Trớ trêu mỏ 'kho báu' vàng xanh duy nhất ở Mỹ: Trữ lượng lớn nhưng hàng thập kỷ không thể đưa lên mặt đất, tham vọng vượt Trung Quốc vụt tắt

    Vu Lam , Nhịp sống thị trường 

    Nhà khai thác của dự án này đang chi khoảng 1 triệu USD mỗi ngày chỉ để mỏ "kho báu" tiếp tục nằm yên dưới lòng đất.

    Trớ trêu mỏ 'kho báu' vàng xanh duy nhất ở Mỹ: Trữ lượng lớn nhưng hàng thập kỷ không thể đưa lên mặt đất, tham vọng vượt Trung Quốc vụt tắt - Ảnh 1.

    Nằm trong một ngọn núi ở vùng hoang dã Idaho, trên độ cao khoảng 2.400 m, một mỏ coban đã được hình thành trong 3 thập kỷ. Tuy nhiên, tham vọng khai thác nguồn tài nguyên này của Mỹ lại vấp phải những khó khăn về mặt thực tế.

    Các nhà khai thác đã mất nhiều năm để di chuyển trên con đường đất 67 km để đến địa điểm này. Họ vẫn thực hiện dự án trong khi phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng, mâu thuẫn, biến động thị trường và công ty "đổi chủ".

    Mọi thứ được cho là sẽ thay đổi lớn khi nhà khai thác đến từ Úc của dự án này - Jervois Global, cho biết đây là mỏ coban duy nhất ở Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia đang "thống trị" ngành công nghiệp xử lý coban - kim loại được sử dụng trong smartphone, động cơ phản lực, đạn dược và pin xe điện.

    Giới chức Mỹ đã chỉ ra mỏ coban này như một ví dụ về khát vọng đối với ngành khai thác mới của Mỹ. Tuy nhiên, Jervois Global lại đang phải cắt giảm hàng trăm nhân sự và đình chỉ hoạt động chỉ vài tuần trước khi bố trí đội hình để khai thác mỏ coban. Ngoài ra, thị trường cũng xoay chuyển ở đúng thời điểm quan trọng, khiến giá coban trên cả thế giới sụt giảm.

    Chờ giá tăng... mới khai thác

    Việc khai thác mỏ coban ở Mỹ vấp phải nhiều vấn đề nan giải, như tiêu chuẩn về môi trường cao hơn, chi phí lao động tăng và Phố Wall không mấy hào hứng. Cùng lúc đó, Trung Quốc đã phát triển phần lớn công suất tinh chế các kim loại như đồng, lithium và niken, đầu tư vào các mỏ ở những quốc gia thu nhập thấp giúp giá thành khai thác giảm.

    Trớ trêu mỏ 'kho báu' vàng xanh duy nhất ở Mỹ: Trữ lượng lớn nhưng hàng thập kỷ không thể đưa lên mặt đất, tham vọng vượt Trung Quốc vụt tắt - Ảnh 2.

    Mỏ coban duy nhất của Mỹ đã được hình thành trong nhiều thập kỷ.

    Tất cả những yếu tố này trở thành vấn đề hóc búa khi chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực đẩy nhanh việc phát triển xe điện. Luật chống biến đổi khí hậu của ông Biden sẽ đưa ra các khoản tín dụng thuế để mua một số mẫu xe chứa ít linh kiện và khoáng chất từ Trung Quốc, song các nhà sản xuất cảnh báo nhiều ô tô sẽ không đủ tiêu chuẩn.

    Giới chức nước này cũng nỗ lực mở rộng các thỏa thuận thương mại nhằm đa dạng hóa nguồn cung và triển khai các chương trình mới, đầu tư thêm cho Jervois hay các doanh nghiệp khác.

    Rod Eggert, giáo sư kinh tế tại Trường Mỏ Colorado, cho biết, một số khoáng sản quan trọng có nguồn tài nguyên tương đối ít. Ông nói, hiện vẫn chưa rõ Washington có bắt đầu đầu tư hay chấp nhận trợ cấp cho các dự án rủi ro hay không. Điều khó khăn là việc ưu tiên để tự cung tự cấp có thể làm tăng chi phí và chậm quá trình chuyển đổi năng lượng.

    Dẫu vậy, Washington vẫn đầu tư mạnh tay. Lầu Năm Góc đã cung cấp cho Jervois 15 triệu USD vào tháng trước, để tiếp tục hoạt động khoan ở Idaho và nghiên cứu một nhà máy lọc coban trong nước. Cũng trong tháng 6, chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ Jervois 13 triệu USD để mở rộng cơ sở xử lý coban ở địa điểm này.

    Hiện tại, coban giao dịch ở mức khoảng 15 USD/pound, trong khi tháng 5/2022 là 40 USD. Nguyên nhân là do hoạt động kinh tế của Trung Quốc chững lại, sản lượng toàn cầu tăng và các nhà sản xuất ô tô cố gắng giảm sự phụ thuộc của pin vào kim loại này.

    CEO của Jervois - Bryce Crocker, cho biết công ty có kế hoạch "ngồi yên" cho đến khi giá coban trở về mức có thể sinh lời là 25 USD, dù có thể phải mất nhiều năm.

    Trước quan điểm đó, nhiều nhà đầu tư đã trở nên hoài nghi. Cổ phiếu Jervois giảm 94% so với mức cao nhất vào tháng 4/2022. Đây cũng là một trong số những cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất ở Úc.

    Trong khi đó, 100 triệu USD trái phiếu phát hành năm 2021 với lãi suất coupon 12,5% của công ty này đang giao dịch trên thị trường thứ cấp với giá 90 cent. Hồi tháng 6, Jervois cho biết họ đang huy động 50 triệu USD để củng cố bảng cân đối kế toán trong bối cảnh đà sụt giảm diễn ra liên tục.

    Tuy nhiên, cổ đông lớn nhất của Jervois - quỹ hưu trí AustralianSuper, lại ủng hộ việc tạm dừng khai thác mỏ coban ở Idaho. Các nhà phân tích cũng đồng tình rằng việc giữ nguyên coban trong lòng đất đến khi giá tăng trở lại là hợp lý.

    Trớ trêu mỏ 'kho báu' vàng xanh duy nhất ở Mỹ: Trữ lượng lớn nhưng hàng thập kỷ không thể đưa lên mặt đất, tham vọng vượt Trung Quốc vụt tắt - Ảnh 3.

    Một địa điểm khai thác coban của Jervois ở Idaho.

    Luke Smith, giám đốc danh mục đầu tư của quỹ, cho hay: "Mỏ này chỉ có thể khai thác 1 lần. Dự án hiện được ước tính chỉ có thể sản xuất coban trong 7 năm sau khi đi vào hoạt động."

    Theo IEA, nhu cầu với coban sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050 nếu ngành năng lượng toàn cầu đạt mức phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, trong báo cáo tháng 7, tổ chức này cho biết sự bùng nổ đầu tư với coban vẫn chưa tạo ra sự đa dạng hóa trong sản xuất.

    Mỏ coban duy nhất ở Mỹ vẫn "nằm yên" dưới lòng đất

    Tại CH Congo, nơi có trữ lượng coban lớn nhất thế giới, một số mỏ khai thác lượng coban mỗi tháng ngang với Jervois dự kiến trong 1 năm. Giới chức Mỹ cho biết, quốc gia này sản xuất gần 70% nguồn cung của thế giới vào năm 2022. Với các khoản vay và đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc, lĩnh vực khai thác mỏ của Congo tiếp tục được mở rộng dù giá coban sụt giảm.

    Trong khi đó, Mỹ lại không khai thác các mỏ mới do vấn đề về môi trường. Ở các mỏ kim loại quý và cơ bản được phát hiện từ năm 1980, chỉ có 3 dự án được triển khai từ năm 2002 đến 2023, theo S&P Global. Thời gian trung bình để sản xuất là 13 năm.

    Dự án Idaho Cobalt Belt - một trong số ít khu vực của Mỹ có kim loại này, thì mất hơn gấp đôi thời gian trên. Sau trận cháy rừng thiêu rụi khu vực này vào năm 2000, dự án phải đối diện với hàng loạt thách thức kéo dài hàng năm trời.

    Trớ trêu mỏ 'kho báu' vàng xanh duy nhất ở Mỹ: Trữ lượng lớn nhưng hàng thập kỷ không thể đưa lên mặt đất, tham vọng vượt Trung Quốc vụt tắt - Ảnh 4.

    Bên trong cơ sở tinh chế coban của Jervois.

    Quá trình xin cấp phép mất hơn 1 thập kỷ vì giai đoạn đánh giá về môi trường cùng nhiều kháng cáo từ phía công ty đối thủ. Giai đoạn tạm dừng triển khai dự án khiến việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn và ở đúng thời điểm giá hàng hóa tăng cao.

    Ngoài ra, các khách hàng tiềm năng cũng không muốn chi trả thêm tiền để mua coban khai thác trong nước. Scott Beding, đồng sáng lập của công ty Canada dự định khai thác coban ở khu vực này, đã rời dự án từ năm 2014, cho biết: "Khách hàng muốn chúng tôi bán giá ngang với coban do Trung Quốc hay Nga khai thác."

    Jervois mua lại khu vực khai thác tại Idaho vào 5 năm sau đó và rót 155 triệu USD để hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Số tiền này gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu của họ. Công ty cho biết nguyên nhân bội chi là do áp lực lạm phát, khu vực có thời tiết và địa hình khắc nghiệt, có thời điểm tỷ lệ luân chuyển lao động lên đến 20%/tuần.

    Trước những khó khăn đó, Jervois không có hợp đồng bao tiêu để chốt doanh số coban trước khi giá sụt mạnh.

    Hoạt động khai thác mỏ coban liên tục bị trì hoãn đã khiến nhiều công việc khác của quan chức ở Idaho cũng chưa hoàn thành và các khoản giảm thuế liên bang chưa được sử dụng. Trong khi đó, ngân hàng Macquaire dự đoán, giá coban sẽ không quay trở lại mức 22 USD cho đến năm 2027.

    Quan chức cấp cao của Nhà Trắng thì cho biết ngay cả khi chính phủ Mỹ mua coban thì giá kim loại này cũng không tăng lên.

    Hiện tại, một nhóm nhân sự cốt cán đang nỗ lực duy trì địa điểm khai thác ở Idaho, nơi máy móc không hoạt động và các đường hầm dưới lòng đất vẫn không có tiếng động. Chi phí bảo trì là khoảng 1 triệu USD/tháng.

    Tham khảo WSJ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày