Trong khi Việt Nam vẫn e ngại vật liệu này, người Hà Lan đã đem đi làm nguyên một con đường vừa không lo ổ gà, lại vừa bảo vệ môi trường
Nhựa tái chế được xem là có nhiều ưu thế hơn đường nhựa bê tông và là một công nghệ xanh giúp cải thiện môi trường.
Hà Lan hiện đang đứng trước cơ hội trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu những con đường làm bằng vật liệu "tuy cũ mà mới". Ba trong số những lợi ích mà giải pháp này đem tới, đó là xanh hơn, nhanh hơn và đáng tin cậy
Cụ thể, đây là công nghệ hiện đang được nghiên cứu tại thành phố Rotterdam, sử dụng nhựa tái chế từ chất thải chai nhựa để trải đường thay thế cho nhựa đường. Sáng chế này được đánh giá là có lợi cho môi trường và giảm thiểu mặt hạn chế của đường bê tông.
Vừa tránh được ổ gà, lại vừa bảo vệ môi trường
Chủ đầu tư dự án - công ty xây dựng Hà Lan, VolkerWessels tiết lộ, họ đã lên kế hoạch xây dựng một bề mặt đường được làm từ nhựa tái chế, có thể chịu đựng mức nhiệt lớn, yêu cầu về bảo trì đường sá ít hơn so với nhựa đường hiện nay.
Trong đó, tiến độ xây dựng nhanh chóng, không tốn quá nhiều công sức, nhân lực, là những ưu điểm tuyệt vời của giải pháp làm đường này. Bởi theo VolkerWessels, hệ thống đường sá mới có thể được đưa vào sử dụng ngay trong vài tuần, không cần phải mất tới vài tháng.
Ban đầu, các đoạn đường bằng chai nhựa sẽ được đổ sẵn trong một nhà máy, sau đó mới vận chuyển tới nơi cần thiết, giảm bớt công đoạn xây dựng tại chỗ.
Vật liệu xây dựng nhẹ cũng là một ưu điểm trong việc vận chuyển, thi công, lắp ráp. Những làn đường này có cấu trúc xung quanh là một hệ thống rỗng giúp lắp đặt dây cáp và ống dẫn tiện ích một cách tiện lợi hơn.
Thời gian thi công ngắn hơn và ít phải bảo dưỡng hơn sẽ hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông khi thi công công trình, bởi độ bền của nó gấp 3 lần đường từ bê tông.
Các bề mặt nhựa sẽ có thể chịu được nhiệt độ từ -40° C đến 80° C, và đồng thời giúp giảm thiểu lượng khí thải CO2 từ nhựa đường.
Được biết, mỗi năm đường bê tông tại Hà Lan tạo ra 1,6 tỷ tấn khí thải CO2, chiếm 2% tổng khí thải CO2 do việc lưu thông đường bộ gây ra. Vì vậy, đường từ nhựa tái chế khá thân thiện với môi trường, không chỉ giúp xử lý rác thải mà còn giảm thiểu khí thải.
Làm đường nhựa tái chế bằng chính sách bền vững
Rolf Mars, một quan chức của công ty xây dựng VolkerWessel, khẳng định: "Nhựa có mọi lợi thế so với việc xây dựng đường xá hiện thời, kể cả việc thi công và bảo dưỡng".
Hiện tại, dự án bằng đường nhựa vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu. Nói cách khác, đây vẫn là một ý tưởng trên giấy tờ, và còn chờ cả một quá trình chế tạo và thử nghiệm tại phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo độ an toàn trong các điều kiện ướt và trơn trượt.
Tuy nhiên Mars và người dân cũng đang hy vọng sẽ có một tuyến đường hoàn toàn bằng nhựa đầu tiên trong vòng 3 năm tới với công nghệ độc đáo và vô cùng hữu ích này.
Đặc biệt thành phố Rotterdam - nơi thỏa sức sáng tạo của Hà Lan, luôn ủng hộ mạnh mẽ công nghệ bền vững, tỏ ra hứng thú với cuộc thử nghiệm.
"Chính quyền Rotterdam rất cởi mở, họ sẵn sàng đón chào ý tưởng sáng tạo trên. Đường từ nhựa tái chế rất phù hợp đối với chính sách bền vững của thành phố và Rotterdam đã tuyên bố ủng hộ dự án", ông Mars cho biết.
Được biết nếu công nghệ làm đường từ chai nhựa tái chế thành công, thì sẽ mang lại những ưu điểm lớn hơn rất nhiều so với đường bê tông hiện tại. Không chỉ về độ bền, công sức, nhân lực thi công công trình mà còn liên quan đến việc bảo vệ môi trường, là một hướng đi tích cực góp phần bảo vệ môi trường chung.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"