tối cao của quân đội Hoa Kỳ (CENTCOM) vào ngày 12/1 và vụ việc đã khiến cho hệ thống phòng thủ thông tin của đất nước này toát mồ hôi, phải đặt trong tình trạng báo động. Vụ tấn công này đang mở ra một hướng chiến tranh mới của tổ chức khủng bố IS với những nước được coi là là kẻ thủ của chúng. Giới chuyên gia cho rằng, Hussain phụ trách chính việc tuyển mộ các hacker cho IS để xây dựng nhóm khủng bố mạng CyberCaliphate, bắt đầu từ ngày 11/9/2014.
Cuộc tấn công không gây ra hậu quả gì phức tạp, chỉ là giao diện tài khoản Twitter của CENTCOM bị các thành viên của CyberCaliphate xâm nhập và thay đổi hình nền bằng ảnh của “Cybe Caliphate” và một dòng chữ “i love you isis”. Trong khi đó, ảnh đại diện biến thành hình ảnh một chiến binh IS bịt kín khăn. Các hacker đã lợi dụng tài khoản này để chuyển tải lên những thông điệp đe dọa tấn công và thể hiện quan điểm của của IS. Thậm chí, ISHD còn công bố hoạt động của CyberCaliphate sẽ được bảo vệ bằng hệ thống mã hóa riêng do chính tay chúng phát triển, do đó sẽ rất khó khăn cho các cơ quan chống khủng bố đối phó.
Đến tháng 9 vừa qua, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ thông báo Junaid Hussain đã bị tiêu diệt một cuộc không kích không người lái diễn ra vào ngày 25/8 tại thành phố Raqqa, Syria. Mặc dù được cho là đã chết nhưng với thời gian 2 năm sống tại Syria và được đánh giá là một kẻ tích cực tham gia "hoạt động Thánh chiến", những gì Junaid Hussain để lại cho tổ chức khủng bố IS là rất khó lường vì chúng ta không biết được bao nhiêu hacker khác đã được hắn đào tạo.
Việc Anonymous công khai tuyên chiến với IS là một tín hiệu tích cực, nhưng Junaid Hussain lại là một trong những người từng hạ gục nhóm hacker này năm nào. Vì vậy rất khó để nhận định ai sẽ là người chiến thắng khi rất có thể bây giờ đã xuất hiện nhiều "Junaid Hussain" khác mà Anonymous không thể lường trước.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android