Ngân hàng Nhà nước vừa được yêu cầu hoàn thiện dự thảo về phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), trình trong tháng 7/2020.
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 8/7 về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện, trình dự thảo Quyết định về thí điểm Mobile Money trong tháng 7/2020 (Ảnh minh họa).
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện dự thảo này trên cơ sở ý kiến góp ý bằng văn bản của các bộ: Tư pháp, TT&TT, Công an và các bộ, ngành liên quan, trình trong tháng 7/2020.
Thủ tướng cũng nêu rõ định hướng hoàn thiện dự thảo Quyết định về thí điểm Mobile Money .
Trong đó, xác định bản chất Mobile Money là nghiệp vụ thanh toán, viễn thông là phương tiện. Do đó, Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm chủ trì việc cấp phép, sơ kết, tổng kết thí điểm. Bộ TT&TT, Bộ Công an chịu trách nhiệm về các nội dung thẩm định liên quan đến lĩnh vực quản lý.
Bộ TT&TT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an trong công tác quản lý nhà mạng, thanh tra, kiểm tra, giám sát và đảm bảo kỹ thuật, an ninh, an toàn.
Các cơ quan nêu trên chịu trách nhiệm toàn diện về việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thí điểm an toàn, hiệu quả, không để tội phạm lợi dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo định hướng hoàn thiện dự thảo Quyết định về thí điểm Mobile Money được Thủ tướng kết luận tại cuộc họp, sử dụng dịch vụ để thanh toán giá trị nhỏ (không quá 5 triệu đồng hoặc 10 triệu đồng/tháng), tạo thuận lợi cho người dân, áp dụng trên phạm vi toàn quốc, không thực hiện thanh toán/chuyển khoản bằng ngoại tệ, thanh toán/chuyển tiền quốc tế và thanh toán cho các dịch vụ xuyên biên giới.
Các nội dung yêu cầu với doanh nghiệp viễn thông như xác định SIM điện thoại chính danh... quy định tại quy chế phối hợp đảm bảo ngăn chặn các rủi ro, tiêu cực.
Dự thảo Quyết định này chỉ quy định các nội dung, điều kiện chủ yếu, thật sự cần thiết và giao các cơ quan liên quan ban hành các quy định cụ thể; không đưa các nội dung mang tính chất kỹ thuật, công nghệ thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, không phù hợp với thẩm quyền của Thủ tướng.
Đồng thời, cần làm tốt công tác thông tin, hướng dẫn để dịch vụ Mobile Money hiệu quả, phù hợp với thực tế Việt Nam và xu thế của thế giới.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để có thể thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định. Các nhà mạng (VNPT, MobiFone, Viettel) phải đảm bảo đủ năng lực kỹ thuật để thực hiện.
Theo đánh giá của các chuyên gia , dịch vụ Mobile Money khi được triển khai sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng được mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng, ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống. Do vậy, doanh nghiệp viễn thông có thể mở rộng dư địa để tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời