Trong khi Uber chần chừ, đối thủ lớn nhất của họ đã lên kế hoạch IPO tại Mỹ vào năm 2017
IPO trên sàn chứng khoán Mỹ là bước đi táo bạo và có thể đem lại thành công lớn cho Didi, trong cuộc chiến đầy cam go với Uber tại Trung Quốc.
Apple vừa mới đầu tư 1 tỷ USD vào startup cho đi nhờ xe thông qua ứng dụng trên di động Didi Chuxing (tên trước đây là Didi Kuaidi). Đây cũng là đối thủ lớn nhất của Uber, chiếm thị phần rất lớn tại Trung Quốc.
Và có lẽ Apple sẽ không phải đợi lâu, để có thể kiếm lại lợi ích từ thương vụ đầu tư này. Khi mà startup Didi Chuxing cho biết họ đang chuẩn bị kế hoạch IPO sớm vào năm 2017, ngay tại thị trường chứng khoán New York.
Trong khi đó, startup có giá trị lớn nhất thế giới hiện nay là Uber vẫn đang cố gắng “giữ mình” càng lâu càng tốt. Đại diện của Uber cho biết họ chưa có ý định lên sàn chứng khoán trong ít nhất là 2 năm tới, ngay cả vị trí giám đốc tài chính của công ty vẫn chưa có ai ngồi.
Didi có giá trị chỉ bằng 1/3 so với Uber, với khoảng 26 tỷ USD. Thế nhưng tiềm lực của startup này tại Trung Quốc lại rất lớn mạnh, được hậu thuẫn bởi hai gã khổng lồ Alibaba và Tencent, hoạt động tại hơn 400 thành phố và chiếm gần 90% thị phần.
Với mức giá trị hiện nay, nếu như Didi chính thức IPO tại Mỹ thì có thể đây sẽ là một trong những công ty Trung Quốc có giá trị kỷ lục được chào bán tại thị trường chứng khoán này, sau thương vụ IPO của Alibaba vào năm 2014.
Sau khi chính thức bước lên sàn chứng khoán, giá trị thị trường của Didi có thể còn tăng mạnh hơn rất nhiều so với hiện nay. Do nguồn lực của công ty này là rất lớn và tiềm năng phát triển của nó tại Trung Quốc cũng như nhiều thị trường khác, sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư tại Mỹ tiếp tục đổ tiền mua cổ phiếu của startup này.
Khi đó, các cổ đông của Didi, những người đã từng đầu tư vào startup này trước đây mà trong đó có cả Apple, sẽ nhận được lợi ích khổng lồ nếu giá trị cổ phiếu của công ty này tăng mạnh. 1 tỷ USD của Apple có thể biến thành nhiều tỷ USD nữa trong tương lai.
Tất nhiên, việc IPO cũng có thể dẫn đến những kết cục “thê thảm”, nếu như tốc độ tăng trưởng của Didi bị chậm lại. Điều quan trọng là họ phải lấy được lòng tin của các nhà đầu tư trong cuộc cạnh tranh với Uber tại Trung Quốc.
Về phía Uber, startup có giá trị lớn nhất thế giới này hiện đang được định giá khoảng 62 tỷ USD. Uber thống trị nhiều thị trường trên thế giới, tiếp tục mở rộng tại Trung Quốc với kế hoạch có mặt tại 100 thành phố mới trong năm nay. Thế nhưng đổi lại tốc độ tăng trưởng và mở rộng thị trường, Uber vẫn chưa thu về được một đồng lợi nhuận nào.
Có lẽ đây cũng là lý do chính khiến cho Uber chưa thể IPO, mặc dù đã có giá trị rất lớn. Vấn đề nằm ở lợi nhuận, khi mà các nhà đầu tư ai cũng quan tâm đến lợi nhuận. Thế nhưng Uber mới chỉ thu được lợi nhuận từ một số thị trường trên thế giới, về cơ bản là Uber vẫn đang lỗ.
Đây không phải là thời điểm thích hợp để Uber bước lên sàn chứng khoán, bởi các báo cáo tài chính thua lỗ liên tiếp có thể nhấn chìm startup này. Bên cạnh đó để có thể IPO, Uber cũng cần phải công khai toàn bộ sổ sách kinh doanh của mình. Trong khi startup này đang gặp khá nhiều rắc rối về vấn đề thuế.
Didi với việc IPO tại thị trường Mỹ sẽ là một quyết định rất táo bạo. Nó có thể giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa, giúp sức cho cuộc chiến với Uber tại Trung Quốc. Chính vì vậy mà Uber sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn, khi mà hiện tại Didi có nguồn lực tài chính rất mạnh để đầu tư vào mở rộng thị trường.
Uber có thể thống trị nhiều thị trường trên toàn thế giới, nhưng riêng tại Trung Quốc họ sẽ gặp phải một đối thủ vô cùng khó nhằn. Để chiếm được thị trường đông dân nhất thế giới và đầy tiềm năng phát triển này sẽ không phải là điều dễ dàng chút nào, đặc biệt là sau khi Didi đã "vượt Vũ môn để hóa rồng".
Tham khảo: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI